Những triền đồi 'thay áo mới' của đồng bào dân tộc thiểu số ở Than Uyên
Men theo con đường uốn lượn giữa thung lũng xã Hua Nà, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), không khó để bắt gặp những nương chè mướt xanh, những cánh đồng lúa dẻo thơm trải dài ngút tầm mắt, đang từng ngày đem đến cuộc sống ấm no cho người dân địa phương.
Chứng kiến diện mạo nông nghiệp đầy khởi sắc trên địa bàn Hua Nà hiện tại, ít ai ngờ rằng nơi đây từng là vùng đất nghèo bậc nhất tỉnh. Bà con dân tộc Thái, Mông, Dao nơi đây, từ tập quán canh tác nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, đã và đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa.
Mở cánh cửa thoát nghèo
Câu chuyện bắt đầu từ những năm 2015, khi huyện Than Uyên triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Những lớp tập huấn, những buổi tuyên truyền bằng tiếng dân tộc được tổ chức ngay tại bản làng, giúp người dân dần hiểu được giá trị của sản xuất hàng hóa, liên kết thị trường và ứng dụng kỹ thuật.
Anh Lò Văn Chum, người Thái, thành viên HTX Nông nghiệp xanh Hua Nà, kể: “Ngày trước trồng lúa chỉ đủ ăn, trẻ con đi học cũng phải bán lợn, bán gà. Giờ mỗi vụ, tôi bán ra 5-6 tấn thóc nếp tan thơm, được thương lái vào tận nhà thu mua”.

Thay đổi tư duy sản xuất giúp nông dân, HTX ở Than Uyên nâng cao giá trị canh tác.
HTX Nông nghiệp xanh Hua Nà là một trong những mô hình điển hình trong chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa ở Than Uyên. Thành lập năm 2020 với 12 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã mở rộng lên hơn 50 hộ tham gia, chủ yếu là người Thái và người Mông.
Kể từ khi thành lập đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, HTX không chỉ hỗ trợ giống, phân bón mà còn hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu “Gạo nếp tan Hua Nà”, kết nối tiêu thụ với các siêu thị và sàn thương mại điện tử.
“Làm nông giờ không chỉ là cày cuốc mà phải biết làm kinh tế. Có HTX, có đầu ra, người dân yên tâm đầu tư sản xuất lớn”, đại diện HTX Nông nghiệp xanh Hua Nà, chia sẻ.
Từ Hua Nà, vượt đèo lên xã Tà Mung – nơi nổi tiếng với vùng chè Shan Tuyết cổ thụ. Dưới những tán chè xanh ngắt, chị Lò Thị Mẩy (người Dao) miệt mài thu hái búp chè non.
Nhờ sự dẫn dắt của HTX Chè Tà Mung, chị Mẩy cùng hàng trăm hộ dân trong vùng đã có công việc ổn định quanh năm. “Ngày thường thì hái chè, lúc rảnh thì phụ chế biến, đóng gói. Mỗi tháng tôi cũng được hơn 4 triệu, lại gần nhà nên chăm con cũng tiện”, chị Mẩy vui vẻ nói.
Dùng tri thức kết nối bản làng
HTX Chè Tà Mung được thành lập từ năm 2018, hoạt động theo chuỗi khép kín từ vùng nguyên liệu, thu hái đến chế biến và tiêu thụ. Nhờ liên kết với các doanh nghiệp, HTX đã đưa sản phẩm chè Tà Mung ra thị trường Hà Nội, TP.HCM và xuất khẩu sang một số nước châu Á.
Đặc biệt, HTX Chè Tà Mung còn chú trọng bảo tồn giống chè cổ, sản xuất theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm. Thành công của HTX không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn góp phần quan trọng thay đổi tư duy sản xuất, khơi dậy tinh thần làm chủ của thành viên, người lao động.
Nói đến thành công của các HTX cũng không thể không nhắc đến HTX Nông nghiệp bản Nậm Mặn (xã Mường Mít), hiện đang trồng rau, lúa hữu cơ và nuôi cá lồng.
Đặc biệt, mô hình “1 hộ 2 việc” được HTX áp dụng hiệu quả, tham gia mô hình, người dân vừa làm ruộng, vừa có thêm việc sơ chế, đóng gói nông sản cho HTX. Mỗi năm, HTX tạo việc làm thường xuyên cho gần 60 lao động, hầu hết là người Mông và Dao, thu nhập trung bình 4-6 triệu đồng/tháng.

Huyện Than Uyên đang đẩy mạnh chính sách hỗ trợ nông dân, HTX phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Thành công hiện tại của HTX Nậm Mặn phải kể đến sự nỗ lực, sáng tạo không biết mệt mỏi của một chàng trai trẻ người Mông mang tên Vàng A Dế. Sau nhiều năm học tập và làm việc ở Hà Nội, anh A Dế quyết định trở về quê khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ và liên kết các hộ dân địa phương thành lập HTX.
“Bà con mình đất thì nhiều nhưng chưa biết cách làm ra sản phẩm chất lượng cao. Tôi muốn giúp bà con làm nông nghiệp có khoa học, có thương hiệu, có đầu ra ổn định”, Giám đốc HTX Nâm Mặn Vàng A Dế chia sẻ.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Than Uyên, sự trở về của những người trẻ như anh Vàng A Dế không chỉ mang theo kiến thức mới, mà còn là cầu nối giữa bản làng và thị trường. Họ biết sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, biết tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, biết cách kể câu chuyện văn hóa dân tộc gắn liền với sản phẩm nông nghiệp bản địa.
Tương lai tươi sáng trên những bản làng
Dễ thấy, từ chỗ sản xuất manh mún, tự phát, giờ đây nhiều bản làng ở Than Uyên đã có sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa rõ nét. Không ít HTX đã trở thành đầu tàu liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ, giúp người dân yên tâm canh tác theo quy hoạch và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo thống kê, hiện nay có hơn 1.200 hộ dân tộc thiểu số tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác, chiếm trên 70% tổng thành viên HTX toàn huyện. Nhiều HTX không chỉ tạo sinh kế mà còn giúp bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa, gìn giữ văn hóa cộng đồng gắn với phát triển kinh tế.
Để có thành công hiện tại, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của địa phương, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực tại huyện Than Uyên.
Điển hình, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho nhiều HTX tham quan, học hỏi kinh nghiệm, tham gia hội chợ thương mại trong nước và quốc tế, cũng như các chương trình khoa học kỹ thuật. Điều này giúp các HTX mở rộng hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài huyện
Cùng với đó, các cấp Liên minh HTX Việt Nam thông qua các cấp (trung ương và địa phương) đã hỗ trợ bà con các dân tộc thiểu số tại Than Uyên thành lập các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, chế biến, chăn nuôi...
Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh tỉnh cũng làm cầu nối giúp các HTX trên địa bàn huyện Than Uyên tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và địa phương; Hướng dẫn các HTX lập dự án sản xuất, phương án kinh doanh để đủ điều kiện vay vốn…
Có thể nói, hành trình chuyển đổi nông nghiệp ở Than Uyên không dễ dàng. Khó khăn về vốn, trình độ, tập quán canh tác lạc hậu… vẫn là những lực cản. Nhưng những đổi thay từ thực tiễn đã chứng minh rằng: khi người dân được trao cơ hội, khi có mô hình phù hợp và được hỗ trợ kịp thời, họ sẽ chủ động làm chủ cuộc sống của mình.
Trên những nương chè xanh, cánh đồng lúa chín vàng và những xưởng chế biến rộn ràng tiếng cười, một tương lai mới đang dần hiện lên – tương lai của những bản làng no ấm, của nông nghiệp hàng hóa gắn với bản sắc dân tộc.