Những tiệm may ngày ấy…

Thập niên 1980 là khoảng thời gian khó khăn nhất của đất nước. Nỗi lo hàng ngày của hầu hết mọi người thời bao cấp khi ấy chỉ loanh quanh cái ăn, cái mặc. Cái mặc thời ấy thật nghèo nàn, nếu đi làm cho Nhà nước còn được chế độ phiếu vải 5m/năm, chứ lao động tự do thì tự lo. Vậy nên cái cảm giác khi cầm xấp vải bước vào cửa tiệm may sáng choang để may đồ mới không dễ ai quên…

Dấu tích còn lại của tiệm may Tạo nổi tiếng một thời trên đường Thống Nhất.

Dấu tích còn lại của tiệm may Tạo nổi tiếng một thời trên đường Thống Nhất.

Ngày ấy ở Nha Trang, trên đường Thống Nhất có loạt nhà may tên tuổi: Quốc tế, Adam’s, Nguyễn, Tạo... Tiệm chuyên may áo dài nữ thì có Sơn nữ Đà Lạt, Song Hiệp, Phương Thảo… Các đường phố lớn khác như: Trần Quý Cáp, Nguyễn Trãi, Ngô Gia Tự cũng có, nhưng người ta thường nhớ những tiệm trên đường Thống Nhất. Mua được tấm vải là phải ra đường Thống Nhất để may cho đáng, vì thời bao cấp, con đường này luôn có một vị trí rất đặc biệt. Những tiệm buôn, cửa hàng, cửa hiệu trên đường Thống Nhất thể hiện… một đẳng cấp trong xã hội. Những nhà may trưng phía trước chiếc tủ kính sáng choang, treo những xấp vải đủ màu và những bộ đồ mới may xong chờ giao cho khách là niềm mơ ước của lớp thanh niên đang tuổi ăn diện…

Nhớ lại thời hoàng kim của các nhà may, gia đình có khó khăn gì thì năm hết Tết đến cũng phải dành dụm may bộ đồ mới. Vậy là dịp cuối năm, từ tháng 11 âm lịch trở đi, các tiệm may chạy hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng kịp. Cầm phiếu hẹn lấy đồ thường bị các chủ tiệm khất lần vài ba ngày là chuyện bình thường. Ngày ấy, đi may bộ đồ mới nôn nao trong lòng biết chừng nào. Sốt ruột đến đâu, hối thợ đến đâu thì khách cũng nhớ né cho tiệm ngày 12 tháng Chạp, bởi đó là ngày giỗ Tổ nghề may. Ngày này các tiệm lo cúng kiếng chứ không làm việc.

Những người may đồ thời ấy thường chọn một tiệm quen. Cả đời tôi chỉ may đồ ở tiệm Tiến Dũng trên đường Phương Câu. Ông chủ tiệm khá đặc biệt, khi đo ông luôn đo một lèo rồi mới ghi các thông số vào sổ. Tôi lần đầu ngạc nhiên, hỏi sao nhớ cả chục số đo vậy, ông cười hiền nói nghề mà. Giờ đây gặp lại, nhìn tiệm may lay lắt tự nhiên thấy nao lòng. Hai vợ chồng tuổi đã lớn, con cái không ai chịu theo nghề nên giữ tiệm mở cửa ngày nào thì giữ cho vui tuổi già chứ chả tha thiết gì chuyện may đo… Lại thêm một tiệm may chuẩn bị đi vào quá khứ!

Tiệm Sơn nữ Đà Lạt hiện đã chuyển sang bán quần áo. Ảnh: KHANG NGUYỄN

Tiệm Sơn nữ Đà Lạt hiện đã chuyển sang bán quần áo. Ảnh: KHANG NGUYỄN

Đầu ngõ nhà tôi có một tiệm may nhỏ, không bảng hiệu. Chủ tiệm là một phụ nữ trung niên, nhẹ nhàng, khéo tay nên hầu hết bà con trong ngõ đều may ở đây, giá cả phải chăng. Chị cho biết ngày ấy đi học nghề cực lắm. Các chủ nhà may lớn vẫn nhận học nghề theo kiểu thí công, tức là người học không phải đóng tiền, còn được chủ nhà bao cho bữa trưa, nhưng bù lại thì ngoài học nghề, làm thợ phụ còn phải làm việc nhà. Học nghề từng khâu theo kiểu cầm tay chỉ việc, mỗi khâu khoảng 5 - 6 tháng như học may cổ áo, may măng sét, thùa khuyết…. thành thạo mới được chủ cho đo cắt. Khoảng 4 - 5 năm khi thành thạo tất cả các khâu, may được bộ đồ hoàn chỉnh thì chủ cho ra mở tiệm riêng.

Đến giờ vẫn nhớ như in lần đầu tôi đi may bộ vest, ngập ngừng bước vào tiệm may Quốc tế đầu đường Thống Nhất mà hồi hộp như bước vào phòng thi. Chủ tiệm ân cần dẫn đi lựa vải, cả một kho vải ngoại nhập sang trọng… Đo xong, chủ tiệm hẹn ngày khi dựng đồ xong ra đo lại, chỉnh sửa rồi mới chính thức may. Trải qua bao thời gian, tôi đã mua thêm mấy bộ vest may sẵn của các hãng thời trang… nhưng bộ vest đầu đời ấy vẫn giữ nguyên nét đẹp cổ điển, không hề lạc hậu, sắc sảo từng đường kim mũi chỉ, mặc vẫn rất thích.

Bước sang thập niên 2000, khi các hãng thời trang và các hãng may công nghiệp phát triển cũng là lúc các nhà may truyền thống vắng khách dần. Những bộ đồ may sẵn mang thương hiệu An Phước, Pierre Cardin, Việt Tiến, Khatoco, Tomy… vừa đẹp, vừa tiện lợi đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Rồi đến khi hàng loạt hãng áo thun cao cấp có, bình dân có mọc ra như nấm thì chính thức đẩy các nhà may truyền thống tới chỗ đóng cửa. Những tiệm may nổi tiếng một thời giờ chỉ còn trong ký ức, trừ những tiệm chuyên may cắt áo dài cho chị em là vẫn sống khỏe.

Ngày nay, những tiệm may đình đám một thời đã vắng bóng. Tiệm may Tiến Dũng quen thuộc của tôi chỉ còn hai vợ chồng già ngồi coi ti vi. Con tôi nghe chuyện về những nhà may, cho dù vừa mới hơn chục năm trước, mắt nó tròn xoe, ngạc nhiên lắm. Toàn bộ đồ của nó và lứa bạn bè hầu hết đặt mua trên mạng hoặc vào các shop. Nó chỉ biết đến cái máy khâu khi cần sửa đồ, những người hiện nay mở đầy ở các đường phố Nha Trang. Sửa đồ có vẻ nhiều việc vì có phải ai cũng mặc đồ may sẵn vừa vặn đâu…

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202311/nhung-tiem-may-ngay-ay-9632dfe/