Những tiết học Lịch sử hấp dẫn theo chương trình mới

Việc dạy và học môn Lịch sử theo tinh thần Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông đã tạo tâm thế học tập mới mẻ cho giáo viên và học sinh khối 10 bậc THPT. Từ việc giúp học sinh tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, bài học Lịch sử không còn khô khan mà trở nên cuốn hút, hấp dẫn, dễ nhớ.

Sau gần hai tháng học tập ở môi trường THPT, em Lê Uyên Nhi - Lớp 10D CLC, Trường THPT Việt Trì, TP Việt Trì đã làm quen và bắt nhịp được với chương trình mới của môn Lịch sử. Uyên Nhi cho biết: “Sách giáo khoa mới được biên soạn đã tăng các tiết học thực hành, trải nghiệm nên em thấy môn Lịch sử không bị khô khan mà trở nên hấp dẫn hơn khi được tham gia các hoạt động nhóm, cách học cũng dễ hiểu, dễ nhớ hơn không phải nhớ sự kiện lịch sử một cách máy móc”.

Cô Phạm Thị Quỳnh Liên – giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THPT Việt Trì chia sẻ: “Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều chủ đề mang tính định hướng, giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị nền tảng và ý nghĩa thực tiễn của khoa học lịch sử trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Về định hướng giáo dục môn Lịch sử trong chương trình mới không đơn thuần cung cấp kiến thức mà còn hình thành năng lực cho học sinh, biết kết nối lịch sử với cuộc sống, vận dụng để giải quyết các tình huống trong thực tế qua những bài học kinh nghiệm từ tri thức lịch sử, hình thành, bồi đắp phẩm chất nhân cách cho học sinh như: Yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc, ý thức về độc lập…”

Thay vì kiểm tra bài học một cách khô khan, cô Liên đưa tình huống thực tế liên hệ với bài học cho học sinh trả lời.

Từ đó, phương pháp dạy của giáo viên nhà trường cũng thay đổi cho phù hợp với mục tiêu giáo dục mới, không đọc chép, thuyết trình một chiều mà tăng cường tương tác với học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên giữ vai trò định hướng thông qua giảng dạy tích cực. Tăng cường làm việc nhóm, tổ chức trò chơi, dự án, đóng vai nhân vật để học sinh hình dung được bối cảnh lịch sử, trải nghiệm những tình huống lịch sử được tái hiện… nhằm tạo hứng thú trong học tập. Trong kiểm tra kiến thức cũng có thay đổi, không yêu cầu trình bày về kiến thức mà chú trọng đến vận dụng thông hiểu, giải quyết các tình huống thực tế. Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường thăm lớp, dự giờ các tiết dạy Lịch sử 10, tổ chức hội giảng và các cuộc thi như: Rung chuông vàng, Đường lên đỉnh Olympia… tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với hành trình di sản như tham quan K9 Đá Chông, Tượng đài chiến thắng Sông Lô, Bảo tàng quân khu 2, Sư đoàn 316…; mua thêm các thiết bị dạy học Lịch sử mới.

Tại trường THPT Tử Đà, huyện Phù Ninh, ngay trước năm học mới, giáo viên đã được tham gia các lớp tập huấn về sách giáo khoa, cùng nhà trường thống nhất các nội dung, chương trình, kế hoạch bài dạy. Ngoài ra, các thầy cô cũng chủ động, sáng tạo trong dạy học, khai thác các yếu tố mới, phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, phát hiện năng lực học sinh… Thầy Nguyễn Anh Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Tử Đà cho biết: “Mặc dù trong những tiết học đầu, chương trình mới còn nhiều bỡ ngỡ với học sinh, nhưng với sự nỗ lực của giáo viên, tinh thần tích cực, chủ động hợp tác của học sinh đã giúp bài dạy diễn ra hiệu quả, học sinh tiếp thu tốt kiến thức, rèn luyện được nhiều kỹ năng. Bên cạnh đó, chương trình và sách giáo khoa Lịch sử mới được biên soạn theo hướng phát triển năng lực, giảm bớt kênh chữ, tăng kênh hình, hấp dẫn hơn nên giáo viên có nhiều cơ hội để rèn kỹ năng thực hành, năng lực tự học, kích thích sự khám phá, tìm tòi của học sinh. Khi học đi đôi với hành, môn học sẽ không bị nhàm chán, khô khan và học sinh có hứng thú học tập”.

Tiết học môn Lịch Sử của học sinh trường THPT Tử Đà hấp dẫn hơn khi giáo viên sử dụng các hình ảnh minh họa, video sinh động.

Có thể thấy chương trình mới thiết kế khoa học, bảo đảm yêu cầu phát huy phẩm chất, năng lực học sinh, nội dung kiến thức trình bày trong sách giáo khoa ngắn gọn, dễ hiểu, có tính liên hệ thực tiễn tốt. Mặc dù trong những tiết học đầu, chương trình mới còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng với sự nỗ lực của các thầy cô giáo, tinh thần tích cực, chủ động hợp tác của học sinh đã giúp các bài giảng đạt hiệu quả, học sinh tiếp thu tốt kiến thức, rèn luyện được nhiều kỹ năng. Các thầy cô giáo cũng đã nhanh chóng tiếp cận chương trình, làm chủ kiến thức, phương pháp dạy học, tự tin hơn khi truyền tải kiến thức cho các em học sinh...

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/nhung-tiet-hoc-lich-su-hap-dan-theo-chuong-trinh-moi/188930.htm