Những trận đánh không quên nơi chiến trường xưa

Năm nào cũng vậy, cứ đúng dịp 30/4, ông Nguyễn Phương Trâm và ông Cao Trần Ninh ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn lại đến gặp các đồng đội cũ để cùng ôn lại những kỷ niệm về những ngày chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Phương Trâm (trái) và ông Cao Trần Ninh, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn ôn lại những kỷ niệm chiến trường xưa.

Ông Nguyễn Phương Trâm (trái) và ông Cao Trần Ninh, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn ôn lại những kỷ niệm chiến trường xưa.

Ông Nguyễn Phương Trâm sinh 1950, ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh kể: Năm 1966, mới 16 tuổi, nhưng tôi khai tăng thêm 2 tuổi để được tham gia thanh niên xung phong. Đến tháng 7/1967, chuyển sang bộ đội chính quy, sau 3 tháng huấn luyện, tôi vào chiến trường Quân khu 5 (Quảng Nam - Đà Nẵng) tham gia chiến dịch đánh Đà Nẵng ngày 29 Tết Mậu Thân 1968, sau đó đóng quân ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến tháng 1/1976, tôi ra quân về địa phương.

Trong thời gian chiến đấu, ông Trâm hào hứng kể: Tôi nhớ nhất trận đánh thị xã Tam Kỳ. Lúc đó, tôi ở Trung đội trinh sát, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 12, Quân khu 5. Sáng 24/3/1975, cả thị xã Tam Kỳ chìm trong bầu không khí nghẹt thở. Tên Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Đào Mộng Xuân nhận lệnh “Tử thủ Tam Kỳ”. Thời khắc lịch sử đã điểm, quân ta chia làm 2 mũi tiến công; ở mũi tiến công của Trung đoàn 1 có xe tăng dẫn đường thọc sâu xuống quốc lộ, chiếm giữ đầu cầu Tam Kỳ, đánh vào trung tâm huấn luyện. Ở hướng thứ 2, quân ta tấn công quyết liệt sân bay Ngọc Bích, địch dựa vào công sự và xe bọc thép ngoan cố chống cự, chỉ đến khi thấy xe tăng ta xuất hiện mới hoảng loạn tháo chạy. Sau hơn 2 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt Trung đoàn 4 của Sư đoàn 2 ngụy, hoàn toàn làm chủ khu vực phía Tây thị xã. Hướng Cẩm Khê, Cốc Rạng, ta tiêu diệt Liên đội biệt động 12 của ngụy. Các gọng kìm của quân giải phóng đã khép chặt đến 10 giờ 30 phút, ngày 24/3/1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc nhà Tỉnh đường Quảng Tín. Tam Kỳ trở thành Tỉnh lỵ đầu tiên trên dải đất duyên hải miền Trung được giải phóng.

Còn ông Cao Trần Ninh, sinh 1954, quê ở xã Giao Tân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cũng khai tăng thêm 2 tuổi để xung phong được đi bộ đội, huấn luyện 3 tháng ở xã Thanh Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đến tháng 1/1973, biên chế ở C6, D8, Sư đoàn 2 chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, đến tháng 2/1977 xuất ngũ về quê.

Trong nhiều trận đánh, ông Ninh nhớ nhất trận đánh cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước sáng 18/7/1974. Lúc đó, cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước là khu căn cứ phòng thủ đầu não toàn vùng của địch, nơi xuất phát những cuộc càn quét, đánh phá gây nợ máu với nhân dân. Với vị trí chiến lược đó, năm 1967, quân giải phóng đã tấn công tiêu diệt, nhưng không dứt điểm được. Từ đó, Nông Sơn - Trung Phước được quân địch tổ chức thành khu căn cứ mạnh và chúng tuyên bố: “Khi nào nước sông Thu Bồn chảy ngược thì Việt cộng mới chiếm được Nông Sơn”.

Ông Ninh kể lại: Cuộc tấn công của ta bắt đầu lúc 0 giờ, ngày 18/7/1974, đơn vị của tôi phối hợp các mũi tiến công của bộ binh, pháo binh sư đoàn áp chế các trận địa pháo địch từ An Hòa, Đức Dục, Nam Phước, Mậu Thành không cho chúng ngóc đầu phản pháo. Đến 6 giờ, trên bộ, quân ta đã quét sạch các chốt ngoại vi, tiêu diệt và bắt sống 35 trung đội bảo an, dân vệ, 3 phân cục cảnh sát, 6 mâm tề. Dưới sông Thu Bồn, quân địch dùng ca nô tháo chạy, nhưng chân vịt bị vướng vào dây cáp ta giăng sẵn. Bộ đội tiêu diệt và bắt sống hơn 100 tên địch.

Ông Ninh kể tiếp: Đòn tấn công bất ngờ áp đảo của quân ta làm kinh động Chỉ huy Quân đoàn 1 của ngụy. Trời vừa mờ sáng, máy bay lên thẳng của chúng ùa lên đảo vòng, thám sát uy hiếp. Nhưng bọn chúng vừa mon men đến trận địa đã bị đại đội súng máy 12,7mm của Trung đoàn Ba Gia chốt giữ ở núi Khương Quế bắn dữ dội, buộc chúng phải tháo chạy; 8 giờ sáng, khi các mục tiêu ở Nông Sơn hiện rõ trong ống nhòm của trinh sát. Với khẩu hiệu “Đưa pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng”, những loạt đạn pháo của quân ta từ trên những mỏm núi cao dội xuống. Sau một tiếng đồng hồ bắn chế áp, các trận địa pháo trên điểm cao hạ nòng bắn thẳng vào từng lô cốt, ụ súng, công sự theo hướng dẫn của trinh sát. Bọn biệt động quân trong căn cứ Nông Sơn không chịu nổi sức ép của pháo binh ta, lóp ngóp bò ra khỏi miệng hầm, tinh thần hoang mang cực độ. Đến 17 giờ 5 phút, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước, loại khỏi vòng chiến đấu 1.000 tên địch, tiêu diệt 2 tiểu đoàn chủ lực, 2 đại đội bảo an, 3 trung đội dân vệ, nghĩa quân và toàn bộ bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng huyện Nông Sơn với 13.000 dân.

Sau khi xuất ngũ về địa phương, lên Sơn La sinh sống, ông Trâm công tác tại Xí nghiệp vận tải ô tô Sơn La, năm 1986, chuyển về Công ty điện nước huyện Mai Sơn; đến năm 1989 nghỉ hưu. Năm 2000, ông Trâm thành lập Công ty xây dựng Thắng Lợi, chuyên kinh doanh xây dựng công trình giao thông, thủy lợi. Ban đầu, Công ty gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và không có kinh nghiệm quản lý, vì vậy, ông Trâm phải vừa làm, vừa học và đúc rút kinh nghiệm để dẫn dắt Công ty phát triển, có thời điểm Công ty của ông tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương.

Hiện, ông Trâm giao Công ty của gia đình cho các con quản lý, bây giờ ông làm Chủ tịch Hội ngành nghề vận tải ô tô Tây Bắc. Còn ông Cao Trần Ninh chuyên kinh doanh về lĩnh vực tổ chức sự kiện.

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ở lĩnh vực công tác nào, ông Trâm và ông Ninh cũng luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương; tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Đình Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nhung-tran-danh-khong-quen-noi-chien-truong-xua-49834