Những tâm hồn như tuyết trắng
Mùa đông năm 1980, tôi, một đứa bé lên tám tuổi, đang ngủ êm trong chăn ấm, thì bị mẹ tôi đánh thức dậy, tôi rất cáu, cứ giãy lên và cố rúc sâu thêm vào trong chăn, dù tai tôi nghe mơ hồ tiếng mẹ reo vui 'Con ơi dậy mau, bố về nhà rồi!'
Cho đến khi mẹ cố nhét vào lòng bàn tay nhỏ xíu của tôi những chiếc kẹo bọc giấy tráng kim sột soạt, tôi mới bừng tỉnh. Tôi chui ra khỏi màn, tay nắm chặt những chiếc kẹo và mắt nhắm mắt mở nhìn xuống bàn tay. Chao ôi, những chiếc kẹo sô-cô-la bọc giấy tráng kim đủ màu sắc hấp dẫn thần tiên. Chưa hết, mẹ tôi còn nhẹ nhàng đặt vào lòng tôi chú gấu Misa lông trắng như tuyết và đôi mắt nhựa đen láy nhìn tôi. Một thiên đường có thật đã hiện hữu, cùng với sự trở về của bố tôi từ nước Nga xa xôi.
Hồi đó, bố tôi là một nghiên cứu sinh tại Nga. Vài tháng mẹ tôi lại nhận được thư bố gửi về làng Thanh, Hưng Yên, mà bức thư nào cũng có ít nhất dăm cái ảnh bố chụp ở nước Nga. Tôi đồ rằng có lẽ bố muốn mẹ con tôi cũng được hưởng một đời sống nước Nga mà bố tôi luôn ngợi ca. Đặc biệt là tuyết trắng. Tôi nhớ những hình ảnh bố tôi chụp giữa con đường tuyết trắng mênh mông, hai bên là rừng thông cũng trĩu nặng tán vì tuyết đọng. Rồi hình ảnh bố quỳ trên tuyết, hai tay vòng rộng ôm tuyết. Tôi cứ nghĩ, tuyết mềm xốp êm ái, tuyết ấm áp bao dung, tuyết ngon ngọt như một cây kẹo bông, và tôi ước được sang nước Nga, được như bố tôi, nằm lăn trên tuyết trắng ngọt ngào, tan vào với tuyết, ăn tuyết và ngủ với tuyết.
Tuyết trắng đẹp đẽ vào bao dung đã tạo nên bố tôi, một vị tiến sĩ giỏi giang, sau 4 năm sống, học tập tại Nga đã trở về với một tâm hồn tuyết trắng, sống, làm việc trong sạch để cống hiến cho đất nước Việt, để luôn tự hào về bản thân, còn thuộc về một tâm hồn Nga xa xôi, một thế giới đầy ước vọng, và truyền ước vọng đó cho tôi. Tôi thầm ước nguyện, sẽ đến nước Nga để đằm mình trong tuyết trắng ít nhất một lần trong đời.
Ước vọng đó tôi cứ để dành mãi, cho đến một ngày khi được xem chương trình Quán Thanh xuân của VTV 1 số tháng 12/2019 với chủ đề “Đường xa tuyết trắng”, gợi ký ức về những người Việt Nam trong suốt những thập niên 70-90 từng sống, học tập, làm việc tại Nga và các nước Đông Âu. Tôi vô cùng mong mỏi được xem chương trình này, bởi không hiểu sao, lại cứ nghĩ, chương trình làm để dành riêng cho bố tôi, người đã mất cách nay 15 năm mà chưa kịp đưa con gái mình thăm nước Nga, thăm những nơi bố từng học tập, từng sống, từng xây đắp phẩm chất “như tuyết trắng” của mình.
Và tôi đã gặp trong chương trình Quán Thanh xuân tháng 12/2019 những người cùng thế hệ với bố tôi như nhà ngoại giao Lại Ngọc Đoàn, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, những bậc đàn anh, đàn chị như nhà báo Duy Nghĩa, họa sĩ Đỗ Hương, NSƯT Ngọc Khang, hoặc những người trẻ hơn, lứa 7X như nhà giáo dục học Thụy Anh… Họ đã chia sẻ những ký ức vừa quen, vừa lạ, vừa sống động và đầy xúc cảm về nước Nga, về Đông Âu, một xứ vừa như thiên đường, mà lại cũng vừa là một hạ giới thống khổ trong tâm hồn những người Việt còn trăn trở biết bao điều lo toan, biết bao gánh nặng nơi quê nhà phải mang vác theo.
Và tôi lại được ngạc nhiên sâu sắc, trước những trải nghiệm đã thành ký ức nhớ thương của các nhân vật khách mời, nhưng hoàn toàn mới đối với tôi, vì hoàn toàn khác so với những điều bố tôi từng trải nghiệm và kể với mẹ con tôi. Tôi đã rưng rưng nước mắt trước sự chân thật trong chia sẻ của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người đội trưởng Đội công nhân lao động xuất khẩu sang Đức cuối thập niên 70, khi mở tủ lạnh trong phòng ở của công nhân, nhìn thấy đầy ắp thức ăn, anh đã ngồi thụp xuống trước cửa tủ lạnh mở toang và khóc. Khóc vì chưa bao giờ nhìn thấy nhiều thức ăn ngon như thế mà lại là dành cho mình. Khóc vì thương chị gái anh ở quê nhà, đói kém triền miên, sẽ chẳng thể nào được nếm những món ngon thế này trong đời.
Tôi cũng được bật cười trước trải nghiệm lần đầu tiên được đến với “thiên đường” của NSƯT Ngọc Khang, khi anh thú thật rằng mình đã một mình xơi trọn cả con gà nước 2 kilôgam. Thời ở Việt Nam, chẳng bao giờ anh nhìn thấy con gà to đến như vậy, đừng nói đến việc được ăn thịt gà cho thỏa cơn thèm…
Nhưng không chỉ có nỗi ám ảnh đói kém nơi quê nhà và cảm giác choáng váng của người Việt khi sang Đông Âu, với thực phẩm ngon lành ê hề chẳng bao giờ thiếu, mà còn có nỗi choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ, công trình kiến trúc kỳ vĩ, những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật kỳ diệu của nước Nga và Đông Âu hoa lệ cũng mê hoặc tâm hồn những người Việt, như họa sĩ Đỗ Hương, khiến chị luôn bị trễ bất cứ chuyến tàu nào, khiến chị luôn bỏ bữa, bởi mải mê chìm đắm trong vẻ đẹp của “thiên đường”.
Tất cả những người Việt, từng đến nước Nga, đến Đông Âu xa xôi, hầu hết đã trở về, giống như bố tôi, trở về, nhưng tâm hồn vĩnh viễn đã đổi thay, đã mang phẩm chất tuyết trắng, để trở nên khác biệt, để xây dựng cuộc đời mình, xây dựng đất nước Việt Nam, theo một cách khác biệt hơn. Dấu ấn của tuyết trắng ấy, không hề xa vời, mà vẫn ở đây, trong tâm hồn họ, trong những điều dù bình thường, hay lớn lao mà họ tạo nên ở quê hương Việt Nam mình.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-tam-hon-nhu-tuyet-trang-557571.html