Những thói quen đi bộ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà bạn nên tránh

Những người làm việc văn phòng có nguy cơ mắc bệnh xương khớp, đau lưng, dễ stress, căng thẳng. Việc duy trì thói quen đi bộ mỗi ngày giúp cải thiện sức khỏe, phát triển cơ bắp và hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, một số thói quen khi đi bộ có thể gây áp lực quá mức lên cơ, khớp, gây đau đớn, chấn thương...

Tư thế xấu, khom lưng hay nghiêng người quá xa về phía trước, có thể gây áp lực không cần thiết lên vai, cổ và lưng. Ảnh minh họa: internet

Tư thế xấu, khom lưng hay nghiêng người quá xa về phía trước, có thể gây áp lực không cần thiết lên vai, cổ và lưng. Ảnh minh họa: internet

Những thói quen đi bộ có hại cho sức khỏe và vóc dáng

Bước đi quá dài

Sải chân quá mức khi người tập bước những bước chân quá dài trong khi đi bộ, sẽ gây áp lực lên các khớp, theo thời gian sẽ làm tăng nguy cơ gây đau cẳng chân, viêm cân gan chân và đau đầu gối.

Để có được tư thế đi bộ đúng cách, bạn nên thực hiện những bước ngắn hơn, tự nhiên hơn với tốc độ thoải mái nhất mà bạn có thể kiểm soát được.

Cúi người/nghiêng về phía trước

Tư thế xấu, khom lưng hay nghiêng người quá xa về phía trước, có thể gây áp lực không cần thiết lên vai, cổ và lưng. Theo thời gian, thói quen này có thể ảnh hưởng đến cột sống, làm giảm hiệu quả của các bài tập đi bộ. Khi khom lưng hoặc nghiêng về phía trước, người tập sẽ tăng khả năng bị đau lưng, đau đầu và mệt mỏi.

Khi đi bộ, bạn nên đứng thẳng và kéo dài cột sống, giữ cằm song song với mặt đất, nhìn thẳng về phía trước để giúp đầu giữ nguyên vị trí này.

Vung tay không đều

Đi bộ với cánh tay vung không đều có thể làm mất thăng bằng và gây ra căng thẳng không mong muốn. Cánh tay vung không đều thường do mất cân bằng cơ hoặc cầm một thứ gì đó như điện thoại hoặc chai nước bằng một tay.

Vung tay không đều làm mất thăng bằng và gây áp lực không cần thiết lên vai và lưng trên. Điều này gây đau vai, viêm gân và tư thế xấu.

Do đó, bạn nên vung tay tự nhiên khi đi bộ, đảm bảo vung từ vai chứ không phải từ khuỷu tay. Tránh nắm chặt tay, nên giữ tay thư giãn với lòng bàn tay hướng vào trong.

Tiếp đất bằng gót chân quá mức

Một thói quen gây hại khi đi bộ là tiếp đất bằng gót chân quá mức, sẽ tạo ra lực tác động quá mức truyền lên mắt cá chân, đầu gối và hông. Động tác này có thể gây đau xương cẳng chân và viêm khớp, đặc biệt là khi đi bộ trên bề mặt cứng.

Tư thế đi bộ đúng là, đầu tiên, hãy chạm đất bằng gót chân một cách nhẹ nhàng, sau đó lăn từ gót chân đến ngón chân. Không nên bước chân bằng phẳng hoặc chạm đất bằng ngón chân trước. Nên giữ cho bước chân nhẹ nhàng và tránh đặt chân xuống quá mạnh.

Đi bộ với dáng đi không đối xứng

Dáng đi không cân xứng xảy ra khi đi bộ với sải chân không đều hoặc chân trái nghiêng về phía chân phải (hoặc ngược lại). Điều này có thể dẫn đến các vấn đề như khó chịu ở hông, đau đầu gối và căng cơ lưng dưới.

Khi đi bộ, bạn nên đứng thẳng, thả lỏng vai, cằm hướng lên và song song với mặt đất.

Không kích hoạt phần cốt lõi

Việc kích hoạt phần cốt lõi cơ thể khi đi bộ là rất quan trọng. Không sử dụng các cơ cốt lõi có thể dẫn đến tư thế xấu, đau lưng.... Khi sử dụng các cơ cốt lõi, có thể duy trì tư thế tốt hơn, tạo ra nhiều sức mạnh hơn và giảm nguy cơ chấn thương.

Để tạo một tư thế đúng khi đi bộ, bạn nên giữ bụng hơi hóp vào khi đứng thẳng. Điều này có thể giúp cơ bụng của bạn hỗ trợ tốt hơn cho phần thân và cột sống.

60 phút đi bộ giúp cơ thể đạt trạng thái đốt cháy mỡ thừa, cải thiện sức khỏe tim mạch, dung tích phổi và sức bền. Ảnh minh họa: internet

60 phút đi bộ giúp cơ thể đạt trạng thái đốt cháy mỡ thừa, cải thiện sức khỏe tim mạch, dung tích phổi và sức bền. Ảnh minh họa: internet

Áp dụng quy tắc đi bộ “6-6-6” giúp tăng cường sức khỏe

Đi bộ lúc 6h sáng và 6h chiều, mỗi lần 60 phút, kèm 6 phút khởi động và thư giãn giúp những người bận rộn tăng cường sức khỏe, năng lượng, chống bệnh tật.

Trong khi đó, đi bộ lúc 6h chiều giúp thư giãn tâm trí và giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc. Vận động thời điểm này giúp cơ thể dễ dàng đi vào giấc ngủ. Bên cạnh đó, bạn có thể dành thời gian suy ngẫm về một ngày đã qua trong lúc vận động.

Nếu không thể rời khỏi nơi làm việc sớm, bạn có thể đi bộ nhanh hai phút trong khuôn viên văn phòng.

Đi bộ mỗi lần 60 phút

60 phút đi bộ giúp cơ thể đạt trạng thái đốt cháy mỡ thừa, cải thiện sức khỏe tim mạch, dung tích phổi và sức bền. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Thể thao Anh, 30-60 phút mỗi tuần cho các hoạt động tăng cường cơ bắp giúp giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, bệnh tim mạch và ung thư.

Những người chỉ có thể đi bộ nên đi bộ nhanh ít nhất 60 phút, 5 lần mỗi tuần nếu muốn giảm cân. Một giờ đi bộ mang lại lợi ích cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp cơ bắp và tâm trí được phục hồi. Nhịp điệu đều đặn của việc đi bộ cho phép bạn tập trung, thư giãn.

6 phút khởi động và thư giãn sau đi bộ

Khởi động 6 phút trước khi đi bộ rất quan trọng. Các động tác giãn cơ nhẹ nhàng trong 6 phút giúp chuẩn bị cho cơ bắp và khớp, giảm nguy cơ chấn thương. Khởi động làm tăng lưu lượng máu, nhiệt độ cơ thể và chuẩn bị hệ tim mạch cho việc đi bộ hiệu quả hơn.

Thư giãn sau khi đi bộ cũng quan trọng không kém. Trong vòng một phút sau khi đi bộ nhanh, nên thư giãn dần trong 6 phút để nhịp tim trở lại bình thường, giảm cứng cơ và tăng cường phục hồi. Giãn cơ sẽ giúp bạn duy trì sự dẻo dai và linh hoạt cho buổi tập tiếp theo, giảm cảm giác đau mỏi.

Quy tắc 6-6-6 đề cao sự kiên trì. Đi bộ hai lần mỗi ngày trong một giờ, kèm theo khởi động và thư giãn, là một thói quen bền vững không cần đến phòng tập hay thiết bị đặc biệt. Nó phù hợp cho cả người mới bắt đầu và người đã quen đi bộ. Đây là bài tập hoàn hảo, ít tác động, phù hợp với mọi lối sống.

Quy tắc 6-6-6 được đánh giá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả trong việc giữ cho bạn năng động, giảm căng thẳng và khỏe mạnh. Bằng cách áp dụng thói quen này, bạn sẽ nhận được tất cả những lợi ích đa dạng của việc đi bộ như năng lượng, tinh thần minh mẫn và cơ thể khỏe mạnh hơn.

Vân Lê (tổng hợp)

Times of India, suckhoedoisong.vn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhung-thoi-quen-di-bo-anh-huong-xau-den-suc-khoe-ma-ban-nen-tranh-406217.html