Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 26/2-2/3
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể được kéo dài đến cuối năm; Nga cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
1. Ba nguồn tin của OPEC+ mới đây nói với Reuters rằng việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ dự kiến hết hạn vào cuối quý đầu tiên có thể được kéo dài đến cuối năm nay.
Ngành công nghiệp dầu mỏ phần lớn đã đặt cược vào việc OPEC+ sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu sau quý đầu tiên và sang quý tiếp theo, một cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy vào thứ Sáu tuần trước.
2. Thủ tướng Liên bang Nga, ông Mikhail Mishustin ngày 26/2 đã phê chuẩn lệnh cấm xuất khẩu xăng trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/3 tới.
Các nguồn thạo tin cho biết quyết định này được đưa ra nhằm tăng hạn mức bán dầu diesel trên sàn giao dịch lên 16%.
3. Các nguồn tin trong ngành ở Ấn Độ nói với Reuters rằng các nhà máy lọc dầu Ấn Độ lo ngại rằng các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Nga có thể ảnh hưởng hơn nữa đến khả năng nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga do giá cước vận chuyển sẽ tăng và làm giảm lợi nhuận lọc dầu.
Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vào tuần trước, đánh dấu hai năm ngày nổ ra xung đột Nga - Ukraine. Các nhà lọc dầu ở Ấn Độ hiện lo ngại rằng các lệnh trừng phạt mới sẽ gây khó khăn hơn cho việc vận chuyển dầu từ Nga trên các tàu không bị trừng phạt, điều này sẽ làm tăng chi phí vận chuyển và bào mòn lợi nhuận lọc dầu.
4. Cuộc thăm dò hàng tháng do Reuters thực hiện cho thấy nguồn cung đầy đủ và dòng chảy thương mại dầu không bị gián đoạn bất chấp xung đột ở Trung Đông sẽ giữ giá dầu gần ngưỡng 80 USD/thùng trong năm nay.
Trong tháng thứ tư liên tiếp, hơn ba chục nhà phân tích và kinh tế tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ dự báo của họ về mức giá trung bình cho hai loại dầu chuẩn được giao dịch nhiều nhất là Brent và WTI.
5. Khi xung đột nổ ra ở Gaza, Israel đã báo cáo rằng nguồn cung cấp khí đốt của họ cho Ai Cập và Jordan đã tăng 25% vào năm ngoái, bất chấp việc tạm dừng một trong các mỏ khí đốt ngoài khơi của Israel.
Hồi đầu tuần này, Israel không chỉ cho biết nguồn cung khí đốt cho cả Ai Cập và Jordan đã tăng 1/4 mà xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, phù hợp với tham vọng của Israel trở thành một trung tâm năng lượng quan trọng cung cấp cho châu Âu.
6. Theo dữ liệu LSEG được Reuters trích dẫn, Nga đã bắt đầu chuyển các chuyến hàng LNG của mình ra khỏi Kênh đào Suez và đang sử dụng tuyến đường dài hơn đến Trung Quốc qua Mũi Hảo Vọng ở Châu Phi, trong bối cảnh nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ cao hơn.
Tuyến đường dài hơn từ dự án Yamal LNG của Nga đến Trung Quốc qua Châu Phi thay vì Kênh đào Suez sẽ tăng thêm khoảng 10 ngày thời gian di chuyển để hàng hóa LNG đến các điểm đến ở Trung Quốc và quay trở lại Nga.