Những tấm gương xấu
Không hẹn mà gặp, chỉ trong vòng một tuần, hai hình ảnh, câu chuyện không đẹp của người lớn đã xảy ra ở TP Hồ Chí Minh và Lào Cai.
Thứ nhất là việc người phụ nữ hướng dẫn trẻ lấy trộm tiền của một phụ nữ bán nước ven đường tại TP Hồ Chí Minh. Và sau đó là ông bố "yêu con" đến "phát cuồng" - khi vào tận lớp học để tát một bé gái 2 tuổi vì con mình bị bạn giành đồ chơi, cắn vào tay.
Người lớn trong hai trường hợp trên đã quá sai, đến mức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có đương sự bị công an bắt tạm giam, điều tra.
Có thể thấy, một chút tham đã dẫn dắt con người làm những việc tai hại không chỉ cho bản thân. Chính hành vi phạm pháp đó còn kéo theo hệ lụy cho cả người thân, nhất là con cái - với lý lịch xấu xí do mình viết nên.
Thêm nữa, những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật đó còn ảnh hưởng tới tâm lý, có khả năng hình thành tính cách của con trẻ về sau.
Như vụ việc Chu Thúy An hướng dẫn trẻ lấy tiền bà chủ quán cóc ở quận 3, giả sử không bị phát hiện thì có thể từ đây, cô ta sẽ tiếp tục "dạy" trẻ thực hiện hành vi tương tự ở nơi khác, với người khác.
"Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận", mệnh đề mang tính nhân quả này có thể được dùng trong việc cân nhắc hoặc khích lệ một người tiếp tục hay dừng lại một thói quen nào đó, trên cả ba phương diện: suy nghĩ, lời nói, hành vi.
Theo đó, những thói quen xấu nếu lặp lại chắc chắn sẽ tạo nên tính cách không tốt và người như vậy sẽ khó được cộng đồng chấp nhận. Số phận, như vậy do chính mỗi người tạo nên trong sự "góp sức" của những người gần gũi, từ gia đình, nhà trường tới xã hội.
Có câu chuyện dạy trẻ rất đáng suy ngẫm, rằng có một đứa trẻ vì muốn ăn trái ổi nhà hàng xóm, đã không xin mà hái trộm.
Người mẹ phát hiện sự việc, bà đã phạt nặng đứa trẻ. Bà nói: "Má phạt con tội ăn cắp tuy nặng nhưng đỡ hơn sau này khi lớn, con quen tính rồi ra ngoài xã hội cũng ăn cắp từ cái nhỏ đến cái lớn.
Lúc đó luật pháp và cuộc đời còn trừng phạt con nặng hơn. Lần phạt này để ngăn con tránh phạm lỗi ăn cắp vặt, biết sống trong sạch và trung thực".
Bài học rút ra dưới dạng "cửa sổ tâm hồn" này không bao giờ cũ cho mọi hành động trong tinh thần giáo dưỡng tâm hồn con cháu của người lớn.
Ngăn con làm việc xấu nhỏ là để tránh họa lớn cho con ngày mai. Khuyến khích con làm việc lành, dù nhỏ, là để gieo trồng cho con sự tử tế sau này.
Nếu phụ huynh bình tĩnh hơn, hành xử đúng mực, mọi chuyện đã êm đẹp, có khi còn trở thành bài học truyền cảm hứng.
Giá mà ông bố ở Lào Cai thay vì tát cháu bé 2 tuổi, có thể nhẹ nhàng nhờ cô giáo nhắc nhở hoặc chính anh ta làm việc ấy với bạn nhỏ cắn con mình.
Tất nhiên, cẩn trọng trong làm điều xấu không chỉ vì sợ tội mà trên hết cần phải thôi thúc từ ý thức muốn tu sửa tự thân để mình tốt lên, trở thành tấm gương đẹp thực sự cho con cháu mình tự hào, noi theo.
Đó là thân giáo và là biểu hiện của tình thương một cách trọn vẹn, bên cạnh cho thế hệ kế thừa còn cho chính mình nữa.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/nhung-tam-guong-xau-148629