Những thực phẩm cần thận trọng khi ăn mùa nắng nóng

Vào những ngày nắng nóng, thức ăn đường phố dễ biến thành 'ổ' vi khuẩn nếu không được bảo quản đúng cách.

 Việc bảo quản không đúng cách dễ khiến thức ăn đường phố nhiễm vi khuẩn.

Việc bảo quản không đúng cách dễ khiến thức ăn đường phố nhiễm vi khuẩn.

Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng độ ẩm cao tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Điều này khiến người dân dễ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm. Dưới đây là một số loại thực phẩm bạn nên cẩn trọng khi tiêu thụ vào mùa nóng.

Thức ăn đường phố

Tờ The Indian Express nhấn mạnh thời tiết oi bức là môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn như Salmonella, E. coli hay Campylobacter sinh sôi nhanh chóng. Khi thực phẩm được chế biến hoặc bảo quản trong khoảng nhiệt 4 đến 60 độ C (nhiệt độ ngoài trời), nguy cơ nhiễm khuẩn và dẫn đến ngộ độc thực phẩm sẽ tăng cao.

Thực tế, nhiều món ăn vỉa hè như thịt nướng, trứng luộc, các loại sốt... rất dễ hỏng chỉ sau vài giờ tiếp xúc với không khí nóng. Tuy nhiên, do điều kiện kinh doanh đơn giản, thức ăn đường phố thường không được giữ lạnh hoặc đậy kín đúng cách.

Thêm vào đó, quy trình chế biến ở các hàng quán vỉa hè cũng khó đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. Hậu quả để lại là hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp nhau.

Gần đây, vụ ngộ độc tập thể tại tiệm bánh mì “Cô Ba Bến Đình” ở Vũng Tàu khiến hơn 300 người phải nhập viện, trong đó có một người không qua khỏi. Tại TP.HCM, một nhóm học sinh ở thành phố Thủ Đức phải nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sushi và bánh mì mua từ hàng rong trước cổng trường.

Hải sản đông lạnh

Theo trang web An toàn Thực phẩm Chính phủ Mỹ, hải sản đông lạnh có thể tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu không được bảo quản và chế biến đúng cách, đặc biệt trong mùa nóng. Nếu hải sản bị rã đông trong quá trình vận chuyển hoặc để ở nhiệt độ cao quá lâu trước khi nấu, vi khuẩn có thể phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ gây bệnh.

Một trong những mối nguy phổ biến là vi khuẩn Vibrio. Loại vi khuẩn này thường xuất hiện trong nước biển ấm và có thể gây ngộ độc nghiêm trọng khi người tiêu thụ ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín kỹ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính mỗi năm tại quốc gia này có khoảng 80.000 ca nhiễm Vibrio, dẫn đến khoảng 100 ca không qua khỏi, xảy ra vào khoảng thời gian tháng 5 đến tháng 10.

Sữa và các sản phẩm từ sữa

Sữa tươi, sữa chua hay phô mai nếu để ngoài trời quá lâu rất dễ bị hỏng, đặc biệt trong thời tiết nóng bức. Khi đó, vi khuẩn gây hại như Salmonella, E. coli hay Listeria có thể sinh sôi nhanh chóng, khiến các sản phẩm này trở thành nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm nếu tiếp tục sử dụng.

Để đảm bảo an toàn, sữa và các chế phẩm từ sữa cần được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 4 độ C và không nên để ngoài nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Hơn nữa, sữa tươi chưa tiệt trùng cần đặc biệt lưu ý vì dễ chứa vi khuẩn có hại.

Thực phẩm chế biến sẵn và thịt nguội

Thực phẩm chế biến sẵn như giò chả, xúc xích hay các món chế biến từ thịt, nếu không được bảo quản lạnh đúng cách, cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn, theo CDC Mỹ.

Vi khuẩn Listeria có thể tồn tại trong môi trường lạnh và gây ngộ độc nếu người dùng không chế biến đồ hộp kỹ. Bên cạnh đó, đồ hộp có thể chứa Clostridium botulinum. Vi khuẩn này sản sinh ra độc tố botulinum, có thể gây liệt cơ, thậm chí thiệt hại tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Đối với các thực phẩm chế biến sẵn này, người tiêu dùng nên bản quản lạnh và hâm nóng đến nhiệt độ ít nhất 74 độ C trước khi ăn. Nếu thực phẩm có mùi lạ hoặc dấu hiệu hư hỏng, tuyệt đối không nên ăn.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-thuc-pham-can-than-trong-khi-an-mua-nang-nong-post1547841.html