1. Tọa lạc tại số 12 phố Hàng Lược, giữa khu phố cổ Hà Nội, thánh đường Al-Noor là thánh đường Hồi giáo duy nhất của Hà Nội và miền Bắc. Công trình được cộng đồng Hồi giáo người Ấn Độ từ Bombay tiến hành xây dựng năm 1885. Al-Noor trong tiểng Ả Rập nghĩa là Soi Sáng.
Khuôn viên thánh đường Al-Noor rộng khoảng 700 m2. Mỗi chi tiết kiến trúc của thánh đường mang những dấu ấn đặc trưng của văn hóa Hồi giáo Ấn Độ, thể hiện qua mái vòm, cửa vòm, đặc biệt là tòa tháp nhọn cao vút.
Phòng lễ chính nằm ở trung tâm thánh đường, có ba mặt được bao quanh bởi những vòm cửa cao rộng. Cạnh đó có một phòng hành lễ cho phụ nữ, cách biệt bởi những tấm vải lớn tạo không gian riêng biệt. Tín đồ đến đây hành lễ phần lớn là người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Hà Nội.
Không chỉ là một điểm tâm linh, thánh đường Al-Noor còn là một nơi lý tưởng để khám phá văn hóa Hồi giáo. Thánh đường có một bộ sưu tập phong phú các loại kinh sách, tranh ảnh được đưa đến từ các nước theo đạo Hồi...
2. Tọa lạc tại số 66 Đông Du, thánh đường Jamia Al-Musulman là thánh đường lớn và nổi tiếng bậc nhất của TP. HCM. Công trình được những tín đồ Hồi giáo đến từ miền Nam Ấn Độ đóng góp tiền xây dựng từ năm 1935.
Thánh đường Jamia Al-Musulman mang phong cách kiến trúc tinh tế, đậm dấu ấn Hồi giáo vùng Nam Á, thể hiện rõ nét qua các chi tiết trang trí trên mái, vòm cửa và hai tháp cao ở hai bên.
Không gian cầu nguyện của thánh đường khá lớn, với sức chứa hàng trăm người, gồm chính điện - nằm ở tầng 2, sau một khoảng sân lớn có các bậc cấp rộng dẫn lên - và các dãy hành lang bao quanh.
Ngày nay, Thánh đường Jamia Al-Musulman là nơi tập trung đông tín đồ Hồi giáo đến hành lễ nhất của TP. HCM. Có thể coi đây là một thánh đường Hồi giáo quốc tế của thành phố lớn nhất Việt Nam.
3. Nằm ở xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, thánh đường Mubarak của cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi là thánh đường Hồi giáo cổ xưa nhất của Việt Nam. Thánh đường được khởi dựng từ năm 1750, bắt đầu được xây kiên cố từ thập niên 1920.
Kiến trúc hiện tại của công trình được xây dựng từ năm 1965, theo bản thiết kế của kiến trúc sư Mohamet Amin, với cổng chính hình vòng cung, khu chính điện có một tháp lớn ở giữa và hai tháp nhỏ ở hai bên. Bao quanh chính điện là các dãy hành lang thông thoáng.
Không gian bên trong thánh đường rộng rãi và thoáng mát với tông màu trắng – xanh, được chống đỡ bằng 2 hàng cột. Ở giữa có 2 vòm cung, vừa có tác dụng khuếch đại âm thanh khi cầu nguyện, vừa trổ các cửa sổ hắt ánh sáng tự nhiên xuống thánh đường.
Là công trình kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng người Chăm ở Nam bộ, thánh đường Mubarak đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia từ năm 1989.
Mời quý độc giả xem video: Đình làng Đình Bảng, tuyệt tác kiến trúc cổ Kinh Bắc - VTV1.
Quốc Lê