Những sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên ở Abyei

Đã hơn 20 ngày trôi qua kể từ khi đặt chân đến vùng đất Abyei - một khu vực đặc biệt của châu Phi, hai sĩ quan Công an Việt Nam là Thiếu tá Vũ Trần Thắng và Đại úy Nguyễn Lan Anh đang nỗ lực từng ngày để thích nghi với vùng đất mới và làm tốt các nhiệm vụ được giao.

Họ là những sĩ quan công an Việt Nam đầu tiên triển khai tại một Phái bộ hoàn toàn mới: Phái bộ UNISFA thuộc Khu vực Abyei.

Hành trình đến Abyei

Phải đợi đến 12 giờ đêm tôi mới có thể liên lạc với Thiếu tá Vũ Trần Thắng và Đại úy Nguyễn Lan Anh. Lúc đó Abyei đang là 7 giờ tối. Thiếu tá Thắng đang chuẩn bị bữa cơm tối, còn Đại úy Lan Anh vừa về tới phòng ở sau buổi tập lái xe, chuẩn bị cho kỳ sát hạch lái xe tại Phái bộ UNISFA.

Mạng rất yếu, chúng tôi nói xong phải ngừng lại chờ đợi, sau đó mấy chục giây người bên kia mới nghe được và tiếp lời. Cuộc nói chuyện rất kiên nhẫn, cảm giác chuỗi âm thanh phát ra đang "bò" sang châu Phi. Tôi đã quen việc liên lạc với các sĩ quan Công an Việt Nam gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vào lúc đêm khuya và kiên nhẫn với những cuộc gọi "rùa bò". Bởi tôi hiểu những khu vực họ đến vô cùng khó khăn về mọi mặt, trong đó có hạ tầng liên lạc.

Đại tá Nguyễn Ngọc Thọ - Phó Chánh Văn phòng thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cùng Thiếu tá Vũ Trần Thắng và Đại úy Nguyễn Lan Anh tại Abyei.

Đại tá Nguyễn Ngọc Thọ - Phó Chánh Văn phòng thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cùng Thiếu tá Vũ Trần Thắng và Đại úy Nguyễn Lan Anh tại Abyei.

Abyei là khu vực tranh chấp nằm giữa Sudan và Nam Sudan, có diện tích hơn 10.000km2. Nếu như vùng đất Nam Sudan đã đón 3 tổ công tác số 1, số 2 và số 4 của Công an Việt Nam sang thực hiện nhiệm vụ, thì Abyei bắt đầu có tổ công tác đầu tiên. Từ tháng 3/2023, cuộc nội chiến tại Sudan bùng phát trở lại và đã ảnh hưởng lớn tới công tác bảo đảm hậu cần, luân chuyển quân của Phái bộ UNISFA. Liên hợp quốc đã phải thiết lập một tuyến di chuyển mới cho các chiến sĩ mũ nồi xanh đến phái bộ này làm nhiệm vụ. Thiếu tá Thắng và Đại úy Lan Anh là những sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên trải nghiệm tuyến di chuyển đầy vất vả này.

Ngày 2/6/2024, hai sĩ quan rời Việt Nam, quá cảnh ở Dubai, sau đó bay chặng tiếp tới Entebbe (Uganda) để hoàn thiện thủ tục và làm thẻ ID của Liên hợp quốc. Từ Entebbe, để có thể di chuyển tiếp chỉ có thể lên 2 chuyến bay của Liên hợp quốc trong một tuần, ngoài ra không có máy bay thương mại. Do đó, họ đã phải chờ đợi ở đây 2 ngày để đợi máy bay.

Thiếu tá Thắng kể: "Chuyến đi này, mỗi người chúng tôi được 100kg hành lý gửi qua đường chuyển phát nhanh DHL. Ngoài ra có 2 kiện 23kg và một kiện xách tay. Trong 100kg hành lý, tôi mang theo rất nhiều đồ dùng thiết yếu, trong đó có 20kg gạo kèm cả lạc, vừng, ruốc... Phải trải qua một quãng đường dài và thay đổi nhiều máy bay nên để đề phòng việc thất lạc đồ đạc, hai chúng tôi đều thống nhất chia những đồ thiết yếu đựng ở các kiện hàng. Cũng bởi thế nên tôi vẫn mang theo 5kg gạo trong hành lý kí gửi, kèm nồi cơm điện nhỏ và thức ăn khô. Nhờ thế mà 2 ngày chờ đợi ở Entebbe, chúng tôi vẫn có cơm ăn".

Hai ngày sau, chiếc máy bay cánh bằng đưa họ tới Wau - một địa điểm ở Nam Sudan. Rồi sau đó lên tiếp trực thăng bay tới Abyei. Sau mấy ngày di chuyển vất vả, cuối cùng họ đặt chân đến nơi. Trung tâm của khu vực này là thị trấn Abyei, cũng là nơi đặt Sở chỉ huy của Phái bộ UNISFA. Phái bộ khá rộng lớn, những dãy nhà container san sát. Mỗi phòng container sẽ có 4 phòng nhỏ hơn dành cho 4 người ở, có chung phòng khách, khu nấu ăn và có hai nhà vệ sinh. Mỗi người được sắp xếp ở cùng các đồng nghiệp quốc tế đến từ nhiều nước.

Những ngày đầu ở căn cứ, mọi đồ dùng và thực phẩm đều thiếu thốn, bởi kiện hàng 100kg phải mất 10 ngày mới tới nơi. Thực phẩm có thể mua được tại phái bộ đều là đồ đông lạnh, rất thiếu rau xanh, trái cây do chỉ có thể nhập khẩu thực phẩm và vận chuyển bằng máy bay trực thăng. Nước sinh hoạt dùng để tắm rửa thì có tại phòng ở nhưng nước uống thì phải đi lấy tại khu tập trung.

"Đã bắt đầu vào mùa mưa, thời tiết không còn quá khắc nghiệt như mùa khô nhưng nhiệt độ vẫn ở ngưỡng gần 40oC. Muỗi và côn trùng, những con đường đất nhão nhoét là nỗi ám ảnh với chúng tôi bởi dịch sốt rét có thể bùng lên. Có rất nhiều loài côn trùng tôi chưa nhìn thấy bao giờ, cũng không biết gọi là gì, chỉ được cảnh báo là chúng rất độc. Chúng tôi đã chuẩn bị thuốc xịt chống muỗi, đèn bắt muỗi, thậm chí cả hương muỗi mang sang. Phòng ở luôn ở chế độ ra đóng vào mở để muỗi không thể lọt vào", Đại úy Lan Anh dí dỏm kể.

Sau khi được cảnh sát phái bộ hỗ trợ các thủ tục ban đầu, hai sĩ quan Thắng và Lan Anh nhanh chóng tham gia các lớp đào tạo đầu. Các thông tin về tình hình địa bàn, tình hình triển khai lực lượng của phái bộ, bộ máy tổ chức, quy trình công tác, quy chế làm việc của sĩ quan cảnh sát Phái bộ nhanh chóng được họ nắm bắt. Sự giúp đỡ tận tình của Tổ công tác của Bộ Quốc phòng và Đội công binh số 2 đã khiến hai sĩ quan nhanh chóng thích ứng với công việc.

Từ ngày 9 - 13/6/2024, họ vừa tham gia huấn luyện đầu vào, vừa phối hợp với các sĩ quan quân đội đón tiếp đoàn công tác do Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam làm trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Phái bộ. Thật ấm áp khi Đại tá Nguyễn Ngọc Thọ - Phó Chánh Văn phòng thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã vượt hơn 10.000km cùng đoàn công tác sang động viên tổ công tác số 3. Đó là nguồn động viên rất lớn cho hai sĩ quan vừa mới chân ướt chân ráo đến vùng đất mới.

Nỗ lực ở vùng đất mới

Rất nhanh chóng, họ cũng bắt đầu những chuyến thực địa đầu tiên. Khu vực Abyei có địa hình bằng phẳng, chủ yếu là sa mạc và và đất nông nghiệp trũng. Một vùng Abyei nghèo nàn hiện ra trước mắt. "Nhìn trên bản đồ, khu vực Abyei giống như một hình thang ngược, biên giới rất thẳng. Có một tuyến đường chính đi từ phía Bắc đến phía Nam kéo dài hơn 100km. Tất cả các công trình, trụ sở, dân cư đều tập trung dọc tuyến đường này. Những trụ sở của các hiệp hội hoặc chính quyền địa phương nhìn giống như ủy ban xã của Việt Nam những năm 90 thế kỷ trước", Thiếu tá Thắng chia sẻ.

Thiếu tá Thắng phát những suất cơm cho phụ nữ Abyei nhân Ngày quốc tế chống lại bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.

Thiếu tá Thắng phát những suất cơm cho phụ nữ Abyei nhân Ngày quốc tế chống lại bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.

Thị trấn Abyei là trung tâm của cả vùng nhưng cũng chỉ thấy có nhà tranh vách đất. Có chợ nhỏ ven đường bán những mặt hàng lèo tèo. Cũng có những người dân có xe máy, loại xe giống xe Mins ở Việt Nam. Tuy thế, thỉnh thoảng trên đường vẫn thấy có chiếc xe ô tô đắt tiền phóng vút qua. Trên đường đi tuần tra, Đại úy Lan Anh đã vào tận những ngôi nhà vách đất, lợp tranh. Trong những căn nhà không có điện, những mảnh vải mỏng thay cho cánh cửa, chẳng có vật dụng gì đáng giá. Nước sạch ở vùng đất này là sự xa xỉ, mỗi khu vực có một chiếc giếng khoan bơm tay. Vì vậy tỉ lệ người dân mắc bệnh cao, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến kéo dài ở Sudan, tình hình an ninh tại Abyei có nhiều bất ổn và diễn biến khó lường hơn do dòng người tị nạn đổ về đây ngày càng nhiều. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2024, căng thẳng và bạo lực đã bùng phát mạnh mẽ giữa các tộc người Ngok Dinka, Twic Dinka và Nuer khiến hằng trăm người dân địa phương thiệt mạng. Tuy vậy, khu vực Abyei không hề có lực lượng cảnh sát riêng. Việc duy trì trật tự được tiến hành thông qua lực lượng tình nguyện trong cộng đồng. Hiện tại, tổ công tác số 3 đang phối hợp các bộ phận của cảnh sát Phái bộ triển khai các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ trong xung đột.

Ở Abyei có các cơ sở giam giữ. Do vậy, cảnh sát Liên hợp quốc có nhiệm vụ xây dựng năng lực cho lực lượng an ninh địa phương trong việc quản lý người bị tạm giữ, kiểm tra cơ sở vật chất các cơ sở giam giữ, nhằm cải thiện môi trường giam giữ, mở các lớp học cho trẻ vị thành niên phạm tội, bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ có con nhỏ bị giam giữ. Cả Đại úy Lan Anh và Thiếu tá Thắng đều thường xuyên tới làm nhiệm vụ ở trại.

"Luật pháp ở đây chưa chặt chẽ và nghiêm minh. Có trường hợp chỉ cần có đơn tố cáo là đã bị bắt vào trại, có cả phụ nữ, trẻ em. Khi người mẹ đã vào trại giam thì đứa trẻ bất đắc dĩ phải theo mẹ, cùng chung điều kiện ăn uống vệ sinh rất thiếu thốn, khổ sở. Hiện tại chúng tôi đang làm nhiệm vụ giám sát các trại cải tạo, trại giam giữ; gặp gỡ và nói chuyện với phạm nhân để nắm bắt nguyện vọng của họ và việc phán xét những người như họ có đảm bảo nhân quyền không. Từ đó vận động các nhà chức trách thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế về cải tạo giam giữ người bị kết án", Đại úy Lan Anh chia sẻ.

Ngày 19/6 vừa qua, nhân kỷ niệm Ngày quốc tế chống lại bạo lực tình dục cho phụ nữ và trẻ em gái, tổ công tác số 3 đã tham gia vào hoạt động quy mô của Phái bộ nhằm tuyên truyền về chống bạo lực tình dục cho các tổ/ nhóm phụ nữ tại Abyei. Hai sĩ quan được tận tay trao những những suất cơm, bánh ngọt, những món quà tới những người phụ nữ ở Abyei. Họ đã chứng kiến những phụ nữ hát múa, nhảy những điệu nhảy dân tộc để cảm ơn lực lượng gìn giữ hòa bình.

Ở phải bộ, thứ sáu và thứ bảy là ngày nghỉ cuối tuần. Còn chủ nhật là ngày làm việc. Sau cả tuần bận bịu, họ thường tranh thủ liên lạc với gia đình. Tháng 9 này, cậu con trai nhỏ của Đại úy Lan Anh vào lớp 1. Mẹ đi công tác xa, những nét chữ đầu tiên, bố sẽ thay mẹ học cùng con. Sự động viên và hậu thuẫn rất lớn từ chồng cũng là một sĩ quan Công an khiến chị vững vàng hơn. Thiếu tá Thắng có hai bé, một bé học lớp 5 và một bé 5 tuổi. Anh đi xa, nên đã nhờ cậy ông bà nội ngoại thay nhau hỗ trợ vợ anh chăm lo con cái và lo việc gia đình. Họ đã gác lại những nỗi niềm riêng để từng ngày ươm những mầm xanh hòa bình ở vùng đất mới.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhung-si-quan-cong-an-viet-nam-dau-tien-o-abyei-i735455/