Những triệu chứng báo hiệu sự tồn tại của tế bào ung thư

Thường xuyên có triệu chứng đau quặn bụng dưới vào buổi sáng và tối, anh K. cho rằng bị sỏi bàng quang.

Anh N.Đ.K (46 tuổi, trú tại Bắc Ninh) đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám. Tại Trung tâm Tiêu hóa và Gan mật, bác sĩ nội soi phát hiện khối u to ở đại tràng gây bít tắc và nghi ngờ ung thư xâm lấn, cần cắt bỏ đoạn đại tràng tổn thương.

Trước đó, anh K. thường xuyên đau quặn bụng dưới phần bàng quang và nghĩ bị sỏi thận, bàng quang vì có thêm dấu hiệu tiểu rắt. Triệu chứng đau bụng xuất hiện nhiều vào buổi sáng và tối. Ngoài ra, anh còn đại tiện khó, không hết phân. Anh đi mua thuốc nam uống trị sỏi thận nhưng không thuyên giảm. Khi tình trạng đau ngày càng nặng hơn, theo cơn toàn bộ bụng dưới, anh K. mới đến bệnh viện kiểm tra.

Trên hình ảnh nội soi, bề mặt khối u mất cấu trúc, bít tắc lòng đại tràng. Khối u to chiếm hết chu vi đại tràng, gây táo bón, muốn đi ngoài. U chèn ép gây tăng cường co bóp nên cảm giác đau bụng quặn theo cơn.

Các bác sĩ nội soi cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phương Thúy.

Các bác sĩ nội soi cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phương Thúy.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Công Long - Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa và Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư đại tràng là loại ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh, trong đó phải kể đến các bệnh lý tiền ung thư, yếu tố di truyền, môi trường. Người mắc các bệnh viêm ruột như viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn, polyp cần được giám sát chặt chẽ. Các hội chứng di truyền liên quan sự phát triển của ung thư như bệnh polyp đại trực tràng có tính chất gia đình (FAP), hội chứng ung thư có tính chất di truyền (Lynch I và II) chiếm 5%, có quan hệ huyết thống trực tiếp chiếm 20% và các trường hợp riêng lẻ chiếm 75%. Ngoài ra, lối sống hiện đại, ăn thịt đỏ, uống rượu và béo phì có liên quan đến nguy cơ mắc cao hơn.

Nếu ung thư đại tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ tiên lượng sống được trên 5 năm lên tới 90%. Nhiều người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.

Các dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh:

1. Giảm cân bất thường: Nếu không phải do tập luyện hay ăn kiêng mà cơ thể đột ngột sút cân bạn không nên chủ quan. Rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.

2. Đi ngoài ra máu: Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân. Toàn thân gầy ốm, số lần đại tiện tăng lên, khi táo bón, lúc tiêu chảy. Đây là dấu hiệu điển hình của nhiều bệnh tiêu hóa nguy hiểm trong đó có ung thư đại tràng

3. Mệt mỏi và suy nhược cơ thể: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất. Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng không rõ nguyên nhân.

4. Các rối loạn liên quan bài tiết phân: Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa. Do đó, ở giai đoạn sớm, người bệnh thường bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như táo bón, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài.

5. Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Một số dấu hiệu thường gặp như đau quặn bụng, đau râm ran, chán ăn, khó tiêu, đầy chướng bụng, ăn không ngon, đi ngoài nhiều lần là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn. Trong một vài trường hợp, đó là báo hiệu sự tồn tại của các khối u ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-trieu-chung-bao-hieu-su-ton-tai-cua-te-bao-ung-thu-2295549.html