Những trang sách đang dần được mở

Bên cạnh hệ thống thư viện nhà nước, thư viện trường học và các tổ chức, những năm gần đây, đang dần xuất hiện các thư viện tư nhân, tủ sách gia đình phục vụ bạn đọc miễn phí. Cũng từ đó, thêm nhiều trang sách đang dần được mở ra, cùng những câu chuyện, những tín hiệu tích cực cho tương lai văn hóa đọc nước nhà.

Trao học bổng cho các bạn đọc tích cực tại Thư viện Hồng Châu. Ảnh: LƯU KIM

Trao học bổng cho các bạn đọc tích cực tại Thư viện Hồng Châu. Ảnh: LƯU KIM

Những nỗ lực vì cộng đồng

Được thành lập và đi vào hoạt động khá sớm, từ ngày 18/5/2008 tại địa chỉ số 352, đường Số 8, phường 11, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), đến nay, Thư viện của anh Phạm Thế Cường đã có tới hơn 60.000 cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực. Cùng với việc đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà, bạn đọc còn có điều kiện tham gia các hoạt động câu lạc bộ của người yêu sách, dã ngoại, tham quan, giao lưu với nhiều chủ đề khác nhau. Duy trì một thư viện tư nhân suốt gần 15 năm qua hẳn không dễ dàng, song khi được hỏi về bí quyết, anh Phạm Thế Cường chỉ ngắn gọn: "Tôi tự đúc kết và suy nghĩ, hành động dựa trên mấy yếu tố: thể lực, thời gian, tri thức và tấm lòng. Chỉ cần thiếu một trong đó thì sẽ rất khó làm được".

Vượt lên mọi khó khăn, không gian đọc Hy vọng của anh Đỗ Hà Cừ ở thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) được mở cửa từ ngày 24/7/2015. Đây là một trong chuỗi không gian đọc do anh Trần Thiện Tùng và bạn bè sáng lập suốt thập niên qua. Điều đặc biệt, duy trì không gian đọc với hơn 4.000 cuốn sách tại chỗ và hơn 3.000 cuốn luân chuyển cho các tủ sách khác là nhờ sự nỗ lực tột bậc trên chiếc xe lăn của "thủ thư" Đỗ Hà Cừ. Không ít câu chuyện xúc động về hai mẹ con anh Cừ đã được kể từ đây. Hẳn mỗi ai chứng kiến, nhất là các bạn đọc của Hy vọng khi đến mượn sách đều thấy như được truyền thêm cảm hứng, khi gặp chàng trai nhỏ thó, chân tay co quắp bởi ảnh hưởng của chất độc da cam, đi lại, nói năng rất khó khăn mà vẫn nỗ lực duy trì không gian đọc ý nghĩa cho cộng đồng.

Vài năm nay, bạn đọc địa phương cũng đã khá thân thiết với Tủ sách gia đình Văn Bùi do thầy giáo Bùi Văn Đông, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) sáng lập ngày 21/4/2018. Với hơn 4.000 bản sách thuộc nhiều thể loại, hiện tủ sách đang quản lý khoảng 300 sổ mượn và trả sách. Đối tượng bạn đọc chủ yếu là học sinh, ngoài ra còn có phụ huynh, giáo viên và người cao tuổi trên địa bàn huyện và tỉnh.

Thay đổi bắt đầu từ mỗi cá nhân

Từ trải nghiệm của mình, khi đề cập thực trạng văn hóa đọc, thầy giáo Bùi Văn Đông thẳng thắn: "Điều đáng tiếc là hoạt động của các thư viện công (bao gồm thư viện các trường học, thư viện huyện) rất yếu. Số đầu sách trong các thư viện còn nghèo nàn, chưa phù hợp nhu cầu phong phú của bạn đọc. Trong khi công tác khuyến đọc cũng chưa được quan tâm thỏa đáng. Thêm nữa, nhiều bố mẹ học sinh thiếu quan tâm đến việc đọc sách hoặc không đủ điều kiện tài chính mua sách cho con đọc,…".

Cách khu công nghiệp Phố Nối B không xa, Thư viện Hồng Châu thuộc tổ dân phố Hoàng Lê, phường Phan Đình Phùng, thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) do nhà báo, nhà thơ Khúc Hồng Thiện sáng lập từ giữa năm 2018, hiện giao cho gia đình và chính quyền địa phương quản lý. Một trong những điểm khác biệt của không gian đọc này so nhiều thư viện tư nhân, bên cạnh đối tượng bạn đọc là học sinh, sinh viên, người dân địa phương, thời gian gần đây, Thư viện Hồng Châu đang tích cực xây dựng "tủ sách tinh hoa" với nhiều bản sách thuộc diện quý hiếm, đồng thời hướng quan tâm nhiều hơn đến công nhân trong khu công nghiệp. Theo anh Khúc Văn Thuyết, người trông coi thư viện, tại phòng đọc chính hiện có khoảng 7.000 cuốn sách, và hơn 3.000 cuốn đã luân chuyển tại 11 điểm đọc do thư viện kết nối ở một số địa phương. "Thời gian qua, vừa thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19, vừa tạo điều kiện thoải mái cho bạn đọc, thư viện chủ yếu cho bạn đọc mượn sách về nhà, trong đó có nhiều người là công nhân trong khu công nghiệp, đồng thời gửi tặng sách các nơi khác. Vợ chồng tôi cũng là công nhân nên biết, thời gian eo hẹp, để thật sự quan tâm đến sách đòi hỏi các bậc cha mẹ cần phải nỗ lực rất nhiều, bớt đi những sở thích cá nhân như lướt Facebook, TikTok hay hát karaoke"-anh Thuyết chia sẻ.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu đa dạng, nhằm mở rộng chia sẻ, giao lưu, kết nối trên nền tảng số, đã có một số không gian đọc tư nhân mở thêm kênh tương tác trực tuyến, từ các website đến trang cá nhân và nhóm trên mạng xã hội, vừa tiết kiệm chi phí, nhân lực và cơ sở vật chất lại vừa có khả năng duy trì và phát triển những trao đổi cởi mở về sách và văn hóa đọc. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên cả nước, có khoảng hơn 40 thư viện tư nhân, tủ sách gia đình phục vụ bạn đọc miễn phí đang được duy trì và hoạt động tốt.

Phạm Đặng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-trang-sach-dang-dan-duoc-mo-post693133.html