Những thửa ruộng trăm mẫu
Tích tụ ruộng đất đã tạo ra những thửa ruộng trăm mẫu để người dân thỏa sức sáng tạo với đồng đất, từ đó thay đổi cách làm, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung.
Thuận lợi nhiều bề
Anh Lê Văn Quang ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) có được 200 mẫu ruộng thật tình cờ. Nhà có nghề làm đất dịch vụ nên cứ tới mùa vụ, anh lại rong ruổi khắp các xứ đồng trong tỉnh. Năm 2015, đi qua thị trấn Gia Lộc, khi mà những nơi khác nông dân đang hối hả xuống đồng gieo cấy thì khu đồng Bãi Mía cỏ mọc cao quá đầu người. "Hỏi người xung quanh thì được biết cấy lúa không hiệu quả, nông dân đã bỏ từ lâu. Không chần chừ tôi đã hỏi thuê. Bất ngờ hơn là người dân cho mượn ruộng", anh Quang cho biết.
Có trong tay 100 mẫu ruộng, anh Quang cùng vợ cần mẫn đắp bờ lô, bờ vùng, cải tạo đất đai. Đất không phụ công người, chỉ sau 1 năm, đồng Bãi Mía hoang hóa lúa đã lên tươi tốt. Trước người dân cấy lúa tính lãi chỉ vài trăm nghìn còn anh tính vài trăm triệu đồng. Theo anh Quang, ruộng lớn nên canh tác thuận lợi nhiều bề, những khâu nặng nhọc đã có máy móc thay sức người. Vì thế tuy chỉ có 2 vợ chồng nhưng anh vẫn tranh thủ đi làm dịch vụ. Thấy anh cấy lúa hiệu quả, người dân lại mách anh tới xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) mượn 100 mẫu ruộng. Anh khẳng định: "Ruộng đất với tôi không bao giờ là đủ. Hễ thấy chỗ nào cho mượn, cho thuê là tôi tìm tới. Hiện tôi cũng có dự định thuê thêm 90 mẫu ruộng ở Thanh Miện. Mất công làm phải làm lớn, chỉ có ruộng to mới giàu được".
Khu đất bãi mênh mông ở xã Hồng Phong (Ninh Giang) trước đây vốn chỉ trồng ngô nhưng dưới bàn tay của anh Đào Huy Du đã trở nên tươi mới hơn bởi những loại rau màu xuất khẩu giá trị cao như cà rốt, ớt, mùng tơi Hàn Quốc... Anh Du phải mất gần 3 năm để thuyết phục 250 hộ dân cho thuê đất. Khi ruộng đất được nối liền, những bờ xương cá để phân chia ruộng giữa các hộ bị phá bỏ, anh thỏa sức đưa những giống cây mới vào sản xuất. Kỹ thuật canh tác được áp dụng đồng bộ nên trên cùng một diện tích, giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với các hộ làm nhỏ lẻ.
Ngoài ra, anh Du còn chủ động liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm. Anh đang gieo trồng rau màu theo đơn đặt hàng nên không ngại những nỗi lo thường trực của nông dân về giá cả, thị trường. Anh Du chia sẻ: "Làm lớn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Có 100 mẫu đất sẽ phải khó khăn hơn 1 mẫu. Tuy nhiên, không thể hạn chế, giảm thiểu rủi ro bằng việc làm manh mún, nhỏ lẻ. Như vậy, lợi nhuận thu về sẽ tỷ lệ nghịch với thời gian, công sức bỏ ra. Chỉ có làm lớn mới mong có lãi".
Vẫn cần hỗ trợ
Sau gần 10 năm gom ruộng, gia đình chị Bùi Thị Hằng ở thôn Chi Khê, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) đã có của ăn của để nhờ vực dậy hơn 100 mẫu ruộng bỏ hoang tại địa phương. Hiện nhà chị là hộ sản xuất lúa hàng hóa có tiếng, được nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh tới đặt vấn đề bao tiêu từ đầu vụ. Thế nhưng chị vẫn còn nhiều trăn trở chưa được tháo gỡ. Thành quả hiện tại là mồ hôi, nước mắt của vợ chồng chị trong nhiều năm. Tuy vậy, nó có thể biến mất bất cứ lúc nào nếu như người dân đòi lại ruộng. Mong mỏi lớn nhất của chị Hằng là chính quyền, cơ quan chuyên môn có cơ chế về tích tụ ruộng đất rõ ràng để gia đình chị yên tâm sản xuất. "Ngoài những thủ tục pháp lý liên quan tới mượn, cho thuê đất, tôi cũng đề nghị địa phương quan tâm làm đường ra đồng, hệ thống kênh mương. Có như vậy, chúng tôi mới thuận tiện đưa máy móc vào đồng ruộng", chị Hằng nói.
Nuôi giấc mộng đại điền từ lâu nên anh Quang tỏ ra phấn khởi khi biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ những hộ tích tụ ruộng đất như gia đình mình. Dù chưa nắm bắt nhiều thông tin song anh vẫn có niềm tin được sản xuất ổn định, lâu dài. Theo anh Quang, trước người dân cho mượn ruộng không lấy tiền, còn hiện tại anh phải thuê 200.000 đồng/sào/năm. Thế nhưng với anh, số tiền thuê ruộng không quan trọng bằng thời gian được thuê. Anh đã mất nhiều công sức, tiền bạc để làm nên thửa ruộng trăm mẫu thẳng cánh cò bay. Vì thế, anh Quang rất lo sợ một ngày đồng ruộng lại bị xé lẻ, giấc mơ đại điền tan vỡ. Anh quả quyết: "Tôi chỉ mong được tạo điều kiện để có ruộng lớn, thỏa sức vùng vẫy. Nếu được vậy, chỉ cần canh tác những cây bình thường cũng mang lại giá trị cao".
Trước thực tế sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ các hộ tích tụ ruộng đất. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/ha/năm trong 2 năm đầu cho các hộ tích tụ ruộng đất có quy mô từ 5 ha trở lên. Tuy vậy, để tiếp cận được nguồn vốn này rất khó khăn. Tỉnh nên xây dựng cơ chế thông thoáng hơn để người dân có động lực gom ruộng làm giàu.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/nhung-thua-ruong-tram-mau-145761