Những thị trấn núi đang đánh mất mình

Bạn đã không còn muốn đến Sa Pa, Đà Lạt - các thành phố núi 'chồng chất nhà với người' - và đặt hy vọng vào những thị trấn núi nhỏ bé, xinh xắn, giàu tiềm năng du lịch? Nhưng những gì đang diễn ra ở đó có được như ước mơ của bạn?

Có nhiều lý do ra đời một thị trấn miền núi: là vùng đất giàu tài nguyên rừng, khoáng sản, nguồn nước; các vị trí đèo, thung lũng dễ phòng thủ và kiểm soát đường thương mại; các thung lũng mầu mỡ dẫn đến sự hình thành tổ chức định cư nông nghiệp...

Lan man phố núi

Là nói vị trí nói chung, còn từ đó, cái gì xuất hiện sớm nhất khiến con người quây quần bên nhau? Có lẽ cái chợ, dù câu “ba làng bảy chợ” chỉ nói về mạng lưới dày đặc chợ quê ở đồng bằng. Nhưng miền núi dẫu điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, năng suất nông nghiệp thấp, sinh sản ít, thì ít ra con người vẫn cần “bán/trao đổi cái nó có và mua cái nó không có”, chưa nói các lý do xã hội, văn hóa... Tất nhiên dân số ít, sống phân tán, miền núi ít chợ, tần suất họp chợ cũng thấp hơn chợ đồng bằng.

Kiến trúc công sở (UBND-HĐND huyện Hoàng Su Phì, thị trấn Vinh Quang, Hà Giang) bê nguyên kiến trúc công sở đồng bằng lên núi.

Kiến trúc công sở (UBND-HĐND huyện Hoàng Su Phì, thị trấn Vinh Quang, Hà Giang) bê nguyên kiến trúc công sở đồng bằng lên núi.

Vậy ở đâu cái chợ cũng sớm xuất hiện. Rồi chỗ nào có nhiều điều kiện thuận lợi (giao thông, nguồn nước...) đạt các chỉ tiêu dân số, hạ tầng, chính quyền xã đặt trụ sở thành thị trấn, thêm trụ sở huyện tọa lạc được thăng hạng lên “thị trấn huyện lỵ” (trung tâm huyện). Đồng Văn (Hà Giang) chẳng hạn, phiên âm từ tiếng Quan Hỏa “Tổng Puôn” nghĩa là “cánh đồng buôn bán” từ xưa đã là một chợ đầu mối lớn trung chuyển thuốc phiện sang Trung Quốc (1) trước khi được công nhận là một thị trấn trung tâm của huyện Đồng Văn vào năm 2009.

Còn nguồn gốc phổ biến của các tên thị trấn núi có lẽ từ những đặc điểm tự nhiên nơi đó. Ví dụ ở thị trấn Cốc Pài (Hà Giang), người Nùng gọi vùng rừng nguyên sinh xưa bạt ngàn cây phay cổ thụ (cây thiêng của họ) là Cốc Phẩy (nay nghe nói chỉ còn “1 thiêng” đứng trước cửa chi nhánh điện huyện Xín Mần). Truy ngược chút có thể thấy mối liên quan Cốc Pài với Cốc Phẩy, biết lý do nó mang tên.

Ở Cốc Pài, bạn chỉ có thể gặp những người dân tộc thiểu số ngồi nhờ vỉa hè bán vài loại nông sản trong những phiên chợ họp Chủ nhật (thường họ phải có mặt từ chiều thứ Bảy, ngủ vật vạ qua đêm đợi trời sáng).

Ở Cốc Pài, bạn chỉ có thể gặp những người dân tộc thiểu số ngồi nhờ vỉa hè bán vài loại nông sản trong những phiên chợ họp Chủ nhật (thường họ phải có mặt từ chiều thứ Bảy, ngủ vật vạ qua đêm đợi trời sáng).

Hoặc người La Chí sống trên dãy Tây Côn Lĩnh có đỉnh Chiêu Lầu Thi nổi tiếng cao 2.402m (Hà Giang) quanh năm sương phủ, cũng lấy tên cây thiêng Tả Sử Choóng (vỏ màu vàng) đặt cho nơi ở, dẫn đến tên huyện Hoàng Su Phì - miền đất “vỏ cây vàng” (2). Ít nhất ý nghĩa cái tên cũng đại diện cho một vùng đất, giúp nó không lẫn với nơi khác. Nhưng đến năm 1999 huyện lỵ Hoàng Su Phì bỗng được gọi là thị trấn Vinh Quang. “Vinh Quang đặt đâu chả được” - tôi chịu, bạn nào biết giải thích giùm?

Không kể các thị trấn hình thành do khai mỏ/làm công nghiệp, các thị trấn miền núi thường có các ngành kinh tế độc đáo tận dụng cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên tại chỗ. Ví dụ: nông nghiệp (chăn nuôi gia súc, sản xuất sữa, các loại cây trồng phù hợp với độ cao như trà shan tuyết, hồi, quế...); lâm nghiệp (lấy gỗ); du lịch (các loại hình nghỉ dưỡng, leo núi...); thủ công mỹ nghệ (dệt, đồ gỗ, gốm...); năng lượng (thủy điện, điện gió...).

Nghĩa là mỗi thị trấn miền núi vốn đã “mang sẵn tính đặc thù địa lý nhân văn” của nó, còn có thể phát triển du lịch được hay không là chuyện khác.

“Có bột mới gột nên hồ”

Rong ruổi qua các dãy núi Đông Bắc, Tây Bắc, trả lời câu hỏi “nơi nào rồi sẽ thành thị trấn du lịch?”, bạn tôi quả quyết: “Nơi nhiều nhà nghỉ. Thì bà con miền núi làm quần quật suốt ngày, còn hơi sức nào “đi nhà nghỉ”, chỉ người nơi khác đến mới “thích nghỉ”, dự báo cho ngành du lịch đấy!”.

Ở chợ thị trấn Tủa Chùa (Điện Biên) những người Mông nhẫn nại chờ được mua hàng, người mua từ dưới xuôi lên dùng một lúc vài cái điện thoại ra giá bán hàng online cho khách của họ.

Ở chợ thị trấn Tủa Chùa (Điện Biên) những người Mông nhẫn nại chờ được mua hàng, người mua từ dưới xuôi lên dùng một lúc vài cái điện thoại ra giá bán hàng online cho khách của họ.

“Tầm nhìn tương lai” ấy không hẳn sai, nhưng để một thị trấn núi thu hút du khách cần nhiều hơn “nhà nghỉ”. Tạm kê, gồm: vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên (núi, thung lũng, rừng, hồ...); tài nguyên tự nhiên độc đáo (suối nước nóng, thác, các khối đá khác thường...); văn hóa địa phương phong phú (di tích, kiến trúc, lễ hội, ẩm thực, khu hoạt động ngoài trời...); khả năng tiếp cận và cơ sở hạ tầng (không quá xa thành phố, sân bay, mạng giao thông kết nối...); nơi lưu trú (nhiều lựa chọn chỗ nghỉ theo khả năng chi trả khác nhau...); dịch vụ y tế tốt, ít tội phạm... Tất nhiên không phải thị trấn du lịch núi nào cũng phải hội đủ các điều kiện như vậy, nhiều nơi bắt đầu với vài lợi thế địa lý, nhân văn đã kích hoạt thành vùng kinh tế của nó.

Ở Málaga (Tây Ban Nha) có vô số con phố núi với nhà cửa xây trên đất dốc, bỏ lại xe, đi bộ lên càng cao bạn có thể được tận hưởng phong cảnh toàn vùng - một giá trị độc đáo của thị trấn núi mà bạn không thể thấy ở đồng bằng.

Ở Málaga (Tây Ban Nha) có vô số con phố núi với nhà cửa xây trên đất dốc, bỏ lại xe, đi bộ lên càng cao bạn có thể được tận hưởng phong cảnh toàn vùng - một giá trị độc đáo của thị trấn núi mà bạn không thể thấy ở đồng bằng.

Ví dụ: Chamonix (Pháp) có đỉnh Aiguille du Midi cao 3.842m là chỗ xuất phát một trong những tuyến cáp treo cao nhất thế giới với vô số điểm ngắm cảnh đã trở thành một thị trấn nghỉ dưỡng, thể thao mùa đông nổi tiếng. Hoặc Sagada (Philippines) ở độ cao 1.766m, có hơn 60 hang động, 3 thác nước tại thị trấn và cảnh quan ruộng bậc thang, làng mạc trải trên đồi núi trập trùng.

Hay dù cách thành phố Chiang Mai (Thái Lan) gần 300 km, chỉ có một con đường đi qua những thung lũng sâu, núi cao sương mù bao phủ (không thuận lợi), nhưng thị trấn Mae Hong Son vẫn quyến rũ khách thăm do được bao bọc bởi cánh rừng nguyên sinh, suối nước nóng...

Ở Malaga (Tây Ban Nha) có nhiều thị trấn núi xây trên đất dốc. Bạn có thể bỏ xe, đi bộ theo những con phố nhỏ lên cao để được ngắm phong cảnh toàn vùng. Đó là một giá trị của các thị trấn xây trên núi.

Ở Malaga (Tây Ban Nha) có nhiều thị trấn núi xây trên đất dốc. Bạn có thể bỏ xe, đi bộ theo những con phố nhỏ lên cao để được ngắm phong cảnh toàn vùng. Đó là một giá trị của các thị trấn xây trên núi.

Ngoài tài nguyên thiên nhiên là những gì con người tạo ra có giá trị nổi bật. Như thị trấn Alberobello (Ý) với khoảng 1.500 ngôi nhà trullo, những túp lều đá có mái hình nón nổi tiếng được xây dựng từ thế kỷ XVI. Hay sức hấp dẫn từ những ngôi nhà hình thuyền, dạng nhà duy nhất còn ở Đông Nam Á của người Toraja (bộ tộc miền núi trên đảo Sulawesi, Indonesia, có quan điểm cho rằng tổ tiên họ thuộc văn hóa Đông Sơn, Việt Nam). UNESCO đánh giá chúng: “Đây là di sản được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong ít nhất 700 năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa tính từ thời tiền sử”.

Ví dụ thì nhiều lắm, tựu trung cần hai điều kiện nền tảng: khí hậu, cảnh quan tự nhiên và văn hóa định cư của người thiểu số. Còn hạ tầng giao thông, khách sạn, y tế... những dịch vụ tiện ích được kiến thiết trên nền tảng đó. Vậy cảnh báo luôn: không thể xây dựng được thị trấn du lịch núi nếu cảnh quan tự nhiên và cuộc sống văn hóa của người bản địa bị phá hủy!

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay

Không dễ hiểu thế nào là “một thị trấn du lịch miền núi” theo các tiêu chí phân loại của nước ta, bởi các lý do:

1. Thị trấn được phân thành 3 loại có nội dung khác nhau và có thể là đô thị loại IV hoặc V tùy trường hợp.

2. Thị trấn miền núi chịu ảnh hưởng của 2 bộ tiêu chí chồng chéo: phân định theo miền núi, vùng cao và phân định theo trình độ phát triển.

3. Phân loại đô thị hiện nay chưa thể hiện các yếu tố đặc thù (kinh tế, văn hóa: đô thị công nghiệp, đô thị di sản...; địa lý: đô thị hải đảo, đô thị miền núi...). Nếu “thị trấn miền núi” còn chưa được hiểu mạch lạc, nói gì đến “thị trấn du lịch miền núi”?

Nhưng dẫu chưa có khái niệm “thị trấn/đô thị du lịch miền núi” một cách chính danh (đang soạn thảo trong Luật Quản lý Phát triển đô thị, sẽ là cơ sở pháp lý cho sự phát triển các mô hình đô thị đặc thù ở nước ta), thì một cách tự phát chúng vẫn hình thành. Tất nhiên tự phát có thể chứa nhiều rủi ro hơn phát triển có đường lối, kế hoạch, quy hoạch cụ thể ngay từ đầu.

Thị trấn Alberobello (Ý) hấp dẫn du khách bởi có khoảng 1.500 ngôi nhà trullo, những túp lều đá có hình mái nón nổi tiếng được xây dựng từ thế kỷ XVI. Ảnh: VTC News.

Thị trấn Alberobello (Ý) hấp dẫn du khách bởi có khoảng 1.500 ngôi nhà trullo, những túp lều đá có hình mái nón nổi tiếng được xây dựng từ thế kỷ XVI. Ảnh: VTC News.

Ở những nước có nhiều núi, chính phủ thường giữ vai trò lập kế hoạch chiến lược để phát triển kinh tế du lịch tại các vùng núi, gồm: xây dựng pháp lý chung, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, sân bay, hạ tầng du lịch, tiện ích công cộng kết nối các khu vực núi có tiềm năng), cung cấp các ưu đãi cho những doanh nghiệp địa phương và cộng đồng tham gia dịch vụ du lịch, như giảm thuế hoặc trợ cấp.

Chính quyền địa phương sẽ sử dụng ngân sách địa phương, phát triển sáng kiến cộng đồng, truyền thông, tự xác định tiềm năng du lịch và có thể phát triển độc lập. Quan hệ giữa chính phủ với địa phương là quan hệ kết hợp, không phải “cấp trên - cấp dưới”. Phải nhấn mạnh sự độc lập của chính quyền địa phương vì về cơ bản điều kiện địa lý - nhân văn của mỗi khu vực núi là độc đáo, riêng biệt nên sẽ có vô số vấn đề của địa phương chỉ có thể giải quyết bằng tri thức bản địa, thứ mà “cấp trên” không có.

Nhà hình thuyền, dạng nhà duy nhất còn ở Đông Nam Á của người Toraja một bộ tộc miền núi trên đảo Sulawesi, Indonesia. Ảnh: QPDesin.

Nhà hình thuyền, dạng nhà duy nhất còn ở Đông Nam Á của người Toraja một bộ tộc miền núi trên đảo Sulawesi, Indonesia. Ảnh: QPDesin.

Tri thức bản địa thể hiện cách ứng xử/ tương tác hài hòa với điều kiện tự nhiên nơi người địa phương định cư tại từng khu vực núi khác nhau. Các nhà nghiên cứu núi cũng cho chúng ta hiểu như vậy, rằng dẫu cùng trên một rặng núi hay một núi dẫu có cùng độ cao, cùng vĩ độ, thì vi khí hậu vẫn khác nhau, sẽ kéo theo hàng loạt sự khác nhau, do trong cùng một khu vực nhỏ, các sườn dốc và thung lũng không khí mát bốc từ ngọn núi dẫn đến lượng mưa tăng ở phía đón gió và khô hạn hơn phía khuất gió (hiệu ứng Orographic); các rặng núi, đỉnh núi tiếp xúc với gió mạnh ảnh hưởng đến thảm thực vật và hoạt động của con người...

Sự khác đó dẫn đến cả chuỗi tác động, như sự đa dạng sinh học (vùng thảm thực vật và môi trường sống của động vật hoang dã), canh tác nông nghiệp (phương pháp và cây trồng thích ứng) khác nhau; chế độ thủy văn (núi là tháp nước) không giống nhau và sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng khác nhau...

Kể dài dòng để thấy địa lý, khí hậu, vi khí hậu miền núi phức tạp và không đồng nhất rộng như đồng bằng nên không thể có một bộ luật, thông tư hay nghị định nào của chính phủ có thể bao phủ và đúng cho mọi khu vực núi. Xin giữ quan điểm này trong khi chúng ta đang soạn luật mới, mà thị trấn núi hay thị trấn du lịch núi sẽ là đối tượng áp dụng. Vậy luật mới (nếu có) chỉ nên xác lập khuôn khổ quản lý phát triển chung, để chính quyền và cộng đồng dân cư bản địa miền núi có nhiều tự chủ hơn trong lựa chọn mục tiêu và phương cách phát triển phù hợp.

Các mẫu kiến trúc công sở và trung tâm thương mại xấu xí vốn ở đồng bằng vẫn được đưa lên thị trấn Vinh Quang (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) ở độ cao trên 1.000m.

Các mẫu kiến trúc công sở và trung tâm thương mại xấu xí vốn ở đồng bằng vẫn được đưa lên thị trấn Vinh Quang (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) ở độ cao trên 1.000m.

Hiện cả nước có 618 thị trấn, trong đó 555 thị trấn loại V (cấp đô thị nhỏ nhất), so với con số 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có thể thấy tốc độ đô thị hóa ở các vùng núi rất chậm. Ngoài vài phố núi có cơ sở hạ tầng khá, manh nha hoặc hình thành trước năm 1975: Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đồng Văn, Phó Bảng (Hà Giang),… hầu như chưa có thêm một thị trấn du lịch núi nào? Các thị trấn miền núi: Tủa Chùa (Điện Biên), Cốc Pài (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái), Chợ Rã (Bắc Kạn),... như hầu hết thị trấn miền núi Tây Bắc, Đông Bắc, trên dãy Trường Sơn cũng chỉ mới được xếp hạng trong vài chục năm qua. Và chúng đều như “những đứa trẻ tự lớn đang hồn nhiên bạt rừng, phá núi” làm đường, xây nhà... như đồng bằng, cho “miền núi tiến kịp miền xuôi”.

Chẳng dám nói tư duy của người trồng lúa nước ở đồng bằng xây đô thị cho mình còn gây khối thảm họa, thì không thể lên núi kiến tạo đô thị, nhưng nhìn cảnh quan thiên nhiên đang bị hủy hoại, phố núi rặt mẫu nhà cửa “phố Gò Vấp, phố Trôi, Nhổn” ở Sài Gòn, Hà Nội, người dân bản địa miền núi ngồi nhờ vỉa hè bán thổ sản, chỉ xuất hiện trong các phiên chợ thưa thớt..., các bạn nghĩ sao? Còn tôi tự hỏi những gì đang xảy ra ngày hôm nay có thể giúp định hình những thị trấn du lịch núi trong tương lai?

Câu trả lời là không thể!

Bởi một thị trấn du lịch núi cần được là chính nó, là Cốc Pài của người Nùng với rừng cây phay, người La Chí với cây Tả Sử Choóng trên Hoàng Su Phì... Là bản sắc phải được xác định rõ ràng giúp một thị trấn miền núi thu hút du khách bằng cách cung cấp cho họ những hình ảnh, trải nghiệm đáng nhớ, đặc biệt, mà họ không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.

Bài và ảnh: Trần Trung Chính

________________________

(1) “Phố cổ Đồng Văn - Quá trình hình thành và phát triển”, Cổng thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang 17.6.2022
(2) Hoàng Su Phì - miền đất “vỏ cây vàng”, Báo Nhân Dân 24.9.2010.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhung-thi-tran-nui-dang-danh-mat-minh-46621.html