Những tấm gương tiêu biểu trong lực lượng vũ trang tỉnh

Những chiến sĩ này là 3 trong số nhiều điển hình tiên tiến trong LLVT tỉnh, luôn không ngừng nỗ lực, tận tụy, cống hiến hết mình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân; góp phần tích cực trong nhiều phong trào, hoạt động đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quê hương.

Thượng úy Nguyễn Thanh Sơn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với Nhân dân

Không chỉ cùng đồng đội vững chắc tay súng bảo vệ đường biên, cột mốc để giữ gìn biên cương, bờ cõi của Tổ quốc, Thượng úy Nguyễn Thanh Sơn còn thầm lặng giúp đỡ đồng bào dân tộc Pa Kô ở nhiều bản làng của xã A Bung, A Ngo (huyện Đakrông) bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

 Thượng úy Nguyễn Thanh Sơn tặng quà cho dân bản. Ảnh nhân vật cung cấp

Thượng úy Nguyễn Thanh Sơn tặng quà cho dân bản. Ảnh nhân vật cung cấp

Năm 2012, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị, Thượng úy Nguyễn Thanh Sơn về công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt, rồi Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh), Đồn Biên phòng Thuận (huyện Hướng Hóa). Đến tháng 9/2018, Thượng úy Nguyễn Thanh Sơn nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay). Anh cho biết: “Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay đứng chân trên địa bàn xã A Ngo, A Bung với 14 bản làng (chiếm gần 90% là đồng bào dân tộc Pa Kô). Đời sống của đồng bào dân tộc Pa Kô ở các bản làng còn gặp nhiều khó khăn, nên tôi cùng với các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay thường xuyên xuống bản để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân để giúp Nhân dân”.

Để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, chỉ tính riêng trong năm 2019, Thượng úy Nguyễn Thanh Sơn cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay đã duy trì hiệu quả các chương trình, mô hình như chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, mô hình “Thôn, bản không có tội phạm ma túy”, “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”, “Tổ tự quản đường biên cột mốc”….; phối hợp với Xã đoàn A Bung, A Ngo tổ chức 4 đợt/120 lượt đoàn viên tuần tra, bảo vệ, phát quang đường biên, cột mốc; phối hợp với Hội LHPN xã A Ngo, A Bung hoàn thành 1 km công trình “Ánh sáng đường quê”; tham gia xây dựng 2 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo trên biên giới” với hơn 170 ngày công; khảo sát, lựa chọn các gia đình hội viên phụ nữ nghèo để trao tặng 10 con bò giống, 2 giếng nước cộng đồng…; phối hợp với Xã đoàn A Bung, A Ngo thực hiện chiến dịch “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày thứ 7 tình nguyện” bằng việc tuyên truyền, dọn vệ sinh, phát quang cây cối, thu gom rác thải sinh hoạt ở khu vực dân cư; trồng, chăm sóc 1.950 cây xanh; tổ chức vệ sinh 10,5 km đường liên thôn; tu sửa 5,5 km đường ống dẫn nước tự chảy; trợ giúp 85 ngày công xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh…

Để thắm đượm thêm tình quân dân và được người dân tin tưởng, góp phần cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia, Thượng úy Nguyễn Thanh Sơn cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay không quản ngại khó khăn, vất vả lặn lội đến tận các bản làng xa xôi, hẻo lánh để thực hiện các mô hình như “Tiết học nơi biên giới”, “Tay kéo Biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, “Ổ bánh mì nơi biên giới”… Trong năm 2019, Thượng úy Nguyễn Thanh Sơn cùng đồng đội trực tiếp giảng dạy cho học sinh 6 tiết học về chủ đề chủ quyền an ninh biên giới và tác hại của ma túy đối với học đường; cắt tóc cho 235 em học sinh; cấp phát 3.882 ổ bánh mì, 78 hộp sữa cho các em học sinh đồng bào dân tộc Pa Kô…

Với những thành tích đạt được, Thượng úy Nguyễn Thanh Sơn đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen vì đã có thành tích trong thực hiện phong trào thi đua “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020; giải thưởng Vừ A Dính của Trung ương Đoàn cho tập thể Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay vì đã có thành tích trong sự nghiệp phát triển miền núi và dân tộc mà Thượng úy Nguyễn Thanh Sơn là Bí thư Đoàn cơ sở và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Đại úy Nguyễn Đức Định, Trường Quân sự tỉnh: Trăn trở để sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ

Gần 9 năm gắn bó với Trường Quân sự tỉnh, Đại úy Nguyễn Đức Định đã có nhiều nghiên cứu sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ phục vụ công tác giảng dạy và huấn luyện tại đơn vị đạt hiệu quả cao. Từ 1/1/2020, Đại úy Nguyễn Đức Định được cấp trên phân công nhận nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 43, Trung đoàn 842 (thuộc Bộ CHQS tỉnh) với nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Đại úy Nguyễn Đức Định huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 43. Ảnh: HTS

Đại úy Nguyễn Đức Định huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 43. Ảnh: HTS

Tốt nghiệp cử nhân quân sự tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, ra trường anh được cấp trên phân công về nhận công tác tại đơn vị cơ sở, từ năm 2011 nhận nhiệm vụ tại Trường Quân sự tỉnh. Là giáo viên quân sự, anh luôn xác định nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ là hai nhiệm vụ song hành. Năm 2014, từ thực tế công tác giảng dạy, huấn luyện, anh nhận thấy nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác huấn luyện chiến sĩ ở các đơn vị còn cồng kềnh, mang vác nặng. Sau nhiều trăn trở với suy nghĩ phải làm sao để cải tiến mô hình học cụ có hiệu quả cho người dạy trong giới thiệu nội dung, giúp người học hiểu bài nhanh và hạn chế sự cồng kềnh bằng việc tích hợp nhiều chức năng trong cùng một học cụ, anh bắt tay vào nghiên cứu “Mô hình hỗ trợ giảng dạy lý thuyết bắn”.

Anh cho biết: “Lúc ấy, vì thiếu kinh nghiệm trong nghiên cứu, nên mô hình gặp thất bại vì thiếu tính khả thi. Không nản lòng trước thất bại, tôi tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng đội; tiến hành xây dựng đề cương chi tiết để thông qua Hội đồng Khoa học của trường và bắt tay vào chế tạo ra sản phẩm. Để hoàn thiện sản phẩm, nhiều đêm tôi cùng các thành viên trong tổ nghiên cứu đã thức xuyên đêm để hoàn chỉnh từng chi tiết nhỏ của sản phẩm. Và rồi “Mô hình hỗ trợ giảng dạy lý thuyết bắn” được áp dụng và phát huy hiệu quả trong công tác huấn luyện”.

Sau “Mô hình hỗ trợ giảng dạy lý thuyết bắn”, Đại úy Nguyễn Đức Định cùng tổ nghiên cứu đã có thêm nhiều sáng kiến cải tiến mô hình học cụ áp dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy tại Trường Quân sự tỉnh như “Mô hình hố phóng nổ xa” trong năm 2016. Mô hình này là sáng kiến hỗ trợ hiệu quả trong giảng dạy các nội dung vũ khí tự tạo cho học viên đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở. Rồi mô hình “Giá treo đa năng” trong năm 2017 với việc tích hợp nhiều tác dụng trên cùng một sản phẩm. Mô hình “Giá treo đa năng” đã được áp dụng vào công tác huấn luyện các lớp học viên sĩ quan dự bị mang lại hiệu quả trong thực tế.

Trong năm 2018, Đại úy Nguyễn Đức Định cùng tổ nghiên cứu đã đề xuất và phối hợp với các giáo viên trong Khoa Giáo viên, Trường Quân sự tỉnh tiến hành nghiên cứu thực hiện sáng kiến: “Hệ thống trợ lý ảo, kiểm tra, theo dõi, báo cáo kết quả và thư ký trường bắn” và cải tiến: “Thiết bị bắn súng tiểu liên AK bài 2, bắn mục tiêu ẩn hiện và vận động ban đêm”… Sau thời gian nỗ lực nghiên cứu, điều chỉnh với sự phản biện, góp ý bổ sung của Hội đồng Khoa học nhà trường, sáng kiến, cải tiến trên được hoàn thành và thử nghiệm thành công. Tại Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị huấn luyện năm 2018, do Bộ CHQS Quảng Trị tổ chức, những mô hình sáng kiến, cải tiến này đã được Ban tổ chức hội thi đánh giá cao và trao giải nhất…

Nhiều năm liên tục, Đại úy Nguyễn Đức Định được Bộ CHQS tỉnh tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và những bằng khen, giấy khen. Anh là một trong những tấm gương sáng trong học tập, công tác và nghiên cứu sáng tạo, góp phần tích cực cho lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

Đại úy Nguyễn Thành Long, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh: Không quản ngại gian khổ, hiểm nguy

Trực tiếp chiến đấu trên mặt trận phòng, chống tội phạm ma túy, Đại úy Nguyễn Thành Long, Sĩ quan điều tra Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), (Phòng PCMT&TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) từng ngày, từng giờ đối mặt với rất nhiều hiểm nguy. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian nan, thử thách, Đại úy Nguyễn Thành Long cùng cán bộ, chiến sĩ Đội Đặc nhiệm PCMT&TP đã đấu tranh quyết liệt, điều tra khám phá nhiều vụ án mua bán, vận chuyển ma túy; các vụ buôn lậu, gian lận thương mại…

 Các đối tượng cùng tang vật trong một vụ án vận chuyển ma túy mà Đại úy Nguyễn Thành Long cùng cán bộ, chiến sĩ Đội Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm triệt phá. Ảnh nhân vật cung cấp

Các đối tượng cùng tang vật trong một vụ án vận chuyển ma túy mà Đại úy Nguyễn Thành Long cùng cán bộ, chiến sĩ Đội Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm triệt phá. Ảnh nhân vật cung cấp

Năm 2011, tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Đại úy Nguyễn Thành Long về công tác tại Đồn Biên phòng Tam Thanh (huyện Hướng Hóa) với nhiệm vụ Đội trưởng Đội PCMT&TP. Công tác tại Đồn Biên phòng Tam Thanh đến tháng 12/2014, Đại úy Nguyễn Thành Long tiếp tục theo học Học viện An ninh nhân dân. Năm 2016, anh về công tác tại Đồn Biên phòng Ba Lin (huyện Đakrông) khoảng 1 năm thì về nhận nhiệm vụ mới ở Đội Đặc nhiệm PCMT&TP cho đến nay.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, Đại úy Nguyễn Thành Long cùng cán bộ, chiến sĩ Đội Đặc nhiệm PCMT&TP đã tham gia đấu tranh thành công 7 chuyên án và 32 vụ án; bắt giữ 63 đối tượng với tang vật thu giữ 806.048,5 viên + 78,0363 g MTTH (WY), 37,3 kg ma túy đá, 2.862 viên MTTH loại mới (QP), 4,5 kg ma túy Ketamin dạng bột… cùng nhiều tang vật, tài liệu khác có liên quan; phát hiện, bắt giữ 303 vụ buôn lậu, gian lận thương mại; đấu tranh thành công 24 vụ vận chuyển vật liệu nổ, pháo trái phép 15 vụ khai thác, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép; 4 vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã; 5 vụ vận chuyển thực phẩm, nội tạng không rõ nguồn gốc.

Với những thành tích đạt được, trong năm 2019 Đại úy Nguyễn Thành Long được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng giấy khen.

Hoàng Tiến Sĩ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=147286