Những tư liệu mới về thành phủ Tây Ninh (tiếp theo và hết)

Trước khi có những căn cứ xác định vị trí phủ cũ, xin tiếp tục theo chân Võ Nguyên Phong về diễn tiến xây dựng và phát triển phủ mới, sau là thành phủ Tây Ninh.

Tòa nhà cổ cuối cùng trong “thành Săng-đá”.

Tòa nhà cổ cuối cùng trong “thành Săng-đá”.

Ngoài những tư liệu chúng tôi từng trích dẫn trong 2 cuốn sử rất cơ bản của Quốc sử quán triều Nguyễn khi viết về ngôi thành này (đã đăng trên Báo Tây Ninh), Võ Nguyên Phong còn tìm được tư liệu mới về một ngôi thành đất. Đấy là trong bộ sách “Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ” (Nxb Thuận Hóa), có đoạn: “Thành đất phủ Tây Ninh ở (huyện) Tân Ninh phủ ấy, chu vi 82 trượng 4 thước 4 tấc, cao 7 thước 2 tấc, ba cửa; hào rộng 4 trượng 5 thước.

Đắp năm Minh Mạng thứ 17…”. So với thông tin về thành phủ Tây Ninh có trong 2 cuốn sách “Đại Nam thực lục” và “Đại Nam nhất thống chí”, thì ngôi thành đất này khá nhỏ. Chu vi kể trên phiên ra hệ mét, chỉ có khoảng 350 mét. Thành cổ thường hình vuông, nên mỗi cạnh chỉ dài 87 mét. Trong khi ở các tài liệu đã kể thì thành phủ Tây Ninh có chu vi 800m, mỗi cạnh của bờ thành dài 200 mét. Quá khác xa nhau!

Đến đây, cần đọc lại đoạn văn mô tả phủ Tây Ninh lúc ban đầu (1836) trong sách “Đại Nam thực lục”. Đấy là: “Tháng 7 Bính Thân (1836): nay đặt phủ Tây Ninh kiêm lý huyện Tân Ninh. Nhân cái đồn bảo cũ, chữa cao rộng thêm, để làm thành phủ thành…

Phủ thành Tây Ninh thông thủy rộng 32 trượng, thân thành dày 1 trượng, cao 7 thước 2 tấc, có 3 cửa…”. Đoạn trích có nhắc tới “cái đồn bảo cũ, chữa cao rộng thêm…”. Vậy đồn bảo cũ này có phải chính là ngôi thành đất, mỗi cạnh chỉ dài 87 mét kể trên? Sau khi sửa chữa, cơi nới mới có kích thước “thông thủy rộng 32 trượng”, tức là 136 mét.

Tác giả Võ Nguyên Phong cũng dự đoán đấy là “đồn cũ Xỉ Khê”. Nếu vậy, đó vẫn là ngôi phủ cũ ở bên hữu ngạn rạch Tây Ninh, thuộc thôn Thanh Điền. Thêm một chứng cứ, tư liệu mới nữa về “Phủ Cũ”. Từ đó, có thể suy luận khá chắc chắn, là đến năm 1838, mới chuyển hẳn thành phủ Tây Ninh về thôn Khang Ninh và được xây mới hoàn toàn, đúng theo kích thước triều đình quy định.

Võ Nguyên Phong cho người đọc một tình tiết mới, đấy là đoạn trích trong sách “Đại Nam thực lục”, vào tháng 11 năm Canh Tý (1840): “Tổng đốc Định-Biên là Nguyễn Văn Trọng tiến đến phủ thành Tây Ninh, về 2 mặt tiền và hữu phủ thành, địa phận rừng rú, giặc đều dựng đồn chiếm giữ…”.

Ông Tổng đốc của cả 2 tỉnh lớn nhất ở miền Nam khi ấy, lên Tây Ninh để làm gì? Dương Công Đức trong sách “Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam” (Nxb Tri thức, 2019) cho biết, đấy là trong cuộc Chiến tranh Đại Nam - Chân Lạp - Xiêm La vào các năm 1834- 1842. Khi ấy: “Tại Gia Định, Tổng đốc Định-Biên Nguyễn Văn Trọng cùng lãnh binh Ngô Văn Giai đem hơn 400 biền binh lên đóng giữ thành phủ Tây Ninh. Bấy giờ khu vực thành phủ Tây Ninh bốn bề đều là rừng rậm, quân nổi loạn dựng căn cứ xung quanh…”.

Chúng tôi chép lại đoạn này, cốt để bổ sung và bàn lại với Võ Nguyên Phong. Vì từ đoạn trích trong “Đại Nam thực lục”, ông lại suy luận rằng: “Mặt tiền và mặt hữu thành phủ Tây Ninh giáp với rừng rậm, có thể phỏng đoán đó là hướng bắc và hướng đông…”.

Cần hiểu lại câu trích trên cho đúng. Đấy là Tổng đốc tiến đến thành phủ Tây Ninh, về (hoặc vào) hai cửa ở mặt tiền và mặt hữu. Chính là cửa chính quay về hướng Nam, có con đường sứ chạy qua; và cửa ở hướng Tây- phía có rạch Tây Ninh, đến nay vẫn còn dấu vết cổng của thành Săng-đá sau khi Pháp chiếm.

Do vậy, không thể có mặt tiền nào ở hướng Bắc cả. Và không chỉ có 2 hướng Bắc và Đông là rừng rậm, mà cả “bốn bề đều là rừng rậm” như Dương Công Đức đã mô tả. Một lần nữa xin khẳng định rằng mặt tiền thành phủ Tây Ninh luôn hướng về phía Nam, kể cả thời nhà Nguyễn đến sau này, khi đã là thành Săng-đá của Pháp, hay thành Nguyễn Huệ thời chế độ Sài Gòn.

Cầu Quan trước năm 1924.

Cầu Quan trước năm 1924.

Ngoài những chi tiết mới đã kể, tác giả còn cung cấp cho bạn đọc những hình ảnh, tư liệu mới tìm trong các sách của người Pháp (tác phẩm của bác sĩ Baurac,1899). Đấy là: “Trụ sở quân sự Tây Ninh được xây trên một ngọn đồi nhỏ, có thể chia thành 3 phần: pháo đài với bức tường xung quanh và một mương xây lớn; dinh tham biện với xung quanh tập hợp tất cả các nhà ở của người Âu; và giới giàu có người bản địa, nằm dọc hai bờ rạch Tây Ninh…”.

Còn trong một cuốn sách viết năm 1938 về tỉnh Tây Ninh, tác giả Pierrede la Giraudìere cho biết: “Trụ sở quân sự hiện tại của Tây Ninh được công binh xây dựng vào năm 1878-1879… Nó được đặt tại vị trí con dốc bắt nguồn từ con đường Trảng Bàng, hướng về phía Tây Ninh (con đường sứ, Cách Mạng Tháng Tám ngày nay- TV), nơi cách đó 150 mét.

Bức tường xung quanh có hình vuông rộng 125 mét, xuyên qua những kẽ hở (lỗ châu mai- TV), và có hai pháo đài sườn ở góc Bắc và Nam. Công trình bao gồm bốn tòa nhà và nhà phụ của họ, chỗ ở của quân lính, bệnh xá, một tòa nhà sĩ quan cả ba đều có hai tầng, và một tòa nhà sĩ quan không có tầng… Trụ sở này nằm trên vị trí của pháo đài cũ của người An Nam, nó ở vào nơi đầu tiên chỉ có những túp lều rơm qua nhiều lần bị phá hủy và xây dựng lại, cho đến khi xây dựng các tòa nhà hiện tại…”

Với những tài liệu quý giá, tác giả đã dày công sưu tầm, kể cả các bản đồ thành phố Tây Ninh (1879) và đồn Tây Ninh (1874) của Viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội, Võ Nguyên Phong cho rằng: thành phủ Tây Ninh có dạng hình vuông theo hình thức Vauban, với 4 pháo đài góc, tuy nhiên chỉ còn cửa Tây và cửa Nam…

Qua khảo sát và đối chiếu thực địa, tác giả đã phục dựng được tòa thành với những thông số từ các nguồn tư liệu kể trên. Kết quả thành có kích thước bề rộng mỗi cạnh, kể cả hào nước là 210 mét, nếu chỉ tính bề rộng từ 2 mũi pháo đài góc thì chiều rộng mỗi cạnh là 178 mét, hào nước rộng 18 mét. Với kích thước mặt bằng như vậy, khá trùng khớp với những ghi chép từ nguồn “Đại Nam nhất thống chí”.

Sau khi chiếm Tây Ninh (1861), Pháp đã gọi là “Trụ sở quân sự Tây Ninh”, còn gọi là pháo đài Tây Ninh hay thành Săng-đá. Năm 1878-1879, ngôi thành đất được phá đi, để xây dựng lại trong một quy mô diện tích nhỏ hơn, hình vuông mỗi cạnh chỉ 125 mét.

Võ Nguyên Phong cũng cho biết, dưới thời chế độ Sài Gòn, nơi này trở thành “Trại Nguyễn Huệ”, với “khuôn viên pháo đài được mở rộng về phía Nam để giáp với tuyến đường Gia Long (Cách Mạng Tháng Tám hiện nay)… chiều bắc nam là 185 mét, chiều đông tây vẫn là 125 mét… các trụ sở cũ vẫn còn với 4 tòa nhà xây thời 1789, đồng thời có xây thêm một số tòa nhà khác… Đến nay hầu như không còn tồn tại các công trình cổ nào trong khu vực pháo đài Tây Ninh…”.

Xin được bổ sung là vẫn còn một số đoạn tường bao quanh, có thể nhìn thấy từ phía Tây trong vườn của một vài nhà dân ở giáp giới. Và có thể còn thấy một cái cổng thành ở phía Tây, đã bị xây bít lại. Và cũng có thêm một cổng được mở ra về phía Đông để ra đường 30.4.

Hai trong bốn tòa nhà cổ (1879) đã bị pháo kích vào tháng 4.1969 “làm sập thành Nguyễn Huệ, phá hủy 1 kho đạn” (theo Lịch sử LLVT thành phố Tây Ninh, 2018). Hai tòa nhà cổ còn lại cũng đã bị phá bỏ và xây lại một tòa vào năm 2015. Tòa nhà này được xây lại theo quy mô và hình thức cũ, nhưng bằng vật liệu mới là bê tông cốt thép. Những viên gạch cổ có tuổi gần 140 năm khi dỡ ra ấy đã không “chịu chết”, mà được tái sinh trong một công trình không xa, ở bên kia bờ rạch Tây Ninh.

Trần Vũ

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhung-tu-lieu-moi-ve-thanh-phu-tay-ninh-span-tiep-theo-va-het-span--a144845.html