Chuyển đổi bền vững: Bước tiến tất yếu cho doanh nghiệp gia đình
Chuyển đổi bền vững không chỉ là một xu hướng, mà còn là một yếu tố thiết yếu cho sự tồn tại của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh hiện đại. Với việc 70% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp gia đình (theo VCCI), nhóm doanh nghiệp này đóng vai trò chủ chốt trong việc chuyển đổi và thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững của quốc gia.
Thực hành ESG trong chuyển đổi bền vững
Ngày nay, tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) dần trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua các thực hành mang tính bền vững, tác động tích cực lên môi trường và cộng đồng địa phương. Đối với các doanh nghiệp gia đình có định hướng mở rộng thị trường kinh doanh, phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc gia nhập thị trường quốc tế, việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra các cơ hội mới. Bên cạnh đó, thực hành phát triển bền vững là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp gia đình bảo vệ danh tiếng và di sản - vốn là tài sản chủ chốt của các doanh nghiệp gia đình.
Ngoài ra, thực hành ESG có thể mang đến những cơ hội thực tế để doanh nghiệp kết nối sâu sắc hơn với người tiêu dùng. Khảo sát của PwC năm 2024 cho thấy, 54% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm bền vững, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gia đình tận dụng lợi thế từ ESG. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động nắm bắt, chuyển đổi mô hình kinh doanh, ra mắt thị trường các sản phẩm mới thân thiện với môi trường, hoặc giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ đón đầu xu hướng xanh.
Tuy nhiên, doanh nghiệp gia đình có thể gặp phải thách thức khi thực hiện chuyển đổi bền vững, do truyền thống gia đình và phương thức kinh doanh lâu đời có thể cản trở sự thay đổi cần thiết để thích nghi. Sự khác biệt quan điểm giữa các thế hệ lãnh đạo cũng là một yếu tố phức tạp. Theo báo cáo của Edelman, doanh nghiệp gia đình có điểm tín nhiệm cao hơn 12% so với các doanh nghiệp khác, nhưng thực hành phát triển bền vững hiện chưa bài bản có thể ảnh hưởng đến uy tín của họ.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp gia đình có lợi thế trong việc thực hiện phát triển bền vững, nhờ khả năng kiểm soát cao hơn so với các tập đoàn lớn, nơi cổ đông ít có sự tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp. Họ thường có định hướng dài hạn, tầm nhìn qua nhiều thế hệ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ với các giá trị cốt lõi vững chắc và duy trì kết nối sâu rộng với cộng đồng. Để tận dụng lợi thế này, doanh nghiệp gia đình nên thiết lập lộ trình chuyển đổi bền vững phù hợp với đặc điểm của mình.
Hướng tiếp cận phù hợp để chuyển đổi bền vững
Quá trình chuyển đổi nên bắt đầu từ chiến lược phát triển và cấp quản lý. PwC sử dụng “Khung chiến lược cho chủ sở hữu doanh nghiệp” làm công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp gia đình trong hành trình chuyển đổi bền vững, đảm bảo sự hài hòa và liên kết giữa quyền sở hữu và chiến lược kinh doanh.
Các doanh nghiệp gia đình Việt Nam ưu tiên tăng trưởng kinh tế là điều dễ hiểu, nhưng để phát triển bền vững, doanh nghiệp không nên tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn. Mỗi thành viên cần hiểu và cam kết với tính bền vững thông qua đào tạo và kết nối. Trong kế hoạch kế nhiệm, cần tích hợp yếu tố bền vững để thế hệ lãnh đạo tiếp theo hiểu rõ và duy trì các giá trị này.
Thế hệ kế nghiệp (NextGen) đang giữ vai trò then chốt trong việc giải quyết các thách thức và định hình tương lai của doanh nghiệp gia đình. Để dẫn dắt quá trình chuyển đổi bền vững, họ cần được trang bị kiến thức sâu rộng về ESG. Trong quá trình chuyển đổi lẫn chuyển giao này, việc quản trị xung đột là yếu tố không thể thiếu. Thế hệ đương nhiệm cần mở lòng tiếp nhận những ý tưởng mới từ thế hệ kế nghiệp, cho phép họ thử nghiệm, phát triển và sẵn sàng cung cấp tư vấn khi cần thiết. Việc chiêu mộ nhân tài từ bên ngoài không chỉ mang lại góc nhìn khách quan, mà còn giúp xây dựng một đội ngũ đa dạng và hòa nhập. Điều này thúc đẩy sự đổi mới và hỗ trợ việc giữ chân nhân tài, tạo ra sự cân bằng giữa việc bảo tồn truyền thống và sự đổi mới cần thiết.
Quá trình chuyển đổi ESG phải gắn liền với chiến lược, mục tiêu, tầm nhìn và giá trị dài hạn của gia đình, đảm bảo phát triển bền vững và thành công lâu dài. Doanh nghiệp cần xây dựng khung quản lý rủi ro tích hợp với phát triển bền vững và các giá trị cốt lõi, cũng như chiến lược quản lý thay đổi để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn, tăng khả năng thích nghi với nhiều luật định về phát triển bền vững được ban hành trong nước như giảm phát thải khí nhà kính, kinh tế tuần hoàn và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, hoặc luật định quốc tế như thuế carbon và công bố thông tin phát triển bền vững.
Doanh nghiệp gia đình nên tích hợp các yếu tố phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh và hoạt động giao dịch để mang lại lợi ích cho cả cổ đông và các bên hữu quan. Để đẩy nhanh việc chuyển đổi, doanh nghiệp gia đình có thể sử dụng công cụ tài chính xanh qua việc phát triển và thực hiện các dự án bền vững.
Chuyển đổi bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh
Mức độ cam kết thực hành ESG của các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam còn tương đối thấp. Theo Báo cáo khảo sát doanh nghiệp gia đình Việt Nam 2023 của PwC, nhiều doanh nghiệp gia đình thừa nhận, họ chưa chú trọng nhiều đến ESG, cũng như đổi mới và nghiên cứu phát triển. Sự thiếu cân đối giữa KPI ngắn hạn và kỳ vọng dài hạn có thể ảnh hưởng đến thành công lâu dài của doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh phù hợp yêu cầu doanh nghiệp gia đình tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh và tích hợp các yếu tố ESG vào hoạt động vận hành của doanh nghiệp.
Hiện nay, nhu cầu chuyển đổi bền vững đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp gia đình nên tận dụng những lợi thế đặc thù của mình trong quá trình này, từ đó kiến tạo các giá trị chung và nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp.
(*) Ông Hoàng Việt Cường, Lãnh đạo Dịch vụ doanh nghiệp tư nhân và gia đình, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Lãnh đạo Dịch vụ ESG, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam