Những trở ngại mà kinh tế thế giới phải đối mặt trong quý cuối cùng của năm 2021
Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào quý cuối cùng của năm 2021 với vô số những thách thức có thể làm chậm đà phục hồi sau suy thoái do đại dịch.
Biến thể Delta lan rộng tiếp tục phá vỡ việc quay trở lại trường học và nơi làm việc trên toàn cầu. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang tranh cãi về mức trần nợ công và kế hoạch chi tiêu. Trung Quốc đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và "bom nợ" bất động sản, bên cạnh những hệ quả từ việc siết chặt quy định khi theo đuổi “sự thịnh vượng chung”.
Trong khi đó, chi phí nhiên liệu và thực phẩm đang tăng cao trên toàn thế giới, kết hợp với các cảng bị tắc nghẽn và chuỗi cung ứng đình trệ làm tăng áp lực giá cả. Tình trạng thiếu lao động tiếp tục xảy ra tại các khu vực chưa kiểm soát được dịch bệnh.
Sự kết hợp của các yếu tố nêu trên đang đe dọa tốc độ tăng trưởng và gia tăng nguy cơ lạm phát, có thể dẫn đến sự sụp đổ của các chương trình kích thích kinh tế mà nhiều ngân hàng trung ương dự định triển khai.
Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc ở Hồng Kông, cho biết: “Không thể kỳ vọng nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi đại dịch. Sẽ mất hàng năm thay vì hàng quý để kinh tế phục hồi hoàn toàn”.
Những khó khăn tại Trung Quốc
Khan hiếm năng lượng khiến các doanh nghiệp đặt tại Trung Quốc phải hạn chế sản xuất, dẫn tới dự báo tăng trưởng của quốc gia này bị cắt giảm. Bloomberg Economics cho rằng tình trạng thiếu điện sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến việc mở rộng kinh tế so với thời điểm Trung Quốc phải phong tỏa toàn quốc khi đại dịch bùng phát lần đầu.
Các khu vực bị ảnh hưởng do thiếu điện chiếm 2/3 quy mô nền kinh tế và bao gồm năm tỉnh đóng góp nhiều nhất vào GDP của Trung Quốc là Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, Chiết Giang và Hà Nam.
Trong tháng 9, sản lượng của các nhà máy đã giảm lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu. Điều này cùng với những nguy cơ từ bom nợ bất động sản Evergrande, nhà phát triển nợ nhiều nhất thế giới, đã kéo theo sự suy thoái rộng hơn trong lĩnh vực nhà ở vốn là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc siết chặt quy định với các ngành kinh tế, bao gồm cả công nghệ, cũng đang khiến nhà đầu tư vô cùng lo lắng.
Giá thực phẩm và năng lượng đắt đỏ
Các vấn đề về năng lượng của Trung Quốc cũng có nguy cơ gây ra một đợt tăng giá mới trong ngành nông nghiệp và giá lương thực thế giới, khi nước này giảm sản lượng từ ngô, đậu nành đến lạc và bông.
Trong năm qua, Bắc Kinh đã phải nhập khẩu một lượng nông sản kỷ lục do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước, khiến giá cả và chi phí lương thực toàn cầu vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm. Chỉ số giá của Liên hợp quốc đã tăng 33% trong vòng 12 tháng qua. Đồng thời, giá khí đốt, than, carbon và điện đang đạt mức kỷ lục. Giá dầu vượt mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên sau 3 năm và khí đốt tự nhiên có giá đắt nhất trong 7 năm.
Patrick Pouyanne, Giám đốc điều hành của TotalEnergies SE cho biết cuộc khủng hoảng khí đốt đang ảnh hưởng đến châu Âu có thể sẽ kéo dài trong cả mùa đông. Mọi chuyện thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn. Các nhà phân tích của Bank of America đang dự báo giá dầu có khả năng đạt 100 đô la và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tắc nghẽn nguồn cung
Khi mùa đông ở bán cầu bắc đang đến gần, biến thể Delta còn mang lại một nỗi lo khác. Hàng hóa bị tắc nghẽn tại các cảng quốc tế từ Thượng Hải đến Los Angeles, các tuyến đường sắt ở Chicago, và các nhà kho tại Anh. Các nhà bán lẻ đang đặt hàng mọi thứ có thể để đảm bảo các kệ hàng luôn có hàng, đặc biệt là khi mùa mua sắm cao điểm vào dịp lễ hội cuối năm đang đến gần.
Trong khi đó, các nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng các chi tiết và nguyên liệu quan trọng như chất bán dẫn, hóa chất và thủy tinh. Công ty DP World tại Dubai, một trong những nhà khai thác cảng lớn nhất thế giới, dự báo rằng dòng chảy thương mại vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng trong vòng hai năm tới. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt lao động trong một số ngành công nghiệp cũng chứng tỏ mức độ ảnh hưởng lớn lên hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nợ công cao kỷ lục
Các chính sách kinh tế của Hoa Kỳ có thể thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy chương trình nghị sự trị giá hơn 4.000 tỷ đô la để giúp nước Mỹ phục hồi sau đại dịch, bao gồm tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và một loạt các dự án đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng quốc gia.
Tuy vậy, ông Biden đang gặp khó khi chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ cạn ngân sách vào ngày 18.10 nếu Quốc hội nước này không nâng mức trần nợ công. Thông tin được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra vào ngày 28.9 trong thư gửi các nhà lãnh đạo cơ quan lập pháp của nước này.
Trên toàn cầu, hỗ trợ chính sách tài khóa sẽ chậm lại vào năm 2022 sau khi các chính phủ gánh khoản nợ lớn nhất kể từ những năm 1970.
Chính sách tiền tệ
Cả ông Biden và bà Yellen cũng phải quyết định xem có nên tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai của ông Jerome Powell với vai trò là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay không. Đối với ông Powell và những người đồng cấp quốc tế, sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm lại và lạm phát tăng cao là một thách thức.
Ngày thứ Sáu tuần qua, lạm phát khu vực đồng euro ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong vòng 13 năm trong khi lạm phát hàng năm tại Mỹ tăng cao nhất kể từ năm 1991. Hiện tại, ông Powell và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đang bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng lạm phát sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lo ngại tính thời điểm của dự báo này và lạm phát có thể trở nên dai dẳng. Điều này khiến kế hoạch giảm mua trái phiếu hoặc tăng lãi suất trở thành một đề xuất rủi ro.
Nhiều ngân hàng trung ương tại khu vực Mỹ Latinh và một số ngân hàng ở Đông Âu đã tăng lãi suất. Na Uy vừa trở thành quốc gia phát triển đầu tiên làm điều này. Trong khi đó, FED cho thấy họ có thể dừng chương trình mua trái phiếu ngay sau tháng 11.
Chiến lược gia Jim Reid của Deutsche Bank AG cho rằng nền kinh tế thế giới có thể đang đối mặt với thời kỳ cắt giảm liên quan tới các chính sách tiền tệ nhiều nhất trong vòng một thập kỷ.
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết: “Các ngân hàng trung ương đang chơi với lửa khi tiến hành tapering (ám chỉ việc giảm mua trái phiếu kho bạc dài hạn và chứng khoán thế chấp, từ đó hạ chi phí đi vay và bơm tiền mặt vào hệ thống kinh tế) để giảm bớt áp lực lạm phát mà không hiểu được họ đang đứng ở đâu trong chu kỳ kinh tế”.
Lam Vy (Theo Bloomberg)