Những trường hợp không được cạo gió vì có thể gây chết người
Cạo gió là phương pháp cổ truyền để được sử dụng khi cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, đau nhức. Tuy nhiên, có một số trường hợp sẽ rất nguy hiểm nếu dùng cách chữa bệnh này.
Vị trí cạo gió
Thông thường, vị trí chính để cạo gió là hai bên đường dọc cột sống. Đó là hai bên của đường bàng quang kinh, trên đoạn dọc cột sống thắt lưng là vị trí của các huyệt: Phế du, Tâm du, Cách du, Tỳ du, Vị du, Thận du Đại trường du, Khí hải du Tiểu trường du, Phách hộ, Cao hoang, Thần đường, Cách quan... Khi tác động lên hai dãy cơ đó, chính là kích thích lên hàng loạt các hoạt động của hệ thống lục phủ ngũ tạng của cơ thể, giúp cơ thể điều hòa lại sự mất quân bình khí huyết âm dương trong cơ thể, nâng cao chính khí, trục đuổi tà khí đang manh nha xâm nhập vào cơ thể.
Theo y học cổ truyền, bàng quang kinh chủ trị các chứng sốt lạnh, nghẹt mũi, đau đầu, cứng cổ, đau thắt lưng, và các huyệt tương ứng với từng tạng phủ, có tác dụng lý khí điều huyết. Do đó khi cạo gió dọc theo hệ thống kinh bàng quang, cũng là tác động một phần lên toàn hệ thống cơ thể, có tác dụng bổ chính khí, khu trục tà khí, nhằm tăng cường các hoạt động chức năng của cơ thể.
Ngoài phương pháp cạo gió, thầy thuốc y học cổ truyền còn có thể sử dụng kỹ thuật xoa bóp, day, lăn, miết, bấm …hoặc giác hơi, lên vùng lưng trong những trường hợp bệnh lý tương tự cũng đạt hiệu quả như cạo gió.
Chú ý không nên cạo quá lâu và không dùng lực quá mạnh khiến cho da bị xước hoặc xuất huyết làm bệnh nhân đau đớn và rát bỏng nhiều ngày. Dụng cụ cạo gió cần cầm thẳng không nên cầm nghiêng vì dễ gây xuất huyết. Không cho bệnh nhân đi ra ngoài ngay sau khi cạo gió để tránh bị cảm lại.
Không nên sử dụng dầu xoa mà thành phần của nó có tinh dầu bạc hà (menthol), vì đây là tinh dầu có tính chất bốc hơi nhanh nên gây cảm giác mát lạnh. Khi xoa dầu, ban đầu cảm thấy ấm nóng nhưng một lúc sau thì cảm thấy mát và lạnh vùng được xoa dầu.
Không dùng vật sắc cạnh, cứng để cạo gió, vì dễ gây tổn thương da, có nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm một số bệnh lây lan qua đường máu. Tốt nhất nên sử dụng vật cạo là củ gừng được cắt bằng ở đầu, dùng đầu gừng cạo, khi tà đầu thì cắt ngang bỏ, tạo đầu mới, vừa an toàn vừa sử dụng được tinh dầu gừng có tính ấm, nóng.
Một số trường hợp không được cạo gió
Trẻ em là đối tượng chống chỉ định với mọi hình thức cạo gió. Cách an toàn nhất là xoa dầu. Da của trẻ rất non và mỏng nên rất dễ hỏng da, khí huyết cũng rất yếu sẽ không chịu được nhiệt độ cao khi cạo gió. Ngoài ra, người bị bệnh tim, cao huyết áp, phụ nữ có thai và người bị các bệnh da liễu ở những vị trí cần cạo gió cũng là những đối tượng tuyệt đối không nên tiến hành cạo gió dưới bất kỳ trường hợp cảm nào.
Thông thường, chỉ những người bị cảm phong hàn, hàn tà đang nằm ở phần biểu người ta mới tiến hành cạo gió, đánh cảm. Những trường hợp bị cảm phong nhiệt thì tuyệt đối không cạo gió, đánh cảm mà phải điều trị bằng thuốc. Người bị cảm phong nhiệt ra mồ hôi cũng không thể đánh gió…
Không khó để phân biệt cảm phong hàn và cảm phong nhiệt. Người bị cảm phong hàn thông thường có triệu chứng đau đầu, chảy nước mũi trong, ớn rét. Người bị cảm phong nhiệt thường có biểu hiện đau họng, miệng khô, sốt nóng, ra mồ hôi, sợ gió, ho có đờm, đau lưng, miệng khô, khát, nước tiểu vàng,…
Theo Tinmoi.vn/NĐT