Những tên trùm tội phạm trở thành thám tử chuyên nghiệp
Vào thế kỷ XVIII, trước khi tự nguyện đến trình diện tại sở cảnh sát, Vanka Kain, một trong những trùm xã hội đen đầu tiên của Nga, đã khiến cả Moscow phải khiếp sợ. Vanka thú nhận rằng y là một tên trộm, nhưng sẵn sàng giúp bắt giữ những đồng phạm cũ của mình. Và y đã thực sự giữ lời. Vanka Kain đã xây dựng được một mạng lưới gián điệp lớn. Công việc còn lại chỉ là 'thu hoạch chiến lợi phẩm'.
Từ kẻ trộm đến thám tử
Vanka Kain, còn được gọi là Ivan Osipov, là một tên trộm mưu mẹo, một kẻ cướp liều lĩnh và… tay trùm bảo kê đầu tiên của nước Nga. Vanka Kain từng là ngôi sao của thế giới ngầm Moscow. Y chuyên nghề móc túi, nhưng cũng sẵn sàng thực hiện những vụ cướp táo bạo. Giới tội phạm nể phục y. Người lương thiện khiếp sợ. Còn chính quyền thì chỉ mong bắt được y.
Là một tên cướp rất tháo vát và tinh ranh, Vanka Kain sớm nhận ra rằng chỉ sống bằng nghề cướp bóc thì không thể kiếm được nhiều tiền, mà lại vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, cuối tháng 12/1741, khi Nữ hoàng Elizaveta Petrovna vừa lên ngôi và tuyên bố ân xá cho những tên tội phạm hối cải, Ivan Osipov đến Sở Cảnh sát nộp đơn xin đầu thú và tỏ ý sẵn sàng giúp bắt giữ các “đồng nghiệp cũ”. Chỉ trong vòng hai ngày, y đã giao nộp cho nhà chức trách hơn 60 tên trộm, cướp và kẻ tiêu thụ đồ trộm cắp.

Jonathan Wild.
Sự nghiệp của Vanka Kain tại Sở Cảnh sát ngày càng thăng tiến, y trở thành chỉ điểm viên chính thức. Y được phụ trách một nhóm ba người và được tự do truy bắt tội phạm mà không cần sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Chẳng bao lâu, Vanka Kain đã thuyết phục được Thượng viện tại St. Petersburg thông qua hai sắc lệnh. Sắc lệnh thứ nhất yêu cầu không được cản trở và điều tra Kain. Sắc lệnh thứ hai quy định các cơ quan cảnh sát có nghĩa vụ phải hỗ trợ Vanka Kain trong công việc.
Trong vòng 7 năm, Ivan Osipov đã giao nộp cho chính quyền gần 800 người. Trong số đó có kẻ trộm, kẻ lừa đảo, và kẻ cướp, cũng như những người lính đào ngũ và nông dân bỏ trốn. Tuy nhiên, khi trở thành thám tử, Vanya Kain vẫn không từ bỏ con đường tội lỗi. Y chỉ khai báo những tên trộm vặt, ngược lại, những tên trộm khét tiếng được y bao che và bắt chia sẻ chiến lợi phẩm.
Đêm đêm, Osipov vẫn tham gia các vụ cướp. Ngoài ra, y còn đe dọa các thương nhân để moi tiền của họ. Các nhân viên của Cục Cảnh sát biết rõ những trò bẩn thỉu của kẻ chỉ điểm, nhưng họ im lặng vì đã nhận tiền hối lộ của y.
Cuối cùng, y thực sự điều khiển Moscow: điều khiển giới tội phạm lẫn cuộc đấu tranh chống tội phạm.
Tuy nhiên, Vanka không thể tiếp tục chơi trò hai mặt này mãi. Năm 1748, sau hàng loạt đơn thư tố cáo sự lạm quyền của viên thám tử, âm mưu tội ác của y bắt đầu gặp phải những trục trặc. Giọt nước tràn ly là câu chuyện về cô con gái của một người lính mà Osipov đã quyến rũ rồi bỏ rơi. Bố của cô gái đã phàn nàn với Tướng cảnh sát Aleksey Tatishchev. Vanka Kain bị bắt và buộc phải thú nhận tất cả các tội ác. Y bị xẻo mũi, khắc chữ "kẻ trộm" lên mặt và bị đi đày suốt đời.

Thám tử Allan Pikerton.
Jonathan Wild: làm tôi hai chủ
Vào thế kỷ XVIII, London cũng có một "Vanka Kain" của riêng mình. Y tên là Jonathan Wild. Là một thợ săn trộm, y điều hành một đế chế tội phạm rộng lớn. Mọi chuyện bắt đầu từ nhà tù, nơi Wild bị bắt vào năm 1710 vì nợ nần. Ông trùm tội phạm tương lai nhanh chóng chiếm được lòng tin của các quản ngục. Họ cho phép y thỉnh thoảng rời nhà tù để cùng cảnh sát bắt trộm.
Jonathan Wild đã tìm mọi cách kết thân với một phụ nữ hư hỏng tên là Mary Millenor, và thị đã đưa y vào thế giới tội phạm ở London. Rất nhanh chóng, y nhận ra rằng việc làm tôi cho hai chủ vừa thuận tiện vừa mang lại nhiều lợi nhuận. Và quan trọng hơn, rất an toàn, vì được nhà nước bảo vệ.
Năm 1712, sau khi ra tù, Jonathan Wild tiếp tục hợp tác với cảnh sát. Y nổi tiếng là một chiến binh tích cực đấu tranh chống tội phạm và thậm chí còn tự xưng là "tướng". Mỗi tên tội phạm bị bắt, y được chính quyền trả 40 bảng, sau đó tăng lên 100 bảng. Tuy nhiên, nguồn thu chính của Wild không phải là làm việc cho cảnh sát…
Song song với việc săn lùng tội phạm, Jonathan Wild còn tham gia hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Y thỏa thuận với bọn trộm, chỉ điểm cho chúng những gia đình giàu có, sau đó thu mua đồ vật bị đánh cắp và bán lại cho các chủ sở hữu hợp pháp với giá cắt cổ. Jonathan Wild đã xây dựng được một mạng lưới lớn với những tên tội phạm dưới sự kiểm soát của mình.
Những kẻ từ chối hợp tác với y đối mặt với nguy cơ tù tội. Tuy nhiên, ngay cả y cũng không thể thoát khỏi lưới pháp luật. Năm 1724, Jonathan Wild cùng với đồng bọn của y bị bắt vì tổ chức vụ trốn tù cho một trong những thuộc hạ của mình. Sau đó, y bị giam tại nhà tù Newgate. Ngay lập tức, kẻ thù của y tố cáo y tham gia vào vụ cướp nữ trang và hối lộ các quan chức. Năm 1725, Jonathan Wild đã kết thúc cuộc đời mình trên giá treo cổ.

Eugène Francois Vidocq.
"Vua liều" Eugène Francois Vidocq
Từ kẻ trộm trở thành người đấu tranh chống tội phạm. Đó là con đường mà Eugène Francois Vidocq, một người Pháp đã chọn. Với sự tháo vát và gan dạ, ông được mệnh danh là "vua liều". Ông nhiều lần ngồi tù vì những tội khác nhau, bỏ trốn rồi lại bị bắt.
Năm 1809, trong một lần vượt ngục, Vidocq đã tự đến Sở Cảnh sát Paris, nhưng không phải để đầu thú. Ông tỏ ý sẵn sàng giúp cảnh sát bắt giữ những tên trộm và hung thủ nguy hiểm nhất. Ông khẳng định: chỉ có kẻ tội phạm mới biết cách bắt đồng bọn của mình.
Thật ngạc nhiên, nhưng cảnh sát Paris không chỉ lắng nghe con người liều lĩnh này mà còn cho phép ông thành lập một nhóm gồm những tội phạm cũ của mình.
Tổ chức này được gọi là “Sureté” (An ninh). Khác với Vanka Kain và Jonathan Wild, Vidocq thực sự đấu tranh chống tội phạm. Ông đã chấn chỉnh hoạt động của cảnh sát. Ông trở thành một trong những nhà sáng lập ra ngành hình pháp học, vì là người đầu tiên nhận thấy sự cần thiết của việc xây dựng hồ sơ vụ án một cách có hệ thống.
Trong suốt những năm làm việc tại “Sureté”, Eugène Francois Vidocq đã vạch trần khoảng 20.000 tên tội phạm. Mặc dù vậy, năm 1827, ông buộc phải nghỉ hưu vì quá khứ mờ ám của mình. "Cha đẻ của ngành điều tra tội phạm Pháp", như cách người ta gọi ông, không rơi vào tuyệt vọng. Ông bắt đầu viết hồi ký, và không lâu sau, thành lập Văn phòng Điều tra tư nhân đầu tiên trên thế giới. Cơ quan này chủ yếu chuyên xử lý các vụ án tội phạm kinh tế. Khách hàng trả cho Vidocq 200 franc mỗi năm để được tư vấn và giúp đỡ.
Vidocq kêu gọi: “Hãy đăng ký dịch vụ của chúng tôi và bạn sẽ không bao giờ trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo và các tội phạm khác. Chúng tôi sẽ cảnh báo bạn kịp thời và đảm bảo tìm ra kẻ gian lận”.
Văn phòng của Eugène Francois Vidocq luôn đông khách. Bí quyết thành công của ông vẫn là thuê những kẻ lừa đảo cũ, vốn am hiểu các chiêu trò của bọn tội phạm. Eugène Francois Vidocq tiếp tục công việc này cho đến khi qua đời vào năm 1857.

Thám tử Allan Pikerton.
Allan Pinkerton - người mở công ty thám tử đầu tiên ở Mỹ
Công ty thám tử tư nhân đầu tiên ở Mỹ xuất hiện vào giữa thế kỷ XIX, do Allan Pinkerton sáng lập. Điều thú vị là, khác với Vidocq, ông không có bất kỳ mối liên hệ nào với giới tội phạm. Pinkerton là một thợ đóng thùng gỗ. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi nhờ một sự tình cờ.
Ngày nọ, khi ở trong rừng, Pinkerton tình cờ phát hiện một nhóm làm tiền giả, ông để ý theo dõi chúng và báo cáo cho cảnh sát trưởng. Sau sự kiện này, ông quyết định thành lập công ty thám tử riêng. Ban đầu, công ty chuyên bắt giữ những tên cướp trên tàu hỏa và phá két, nhưng sau đó Pinkerton mở rộng phạm vi hoạt động.
Vào cuối thế kỷ XIX, mạng lưới công ty thám tử của Pinkerton đã phát triển khắp nước Mỹ. Năm 1871, chính quyền Mỹ đã ký hợp đồng với Pinkerton để làm nhà thầu cho các dịch vụ công. Nghĩa là, với tư cách là một nhà thầu của chính phủ, Pinkerton có nhiệm vụ tham gia vào việc truy tìm những tên tội phạm đã thực hiện các tội ác lớn hoặc các tội ác liên quan đến an ninh xã hội.
Người ta cho rằng các thám tử của Pinkerton đã thành lập một trong những cơ sở dữ liệu tội phạm đầu tiên trên thế giới.
Để lập hồ sơ mỗi tên tội phạm, các nhân viên của công ty thám tử này thu thập các bài báo, câu chuyện về kẻ tội phạm, các vụ bắt giữ và thông tin về đồng bọn của chúng. Các thám tử của Pinkerton cũng là những người đầu tiên ở Mỹ hoạt động dưới vỏ bọc - họ đã xâm nhập vào các băng nhóm và thu thập thông tin cần thiết, hoặc giả vờ làm khách hàng của một tên làm tiền giả để bắt quả tang. Tuy nhiên, đôi khi các thám tử cũng sử dụng những phương pháp rất tàn bạo.

Tên cướp Jesse James.
Năm 1875, theo đơn đặt hàng của Chính phủ Liên bang, các nhân viên của Pinkerton đã chiến đấu với băng cướp khét tiếng Jesse James ở miền Nam nước Mỹ. Để tiêu diệt băng nhóm này, họ đã ném lựu đạn vào ngôi nhà nơi gia đình của Jesse James đang sống.
Vào thời điểm đó, tên cướp Jesse James không có mặt ở nhà. Mẹ của y bị thương, vụ nổ khiến bà mất một tay, còn em trai của James bị thương nặng. Mặc dù vậy, công ty thám tử Pinkerton vẫn giữ được danh tiếng tốt với chính quyền. Tổ chức này đã nhiều lần thay đổi tên, chuyển từ chủ sở hữu này sang chủ sở hữu khác, nhưng cho đến nay vẫn còn hoạt động. Hiện nay, ở Mỹ có hơn 3.500 công ty thám tử, văn phòng và công ty điều tra.