Những thành phố cổ 'bốc hơi' mà ai cũng muốn đến một lần trong đời
Rất nhiều thành phố trên thế giới đã biến mất vì những thảm họa, sự bào mòn của thời gian hay điều bí ẩn nào đó... Những thành phố dưới đây vẫn còn lưu giữ dấu tích của 'một thời vang bóng' trong lịch sử mà không du khách nào muốn bị bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu...
Thành Babylon, Iraq
Nằm ở phía Nam của thủ đô Baghdad ngày nay, thành Babylon từng phát triển mạnh mẽ dưới thời vua Hammurabi, người nổi tiếng với những luật lệ hà khắc, và sau đó dưới sự cai trị của vua Nebuchadnezzar II, người đã ra lệnh xây dựng những công trình quy mô lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, thành Babylon chỉ còn lại rất ít dấu tích, do đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn phá và bị hư hại do mực nước ngầm cao.
Thành phố Herculaneum, Italy
Giống như thành phố Pompeii ở vùng lân cận, Herculaneum cũng bị chôn vùi trong lớp tro bụi và dung nham của núi lửa Vesuvian vào năm 79 sau Công nguyên. Từng là nơi sinh sống của các thành viên hoàng tộc, thành phố này được phát hiện khoảng 300 năm trước và hiện vẫn là một kho báu đối với các nhà khảo cổ học. Dòng chảy dung nham bao bọc thành phố đã làm cho các chất hữu cơ bị carbon hóa, do đó thành phố được bảo quản cực kỳ tốt.
Quần thể di tích Angkor, Campuchia
Nằm ở phía Bắc Campuchia, quần thể Angkor bao gồm những tàn tích của các thành phố kinh đô kế tiếp nhau của Đế chế Khmer, có niên đại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XV. Thời gian xóa bỏ gần như mọi thứ, nhưng khu quần thể vĩ đại Angkor vẫn tồn tại vượt thời gian, hầu như không bị hư hỏng nhiều. Các công trình kiến trúc vẫn còn sừng sững ở đây, bao gồm nhiều ngôi đền được trang trí bằng những tác phẩm điêu khắc tinh xảo như khu đền Angkor Wat nổi tiếng, các hồ chứa nước, kênh đào và những con đê.
Thành phố cổ Petra, Jordan
Từng là thủ phủ của Đế chế Nabataea từ năm 400 trước Công nguyên đến năm 106 sau Công nguyên, Petra đã bị bỏ hoang trong nhiều thế kỷ sau khi được phát hiện lại vào những năm 1800. Được mệnh danh là "thành phố cổ tích trong lòng đá sa thạch", Petra (theo tiếng Hy Lạp cổ đại nghĩa là "đá") nổi tiếng với kiến trúc chạm khắc trực tiếp vào mặt các vách đá sa thạch màu đỏ, trắng và hồng. Một trong nhiều kỳ quan của thành phố này vẫn tồn tại, đó là hệ thống quản lý và dẫn nước mưa độc đáo đã giúp cư dân của thành phố từng phát triển mạnh mẽ.
Thành phố cổ Pompeii, Italy
Ít có thành phố mất tích nào bị kết thúc đột ngột như Pompeii. Nơi này được phát hiện vào thế kỷ XVIII hoặc IX trước Công nguyên và sau đó, trở thành một trong những thành phố giàu có của người La Mã. Khoảng năm 79 sau Công nguyên, núi lửa Vesuvius phun trào, chôn vùi cả thành phố. Tuy nhiên, dung nham và tro núi lửa đã bảo tồn thành phố khá tốt, trước khi địa danh này được khai quật và trở thành một điểm tham quan thú vị như hiện nay.