Những thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng
Thị trường lao động ngoài nước đang cần nhiều lao động để phục vụ sản xuất, khôi phục kinh tế, một số nước đã nới lỏng các điều kiện cho người nước ngoài đến làm việc. Vì vậy số lượng người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày càng tăng. Xuất khẩu lao động không chỉ cung cấp cơ hội việc làm ổn định, mà còn giúp người lao động tích lũy một số vốn đáng kể sau 3-5 năm làm việc. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có những ưu điểm và hạn chế riêng, phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế và điều kiện sống.
Năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức thẩm định hồ sơ hồ sơ pháp lý 25 doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại các huyện, thành, thị; xác nhận đăng ký hợp đồng cá nhân đối với một lao động đi làm việc tại Hungary. Thông báo, hướng dẫn các thủ tục cần thiết, giáo dục định hướng cho 216 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; hướng dẫn xuất cảnh cho 15 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; tiếp nhận đơn đăng ký của 622 lao động đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Hàn trong ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp. Năm 2024, dự kiến đặt mục tiêu đưa 2.500 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên theo nhận định của Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH: Phần lớn người sử dụng lao động nước ngoài đều muốn nhận lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ, vì những lao động này có khả năng tiếp thu công việc nhanh, làm việc có năng suất và hiệu quả, thêm vào đó là ý thức tổ chức kỷ luật lao động và sinh hoạt tốt hơn. Trong khi đó người lao của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là lao động phổ thông, đây cũng là khó khăn cho người lao động khi muốn tham gia vào các thị trường có thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt. Vì vậy việc lựa chọn thị trường xuất khẩu lao động là rất quan trọng
Hiện nay, Nhật Bản là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc do có thu nhập cao hơn so với cùng công việc tại một số quốc gia khác, đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, cải thiện đời sống người lao động và gia đình. Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích. Nhiều chương trình, dự án đưa người lao động đi làm việc tại Nhật Bản được Bộ LĐTBXH Việt Nam phối hợp với Nhật Bản triển khai như Chương trình thực tập sinh kỹ năng, Chương trình lao động kỹ năng đặc định, Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đang phát huy hiệu quả. Tại Nhật Bản hiện có 85 ngành nghề tuyển dụng thực tập sinh ở 7 khối ngành lớn gồm: Nông nghiệp, điện tử, xây dựng, chế biến thực phẩm, dệt may và cơ khí - kim loại, chế biến thủy sản. Nhận định của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, đến năm 2030, Nhật Bản cần thêm 630.000 nhân lực nước ngoài để bổ sung vào lực lượng lao động thiếu hụt.
Ông Lê Đình Khánh - Giám đốc Công ty CP May và XKLĐ cho biết: “Hiện nay toàn bộ số lao động xuất khẩu Công ty đang quản lý đều làm việc tại thị trường Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã tổ chức cho 100 lao động đi xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản. Các doanh nghiệp và nhà máy tại Nhật Bản đang có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam với quy mô lớn. Đồng thời, chính phủ Nhật Bản cũng mở rộng cơ hội xuất cảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm việc làm và nâng cao thu nhập”.
Một số thị trường xuất khẩu lao động truyền thống ở Châu Á như: Hàn Quốc, Singapore... vẫn được nhiều người lựa chọn. Chính phủ Hàn Quốc hiện đã mở cửa cho người lao động sang làm việc và ổn định cuộc sống tại đây. Tuy nhiên, thị trường XKLĐ Hàn Quốc hiện chỉ chấp nhận người lao động đi thông qua Bộ LĐ-TB&XH. Chưa có đơn vị tư nhân nào được cấp phép triển khai. Điều kiện để đi làm việc tại Hàn Quốc cũng rất khắt khe. Singapore, một đất nước với nền kinh tế phát triển và một môi trường sống sạch sẽ, đã thu hút sự quan tâm của nhiều người lao động. Được biết đến với mức sống cao, Singapore cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe cho việc tuyển dụng lao động. Để có cơ hội làm việc tại Singapore, người lao động cần có trình độ học vấn tối thiểu THPT hoặc cao hơn, bao gồm trung cấp, cao đẳng, và đại học, cùng với khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung.
Trưởng Cao đẳng Nghề Phú Thọ làm việc với Sở KH-ĐT về xúc tiến liên kết đào tạo tại Đức
Từ trước đến nay, các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... luôn là những sự lựa chọn quen thuộc đối với người lao động. Ít khi có người dám thử sức với các quốc gia châu Âu. Dẫu vậy, những năm gần đây thì thị trường lao động Châu Âu lại nhận được rất nhiều sự quan tâm khi người lao động bắt đầu nhận thấy tiềm năng của khu vực này. Kể từ sau đại dịch, các nước châu Âu rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng và nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài tăng cao. Hơn nữa, điều kiện tuyển dụng cũng bớt đi nhiều sự khắt khe, các phúc lợi có chiều hướng tăng lên nên thị trường xuất khẩu lao động châu Âu trở thành sự lựa chọn lý tưởng của không ít người. So với các thị trường xuất khẩu lao động châu Á thì mức lương tại thị trường xuất khẩu lao động châu Âu có mức lương nhỉnh hơn đối với hầu hết các ngành nghề. Một vài năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu lao động tại Đức cũng được nhiều người quan tâm, nhất là lĩnh vực du học nghề. Đây là cơ hội hấp dẫn cho những người muốn học và làm việc để kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, chương trình du học nghề ở Đức đã được Chính phủ thông qua và quy định các học sinh trong độ tuổi từ 15 đến 18 có thể tham gia học nghề.
Dựa trên thông tin về các thị trường xuất khẩu lao động, có thể thấy rằng mỗi thị trường có những ưu điểm và hạn chế riêng. Do đó, quyết định nên chọn nước nào để xuất khẩu lao động nên căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng và khả năng cá nhân. Ngoài ra, người lao động cần lưu ý các chính sách và mức chi phí liên quan đến việc xuất khẩu lao động mà từng thị trường thiết lập vào từng năm. Đặc biệt, mức chi phí phải phù hợp với điều kiện tài chính của người lao động và gia đình.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-hoi/nhung-thi-truong-xuat-khau-lao-dong-tiem-nang/203785.htm