Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 12/8 - 17/8
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố triển vọng năng lượng ngắn hạn mới nhất; xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga sang Châu Á qua Châu Phi tăng gần gấp đôi... là những điểm nhấn nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
Cùng PetroTimes điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua:
1. Trong triển vọng năng lượng ngắn hạn mới nhất (STEO), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo mức tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ tăng 1,1 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2024 và 1,6 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2025.
EIA dự kiến mức tiêu thụ dầu mỏ và nhiên liệu lỏng khác trên thế giới sẽ đạt 102,94 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay và 104,55 triệu thùng mỗi ngày vào năm tới, theo STEO, trong đó ước tính tổng mức tiêu thụ năm 2023 là 101,80 triệu thùng mỗi ngày.
2. Chính phủ Nga cho biết sẽ gia hạn lệnh cấm xuất khẩu xăng từ tháng 10 đến hết tháng 12 năm 2024, khi nước này tìm cách duy trì nguồn cung trong nước ổn định vào mùa nhu cầu cao và bảo trì theo lịch trình tại các nhà máy lọc dầu.
Vào mùa thu năm 2023, Nga đã cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng nhằm nỗ lực bình ổn giá nhiên liệu trong nước, trước tình trạng giá tăng vọt và thiếu hụt do dầu thô tăng và đồng rúp của Nga suy yếu.
3. Theo dữ liệu vận chuyển LSEG của Reuters, xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga sang Châu Á qua cực nam Châu Phi đã tăng gần gấp đôi trong tháng 7 so với một tháng trước đó, đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Tháng trước, các chuyến hàng nhiên liệu của Nga qua Mũi Hảo Vọng trên đường đến Châu Á đã tăng lên mức cao kỷ lục 1,1 triệu tấn, do nhiều tàu chở dầu đi tuyến đường dài hơn thay vì Kênh Suez.
4. Chính phủ liên bang Mỹ đang xem xét các biện pháp để hạn chế xuất khẩu dầu của Iran, trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông leo thang sau lời thề của Tehran sẽ trả thù cho cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh.
Tờ Politico đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Bộ này đang tìm cách hạn chế hơn nữa nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Iran, đổ lỗi cho nước này về sự leo thang căng thẳng trong khu vực.
5. Iraq, thành viên khai thác lớn thứ hai của OPEC, đang tìm cách thu hút thêm đầu tư vào ngành dầu khí bằng cách chuyển sang các hợp đồng chia sẻ lợi nhuận cho các vòng đấu thầu mới.
Các quan chức Chính phủ nói với Reuters rằng sự thay đổi lớn nhất trong bối cảnh quản lý dầu mỏ của Iraq trong nhiều thập kỷ, đang được thực hiện để thu hút giá thầu cao hơn và nhiều khoản đầu tư hơn vào trữ lượng dầu khí khổng lồ của nước này.
6. Sau khởi đầu lạc quan trong mùa hè khiến nhu cầu nhiên liệu máy bay tăng vọt, các nhà phân tích hiện cảnh báo rằng nhu cầu nhiên liệu máy bay toàn cầu sẽ chậm lại cùng với chi tiêu của người tiêu dùng, có khả năng gây áp lực nặng nề lên giá dầu.
Theo báo cáo của Reuters, mức tiêu thụ yếu hơn dự kiến ở Mỹ và Trung Quốc hiện đang kìm hãm sự tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu, vốn thường chiếm khoảng 7% nhu cầu dầu toàn cầu.
7. Báo cáo hàng tháng của OPEC cho thấy sản lượng dầu thô của nhóm này đã tăng 185.000 thùng/ngày trong tháng 7 so với tháng 6, do nhà khai thác hàng đầu Ả Rập Xê-út tăng sản lượng, Iraq tiếp tục bơm vượt hạn ngạch và Iran cũng tăng nguồn cung.
Tổng sản lượng dầu thô từ 12 thành viên OPEC đạt trung bình 26,75 triệu thùng/ngày trong tháng trước, tăng 185.000 thùng/ngày so với tháng 6, với sản lượng tăng ở các nhà khai thác Trung Đông là Ả Rập Xê-út, Iraq và Iran, theo các nguồn thứ cấp của OPEC.