Những 'sứ giả' nối tình hữu nghị: Lan tỏa nét đẹp quê hương

Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, những cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc đã và đang cố gắng hòa nhập với cuộc sống mới, vun vén chăm lo cho hạnh phúc gia đình, trở thành hậu phương và góp phần lan tỏa nét đẹp của Việt Nam.

LTS: Hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong đó, các gia đình Hàn - Việt đã đóng góp rất nhiều trong việc giao lưu, kết nối văn hóa và nhân dân giữa hai nước.

Gắn bó với nghề nông

Đó là câu chuyện của chị Đào Thị Thái. Thái năm nay 36 tuổi, quê Hải Phòng, hiện sống hạnh phúc cùng chồng và 2 con trai tại tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc. Trước khi có những ngày tháng yên ả như hiện tại, Đào Thị Thái đã trải qua tuổi thơ đầy cơ cực. Chia sẻ về khoảng thời gian trước khi đến Hàn Quốc, chị Thái cho biết, gia đình gặp khó khăn, bố mất sớm, mẹ lớn tuổi, anh trai chị dâu cũng vì tai nạn mất sớm, còn 3 đứa cháu nhỏ, bản thân ít học hành, cuộc sống nông thôn vất vả. Thái quyết định lấy chồng Hàn Quốc từ năm 2009 với suy nghĩ mặc cho số phận quyết định mình.

 Chị Đào Thị Thái với cuộc sống nông thôn Hàn Quốc. Ảnh: Facebook Cuộc sống Hàn Quốc

Chị Đào Thị Thái với cuộc sống nông thôn Hàn Quốc. Ảnh: Facebook Cuộc sống Hàn Quốc

Hai con người xa lạ ở 2 đất nước khác nhau không hề có cơ hội tìm hiểu nhau trước. Nhưng may mắn đã mỉm cười với nàng dâu Việt khi chồng chị, cũng là con nhà nông, bản tính hiền lành, thật thà, chất phác và yêu thương vợ, anh đã giúp Thái đổi đời. Thái mắc bạo bệnh khiến đôi mắt bị màng trắng đến mức không còn nhìn thấy. Nhờ chạy chữa ở Việt Nam, một mắt của Thái nhìn lại bình thường, còn một bên mắt bị dại. Khi biết vợ bị bệnh về mắt, người chồng hết lòng chăm lo. Anh thuốc thang và đưa vợ đến bệnh viện kiểm tra. Tuy nhiên, con mắt bị hỏng, chỉ có thể đeo kính áp tròng.

Thời gian đầu sang Hàn, cuộc sống mọi thứ đều bỡ ngỡ, khác xa với tưởng tượng ban đầu, khó khăn bất đồng, nhưng may mắn là chị nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ người nước ngoài của tỉnh Gyeongsang Bắc. Chị Thái siêng năng học tiếng, tìm hiểu ẩm thực, văn hóa, rồi từ đó thích ứng với cuộc sống mới rất nhanh, hòa nhập được với cả gia đình chồng.

Gia đình chồng chị Thái chủ yếu canh tác và trồng trọt nông nghiệp. Đặc sản của quê chồng chị ở tỉnh Gyeongsang Bắc là táo và ớt. Ngay sau khi về làm dâu, chị Thái đã chủ động và nhiệt tình giúp đỡ chồng làm kinh tế bằng cách trồng, chăm bón cho vườn cây, trong đó loại quả chủ lực là táo. Chị Thái còn trồng lúa, đậu tương, ớt, củ cải, củ dền, mận, ngô, khoai, bí... mỗi loại một ít. Cần cù và chịu khó, vợ chồng chị Thái mua thêm được 5 mảnh đất nữa. 3 mảnh trồng táo lâu năm, còn 2 mảnh trồng hoa màu mùa vụ và canh tác thêm đất của ba mẹ chồng. Chị Thái chia sẻ: “Thật ra cuộc sống nông thôn làm nông thì ở đâu cũng vất vả sớm tối, kinh tế gia đình cũng đủ ăn đủ tiêu cho con cái ăn học, cái khó nhất khi được mùa thì không bán được, có bán được thì giá rẻ. Khi đó, em cũng rất đau đầu, bỏ đi thì tiếc lắm, nên gia đình quyết định mua tủ bảo quản dự trữ táo tươi để làm nước ép táo và táo tươi cho người Việt Nam ở Hàn Quốc”.

Ngoài canh tác, trồng trọt, chị Thái còn bán táo và các đặc sản khác của Hàn Quốc trên mạng xã hội để tăng thêm thu nhập. Các video chia sẻ những hình ảnh cuộc sống nông thôn Hàn Quốc mà chị Thái đăng tải lên mạng luôn thu hút và gây ấn tượng mạnh bởi cách nói chuyện giản dị, chân chất, thật thà đúng kiểu nông dân nên được nhiều người quan tâm, yêu thích.

Bận rộn với công việc và chăm sóc gia đình, nhưng có thời gian rảnh, chị sẵn sàng tham gia hoạt động của hội phụ nữ giúp đỡ cộng đồng người Việt trong các gia đình đa văn hóa. Chị Thái hỗ trợ thăm hỏi người lớn tuổi, cô dâu mới sang, tham gia vận động bầu cử, hỗ trợ các chị em bị chồng bạo hành. Theo chị Thái, Chính phủ Hàn Quốc luôn chú trọng tạo điều kiện cho gia đình đa văn hóa thông qua những chính sách ưu tiên từ học tập đến nuôi dưỡng con cái, học tiếng Hàn, cũng như hỗ trợ nơi ở cho những cô dâu bị bạo hành. Đây cũng chính là một trong những điểm tựa cho các cô dâu Việt nơi xa xứ. Vui vẻ với cuộc sống hiện tại, niềm hạnh phúc mỗi ngày của chị Thái là cùng chồng và gia đình ra đồng chăm sóc cây trái, buổi trưa cùng ăn vội bữa cơm, tối đưa nhau về nhà vui vầy bên con cái. Nhìn con cái khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi, chị Thái cảm thấy rất mãn nguyện.

Tấm lòng ấm áp

Theo KBS World Radio, tham gia đóng góp cho xã hội Hàn Quốc cũng là điều mà các nàng dâu Việt luôn hướng tới. Như trường hợp của chị Lê Thị Hòa (tên Hàn Quốc là Lee Yoon-ha) hiện là điều dưỡng viên tại Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi huyện Jincheon, tỉnh Bắc Chungcheong, đồng thời cũng là nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ tại Hàn Quốc. Kết hôn và sinh sống cùng chồng ở Việt Nam, chị cùng gia đình sang Hàn Quốc vào năm 2018. Chỉ một năm sau đó, chị quyết định hiến tặng thận của mình cho chị chồng.

Chị Lê Thị Hòa chia sẻ: “Hiến thận cho chị chồng, mình không suy nghĩ gì nhiều, cũng không sợ đau đớn khi mình tâm niệm rằng sẽ cứu được chị”. Tấm lòng ấm áp này được công nhận với danh hiệu “Nàng dâu đa văn hóa hiếu thảo” tại Giải thưởng Hiếu thảo Gacheon vào tháng 12-2023. Giải thưởng do Quỹ văn hóa Gacheon tổ chức thường niên kể từ năm 1999. Những cá nhân và tổ chức nhận giải được trao bằng khen, tiền thưởng và những ưu đãi về khám chữa bệnh trọn đời. Việc hiến tặng một quả thận của chị Hòa không chỉ cứu sống một sinh mạng mà còn có ý nghĩa lan tỏa tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam được nhiều người biết đến hơn trên đất nước Hàn Quốc.

Chị Lê Thị Hoài Thu có tên tiếng Hàn là Lee Mi-hyeon, chủ quán ăn Quê Hương Việt Nam có tuổi đời gần 22 năm tại TP Ansan, tỉnh Gyeonggi, lại mong muốn giới thiệu những nét đẹp của ẩm thực Việt Nam. Sang Hàn Quốc làm việc từ năm 1994 rồi sau đó nên duyên với người Hàn Quốc, chị Thu nhen nhóm quyết định mở quán ăn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, với mong muốn cứu vớt kinh tế gia đình. Từ năm 2002, chị chính thức mở quán Quê Hương, đưa hương vị ẩm thực Việt đến Hàn Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với KBS World Radio, chị Hoài Thu chia sẻ, giai đoạn đầu tiên cũng gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ có sự động viên, giúp đỡ của chồng, chị đã từng bước xây dựng quán ăn sau khi tìm được nguồn cung cấp nguyên liệu thực phẩm từ các đơn vị nhập khẩu có uy tín. Với niềm đam mê ẩm thực, ngoài phở - món ăn được yêu thích tại Hàn Quốc, chị đưa vào thực đơn của quán những món ăn truyền thống khác như bánh xèo, nem, bánh mì, bún chả.

Sự hài lòng của thực khách chính là thước đo cho mỗi món ăn của Quê Hương. Vào năm 2015, quán Quê Hương đã lên chương trình buổi tối giới thiệu ẩm thực, lịch sử, văn hóa mang tên “Bàn tiệc mỹ vị thứ 4” của Hàn Quốc. Cũng nhờ đó, nhiều khách Hàn Quốc đã tìm đến quán và Quê Hương trở thành điểm đến ẩm thực quen thuộc của xứ kim chi. Công việc bận rộn nhưng chị Hoài Thu vẫn sẵn sàng tham gia vào công tác xã hội. Từ năm 2019, chị Hoài Thu đã thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ansan hỗ trợ cô dâu Việt trong các gia đình đa văn hóa. Đây là mái nhà chung của các phụ nữ lấy chồng Hàn, giúp các chị em vơi bớt nỗi nhớ nhà, cũng như hiểu biết hơn về văn hóa bản địa giúp gia đình hòa hợp.

Vào năm 2023, có 20.000 cuộc hôn nhân giữa công dân Hàn Quốc và người nước ngoài, tăng so với 17.000 của năm 2022. Phụ nữ Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số cô dâu nước ngoài, với tỷ lệ 33,5% vào năm ngoái, tiếp theo là Trung Quốc với 18,1% và Thái Lan với 13,7%.

(Nguồn: Yonhap)

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-su-gia-noi-tinh-huu-nghi-lan-toa-net-dep-que-huong-post741717.html