Những thách thức nào đang chờ đợi doanh nghiệp Australia tại Trung Quốc?
Sự ổn định trong quan hệ Trung Quốc - Australia mang lại triển vọng về hợp tác kinh tế - thương mại song phương, tiếp thêm cơ sở cho các doanh nghiệp Australia thâm nhập trở lại thị trường Trung Quốc.
T
heo tờ Global Times, một số hiệp hội ngành nghề của Australia cho biết các doanh nghiệp nông nghiệp nước này muốn vào hoặc quay trở lại Trung Quốc vì cho rằng thị trường lớn nhất châu Á rất quan trọng đối với doanh nghiệp của họ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo thị phần của các sản phẩm Australia ở Trung Quốc đã bị thu hẹp hoặc bị thay thế bởi sản phẩm từ các nước khác. Vì vậy, các công ty chuẩn bị quay trở lại Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức tái tạo thị trường và khách hàng của họ.
Tiềm năng xuất khẩu nông sản
So với năm 2015, tổng xuất khẩu và nhập khẩu quả bơ của Trung Quốc vào năm 2023 tăng 310,47% lên 65.600 tấn, trong khi kim ngạch thương mại tăng 234,99% lên 106 triệu USD.
Nhật Bản từng là nước tiêu thụ bơ lớn nhất châu Á, nhưng giờ đây đã bị Trung Quốc vượt qua. Trung Quốc hiện nhập khẩu gần 70.000 tấn bơ mỗi năm và dự kiến sẽ tăng lên 100.000 tấn trong vài năm tới. Với giá 6 AUD (khoảng 4 USD)/kg bơ, mức tiêu thụ này sẽ tạo ra thị trường 600 triệu AUD (khoảng 402 triệu USD).
Ông John Tyas, Giám đốc điều hành (CEO) của Hiệp hội các nhà vườn trồng bơ Avocados Australia, cho biết nếu có thể tiếp cận Trung Quốc, các công ty của họ có thể chiếm 50% thị trường này trong một vài năm.
Bà Rachel Mackenzie, CEO của Hiệp hội các nhà trồng giống dâu Berries Australia, tiết lộ họ gần đây đã bổ nhiệm một người đứng đầu điều hành kinh doanh ở châu Á để củng cố các mối quan hệ và phát triển mạng lưới trên khắp Trung Quốc.
Theo bà Mackenzie, Trung Quốc đã cung cấp cho Australia một chiến lược đa dạng hóa có giá trị. Berries Australia tin rằng việc tiếp cận thị trường Trung Quốc sẽ có tác động chuyển đổi đối với ngành việt quất của Australia, vì nó sẽ cho phép loại quả cao cấp này được xuất khẩu ở quy mô mà không thể đạt được ở bất kỳ quốc gia nào khác.
Berries Australia tin rằng mối quan hệ thương mại giữa Australia và Trung Quốc là mạnh mẽ và kiên cường. Khi mối quan hệ này phát triển và sâu sắc hơn, nó sẽ tiếp tục mang lại những cơ hội to lớn cho cả hai bên và mang lại kết quả đôi bên cùng có lợi cho người tiêu dùng Trung Quốc và Australia.
Quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Australia đã được cải thiện kể từ năm ngoái. Thông qua các cuộc tham vấn hữu nghị, hai nước đã giải quyết thỏa đáng các xung đột thương mại trên một số lĩnh vực và xuất khẩu các sản phẩm như lúa mạch, than, bông, rượu vang và các sản phẩm khác của Australia từng bước được khôi phục. Hồi tháng Ba, Trung Quốc tuyên bố chấm dứt áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu từ Australia. Đến tháng Năm, nước này tiếp tục dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với năm nhà sản xuất thịt bò hàng đầu của Australia.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, Australia đã xuất khẩu rượu vang trị giá hơn 86 triệu AUD sang Trung Quốc vào tháng 5/2024. 350 nhà sản xuất rượu vang, chủ yếu từ bang Nam Australia, đã quay trở lại thị trường Trung Quốc. Sang tháng Chín năm nay, Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers đã thăm Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng tài chính Australia đến Trung Quốc sau 7 năm gián đoạn. Trong chuyến thăm này, ông Chalmers đã tổ chức đối thoại kinh tế chiến lược với các quan chức cao cấp Trung Quốc.
Ông Chen Hong, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Australia tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, nói rằng những người làm nông nghiệp và chăn nuôi Australia có thể cảm nhận được các cơ hội tại thị trường Trung Quốc. Đối với họ, việc tìm cách tiếp cận thị trường Trung Quốc không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là niềm tin vào triển vọng kinh tế và môi trường kinh doanh của Trung Quốc. Theo ông, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp Australia tiếp cận thị trường Trung Quốc đã được chứng minh là vượt xa mong đợi của một số chính trị gia nước này.
Thách thức cần vượt qua
Quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Australia đã xấu đi trong những năm qua, và niềm tin của ngành công nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc vào các sản phẩm của Australia bị ảnh hưởng nặng nề.
Vì các sản phẩm như rượu vang, thịt bò và hải sản có khả năng thay thế cao, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi từ các nước khác. Rượu vang từ Chile, Pháp, Nam Phi và những nơi khác nhanh chóng lấp đầy khoảng trống mà các sản phẩm của Australia để lại trên thị trường Trung Quốc.
Ông Chen cảnh báo rằng một khi thị phần được thay thế bởi bên thứ ba, nó sẽ không dễ dàng để phục hồi. Ông nói thêm rằng xuất khẩu rượu vang của Australia sang Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi sau khi quan hệ giữa Trung Quốc và Australia ấm lên, nhưng ngành vẫn cần phải khai thác lại thị trường Trung Quốc và rút ra bài học từ kinh nghiệm trong quá khứ.
Hồi tháng Sáu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có chuyến thăm chính thức Australia. Ngày 17/6, Thủ tướng Lý Cường đã đồng chủ trì cuộc họp thường niên lần thứ 9 các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Australia với sự tham gia của Thủ tướng Anthony Albanese ở thủ đô Canberra. Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh quan hệ Trung Quốc-Australia về cơ bản là đôi bên cùng có lợi và sự phát triển của hai nước là cơ hội chứ không phải thách thức lẫn nhau. Ông đồng thời bày tỏ hy vọng Australia sẽ tạo ra một môi trường công bằng, không phân biệt đối xử cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông Chen cho biết, hiện nay quan hệ Trung Quốc - Australia đang từng bước ấm lên, điều này cũng mang lại cơ hội cải thiện quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.