Đạo đức và trách nhiệm trước sữa giả

Vụ việc gần 600 mặt hàng sữa giả vừa được cơ quan Công an phanh phui trên thị trường đã phơi bày những 'lỗ hổng' đáng báo động trong quản lý thực phẩm dinh dưỡng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.

Diễn biến vụ sữa giả không dừng ở nhóm doanh nghiệp, đối tượng phạm tội, tình trạng quảng cáo tràn lan trên môi trường thương mại điện tử, mà đặt dấu hỏi lớn về đạo đức, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong cấp phép, hậu kiểm và phân phối sản phẩm. Nếu cơ quan Công an không phanh phui kịp thời, sữa hay các sản phẩm dinh dưỡng giả sẽ tiếp tục len lỏi vào mọi lĩnh vực đời sống ngoài bệnh viện.

Có nhiều nguyên nhân “tiếp tay” cho sữa giả tồn tại lâu nay, nhưng tựu chung lại là do lợi nhuận khổng lồ từ ngành công nghiệp sữa và sự buông lỏng quản lý, thiếu giám sát của các kênh phân phối sản phẩm. Nhu cầu cao về sữa, đặc biệt là sữa công thức cho trẻ em, người già, người bệnh, đã thúc đẩy nhiều các đối tượng sẵn sàng sản xuất hàng giả.

Theo thống kê của Bộ Công thương, quy mô thị trường sữa Việt Nam hàng năm ước đạt doanh thu từ 8 - 8,5 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 30 - 35% thị trường, sữa công thức phần lớn là các sản phẩm dành cho trẻ em từ 0 - 36 tháng tuổi, bà bầu, người cao tuổi, người bệnh… Đó cũng là lý do các hãng sữa lựa chọn bệnh viện làm "thị trường chiến lược", bởi đối với những đối tượng tiêu dùng đặc thù, khuyến nghị từ nhân viên y tế và “người nổi tiếng” nói về công dụng của sữa đảm bảo sức nặng an tâm.

Vụ sữa giả vừa qua gióng hồi chuông báo động tới các cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường thực phẩm chức năng, sữa giả. Rõ ràng, công tác cấp phép và hậu kiểm lỏng lẻo là cánh cửa để sữa giả lộng hành. Nếu có biện pháp mạnh tay, từ kiểm tra thực tế đến xử lý nghiêm minh, các đối tượng sẽ không có đất dụng võ. Đây cũng là dịp để người tiêu dùng nhìn nhận lại cách tiêu thụ sữa công thức lâu nay. Việc phụ thuộc vào sữa công thức, đôi khi được quảng bá như "thần dược" cho sức khỏe, đã che mờ thực tế: Một chế độ dinh dưỡng khoa học từ thực phẩm tự nhiên hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng mà không cần lạm dụng sữa.

Đối với mỗi loại sản phẩm sữa, nhà sản xuất có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm trước khi cung cấp ra thị trường an toàn, chất lượng, cần thực hiện giám sát các quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà sản xuất đều tuân thủ tốt quy trình, không ít nhà sản xuất vì lợi nhuận đã cắt giảm chi phí, dẫn đến việc đưa các sản phẩm giả vào thị trường.

Trong khi đó, cơ quan chức năng đóng vai trò quan trọng trong giám sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm trên thị trường, nếu các cơ quan liên quan không thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, chặt chẽ, sữa giả sẽ vẫn tồn tại. Vì vậy, cần có các biện pháp mạnh tay hơn trong việc phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm; đồng thời, cần có những chương trình giáo dục cộng đồng để nâng cao nhận thức người tiêu dùng về sản phẩm sữa.

Cũng phải nói đến trách nhiệm của người tiêu dùng ở khía cạnh thường xuyên nâng cao ý thức và trách nhiệm trong lựa chọn sản phẩm. Việc tìm hiểu kỹ nguồn gốc, thành phần, giá cả của sản phẩm có vai trò quan trọng với sức khỏe bản thân. Người tiêu dùng cần cảnh giác với những sản phẩm có giá rẻ hoặc các quảng cáo mang tính chất "hứa hẹn" quá mức, vì đây là dấu hiệu của hàng giả. Ngoài ra, vấn đề truyền thông cũng giữ vai trò “mắt xích” trong cuộc chiến chống lại nạn sữa giả. Các phương tiện truyền thông cần cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt đâu là sản phẩm thật, đâu là sản phẩm giả. Việc tạo ra các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ về tác hại của sữa giả cũng là một giải pháp cần thiết để nâng cao nhận thức cộng đồng và không thể mang danh dự truyền thông đánh đổi lợi ích cá nhân, phớt lờ sức khỏe người tiêu dùng.

Nạn sữa giả không chỉ là vấn đề của riêng một ngành hàng, mà là mối quan tâm của toàn xã hội, nhất là đối với sức khỏe cộng đồng. Để giải quyết vấn đề, ngoài sự chung tay vào cuộc của nhà sản xuất, cơ quan chức năng, người tiêu dùng và truyền thông, cần nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 15/2018/CP về bắt buộc hậu kiểm thực tế sản phẩm và cơ sở sản xuất, lấy mẫu ngẫu nhiên từ thị trường và kiểm tra định kỳ tại nhà máy, ưu tiên sữa cho trẻ sơ sinh, bà bầu và người bệnh. Mặt khác, cần cải cách đấu thầu và giám sát bệnh viện khi phân phối tiêu thụ những sản phẩm liên quan đến sức khỏe và “cấm” các hãng sữa tiếp xúc trực tiếp với nhân viên y tế, người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhằm nhận “hoa hồng” bất hợp pháp…

Tiến Hiếu/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/dao-duc-va-trach-nhiem-truoc-sua-gia-20250423141526261.htm