Những sân bay nào bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3?

Theo Trung tâm Khí tượng Hàng không (Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - VATM), bão số 3 (Wipha) dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến vùng trời và nhiều sân bay khu vực Bắc Bộ trong hai ngày tới.

Dự báo khoảng 0-2h sáng 22/7, tâm bão số 3 sẽ tiếp cận vùng thông báo bay Hà Nội (FIR Hà Nội - phân khu 2), cách sân bay Vân Đồn 90km, sân bay Cát Bi 140km, Nội Bài 250km và Thọ Xuân 280km.

Đến trưa, chiều cùng ngày, tâm bão có khả năng đổ bộ đất liền khu vực từ Hưng Yên đến Thanh Hóa, với cường độ mạnh cấp 8-9, giật cấp 10. Sau đó, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với vận tốc 10-15km/h, suy yếu dần thành vùng áp thấp và rời khỏi biên giới Việt Nam vào sáng 23/7, đi sang khu vực Thượng Lào, sức gió giảm dưới cấp 6.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão, từ ngày 21/7, thời tiết khu vực Bắc Bộ diễn biến xấu. Các sân bay như Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài và Thọ Xuân có mưa rào, dông, gió mạnh, gây nguy cơ gián đoạn hoạt động bay.

Có 4 sân bay phía Bắc có nguy cơ gián đoạn hoạt động bay do ảnh hưởng thời tiết từ cơn bão số 3.

Có 4 sân bay phía Bắc có nguy cơ gián đoạn hoạt động bay do ảnh hưởng thời tiết từ cơn bão số 3.

Từ chiều tối 21/7, gió tại Vân Đồn và Cát Bi bắt đầu mạnh lên cấp 4-6, giật cấp 7-8. Từ đêm 21 đến sáng 22/7, gió tiếp tục tăng lên cấp 6-8, giật cấp 8-10. Nội Bài và Thọ Xuân chịu ảnh hưởng từ sáng tới chiều 22/7 với gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Các sân bay Bắc Bộ được cảnh báo mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200-350mm trong 3 ngày (21-23/7), kèm dông sét và nguy cơ lốc xoáy.

Ngay sau khi nhận Công điện từ Cục Hàng không Việt Nam, Trung tâm Khí tượng Hàng không đã triển khai gấp các biện pháp ứng phó: Truyền đạt nội dung cảnh báo đến các cơ sở khí tượng, yêu cầu theo dõi sát diễn biến bão, bố trí lực lượng trực 24/24h.

Cơ quan khí tượng cũng nhấn mạnh, đây là một cơn bão mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, đe dọa trực tiếp đến an toàn hoạt động bay. Do đó, các bản tin dự báo, cảnh báo được cập nhật liên tục, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác cho các cơ sở điều hành bay, nhằm xây dựng phương án xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay trong khu vực bị ảnh hưởng.

Chiều 21/7, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội có văn bản hỏa tốc yêu cầu các đơn vị vận hành xe buýt, tàu điện sẵn sàng ứng phó với bão số 3 và nguy cơ mưa lớn, ngập lụt ảnh hưởng đến hoạt động vận tải công cộng.

Theo đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) cần phối hợp, triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời và hiệu quả theo diễn biến thực tế của bão và thời tiết cực đoan. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải bám sát thông tin dự báo thời tiết, chủ động đề xuất phương án vận hành linh hoạt, bao gồm điều chỉnh thời gian hoạt động hoặc tạm dừng tuyến nếu tình hình thời tiết diễn biến xấu. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lái xe, phương tiện dự phòng để giải tỏa hành khách tại các điểm có nguy cơ ùn tắc, ngập úng hoặc sự cố.

Ngoài ra, các đơn vị cần bố trí phương tiện để hỗ trợ trung chuyển người dân qua các khu vực ngập sâu, đảm bảo an toàn cho hành khách, người lao động và phương tiện. Đối với tuyến đường sắt đô thị, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) được yêu cầu theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, diễn biến bão để xây dựng phương án vận hành phù hợp cho hai tuyến đang khai thác (tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và tuyến 3.1 Nhổn - Ga Hà Nội).

Nếu tình hình thời tiết xấu, phương tiện vận tải công cộng sẽ tạm dừng hoạt động.

Trường hợp cần thiết, có thể điều chỉnh hoặc tạm dừng vận hành tuyến nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, lái tàu và đoàn tàu. Cùng với đó, các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỹ thuật, chuẩn bị vật tư dự phòng, nhân lực và sẵn sàng xử lý sự cố nếu phát sinh trong và sau bão.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, từ chiều 21/7, Hà Nội Metro đã khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, phương tiện, tài sản và hoạt động khai thác trên hai tuyến đường sắt đô thị.

Toàn bộ thiết bị quan trọng như loa thông báo, bảng hệ thống thông tin hành khách… đã được che chắn, bảo vệ kỹ lưỡng. Hệ thống thiết bị hiển thị tại các sân ga sẽ tạm ngắt điện trong thời gian bão đổ bộ nhằm giảm thiểu rủi ro.

Các thang máy và thang cuốn ngoài trời sẽ tạm dừng hoạt động khi bão ảnh hưởng trực tiếp, đảm bảo an toàn cho hành khách. Sau khi thời tiết ổn định, bộ phận kỹ thuật sẽ kiểm tra toàn diện trước khi đưa thiết bị vận hành trở lại.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/nhung-san-bay-nao-bi-anh-huong-truc-tiep-boi-con-bao-so-3--i775497/