Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 4)

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, cùng với các lực lượng khác, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Tuy phải đối đầu với lực lượng địch đông gấp bội, chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn về vũ khí, trang bị, khí hậu khắc nghiệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ CANDVT vẫn hiên ngang trụ vững, đầy khí phách anh hùng và tinh thần lạc quan cách mạng, đã chiến thắng vẻ vang, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Bài 4: Công an nhân dân vũ trang bảo vệ biên giới Tây Nam

Biểu tượng sáng ngời của ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia có chung khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Thế nhưng, ngay sau khi lên cầm quyền ở Campuchia vào tháng 4/1975, Tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đã phản bội lại nhân dân Campuchia và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Việt Nam.

BĐBP Kiên Giang và lực lượng chức năng Campuchia tuần tra, bảo vệ biên giới chung. Ảnh: Đăng Bảy

BĐBP Kiên Giang và lực lượng chức năng Campuchia tuần tra, bảo vệ biên giới chung. Ảnh: Đăng Bảy

Để ghi nhận những thành tích to lớn của CANDVT đạt được trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam, ngày 20/12/1979, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 9 tập thể, 2 cá nhân. Đảng, Nhà nước cũng tặng thưởng 462 Huân chương Quân công, Chiến công các loại cho các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ CANDVT lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong suốt cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam.

Từ năm 1975 đến 1978, chúng trắng trợn mở nhiều cuộc tiến công xâm lấn, đánh chiếm các đảo, biên giới nước ta với quy mô, tần suất ngày một gia tăng, gây nên hàng loạt cuộc thảm sát đẫm máu đối với nhân dân ta dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Chúng liên tục tấn công vào các đồn, trạm CANDVT (BĐBP ngày nay), di dời cột mốc biên giới ở nhiều nơi vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Hành động của Tập đoàn Pol Pot đã xâm phạm thô bạo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây tổn hại cho mối quan hệ giữa hai nước.

Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư lệnh CANDVT đã chỉ đạo các đơn vị tích cực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới; đấu tranh chống gián điệp, tình báo, phản động; hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đánh bại hành động tiến công quân sự lấn chiếm biên giới của địch. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng.

Ngày 19/1/1977, Bộ Tư lệnh CANDVT ban hành Chỉ thị số 06/CT-BTL chỉ đạo các đơn vị quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, với tinh thần “Bất kỳ một lực lượng vũ trang nào đột nhập vào biên giới tấn công, tập kích vào các đồn, trạm, thôn, ấp, làng, bản, ta đều phải kiên quyết đánh đuổi và tiêu diệt”. Đây là sự chỉ đạo kịp thời, nhạy bén, đáp ứng tình hình diễn biến căng thẳng ở tuyến biên giới Tây Nam. Cán bộ, chiến sĩ CANDVT đã nêu cao tinh thần xả thân vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường bảo vệ đồn, trạm, bảo vệ nhân dân, đánh lui nhiều đợt tiến công của kẻ thù đông hàng chục lần, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, giữ vững vị trí chiến đấu. Giữa năm 1977, địch tăng cường các hoạt động quân sự xâm phạm biên giới nước ta, gây nên tình hình căng thẳng, phức tạp.

Ngày 29/6/1977, Bộ Tư lệnh CANDVT ban hành Chỉ thị số 68 điều chỉnh bố trí các đồn, trạm; tăng cường lực lượng cơ động dọc tuyến biên giới Tây Nam và bảo đảm trang bị cho các đơn vị; yêu cầu các đơn vị nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc; bám trụ, cơ động, linh hoạt tiêu diệt địch, giảm được thương vong tới mức thấp nhất.

Quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc

Quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công và vận dụng sáng tạo tư tưởng, nguyên tắc tác chiến với các hình thức chiến thuật phù hợp tổ chức, biên chế và trang bị của lực lượng; căn cứ vào âm mưu, phương thức, thủ đoạn tác chiến của quân Pol Pot - Ieng Sary, ngày 28/2/1978, Bộ Tư lệnh CANDVT ra Chỉ thị số 04/CT-BTL chỉ đạo tất cả đồn, trạm chuyển phương thức chiến đấu phù hợp với tình hình, từ chiến đấu phòng thủ bảo vệ đồn, trạm sang cơ động, linh hoạt, chiến đấu bám trụ trong khu vực biên giới để ngăn chặn, tiêu diệt địch; với phương thức hoạt động chủ yếu là chủ động tìm địch mà đánh, bám địch mà diệt, đánh địch bằng tất cả các biện pháp.

BĐBP An Giang phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn biên giới phụ trách. Ảnh: Đăng Bảy

BĐBP An Giang phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn biên giới phụ trách. Ảnh: Đăng Bảy

Mặc dù quân số có hạn và vũ khí, trang bị thiếu thốn, thô sơ, nhưng với quyết tâm chiến đấu cao, lại được sự giúp đỡ của nhân dân và sự phối hợp chiến đấu của các lực lượng chức năng, các đồn, trạm CANDVT chuyển từ thế bị động, lúng túng ban đầu sang thế chủ động tấn công; vừa ngăn chặn, tiêu diệt được địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ biên giới; vừa hạn chế được thương vong. Trong cuộc chiến đấu này, các đơn vị CANDVT đã tiêu diệt 1.450 tên, bắn bị thương gần 3.000 tên, bắt 37 tên, thu 717 súng các loại, 7 xuồng chiến đấu và nhiều phương tiện chiến đấu khác; bảo vệ an toàn cho hàng chục vạn dân; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Các đơn vị còn tham gia truy quét tàn quân, trấn áp phản cách mạng, giữ vững an ninh khu vực biên phòng, riêng năm 1978, diệt 122 tên, bắt 230 tên (có 59 tên ra hàng), thu 33 súng các loại. Các đồn, trạm biên phòng còn giúp đỡ 2 vạn người Campuchia chạy sang ta về nơi tập trung người tỵ nạn được an toàn. Có nhiều đơn vị như Đồn CANDVT Xa Mát anh hùng (Tây Ninh), hàng trăm ngày đêm liên tục chiến đấu với lực lượng địch đông gấp bội, phải sống dưới hầm hào, nắng nóng, mưa ướt, muỗi đốt..., nhưng anh em vẫn hiên ngang trụ vững, đầy khí phách anh hùng và tinh thần lạc quan cách mạng, cuối cùng đã chiến thắng vẻ vang, đó là các Đồn Biên phòng: Phước Tân (Tây Ninh), Bu Prăng (Đắk Lắk), Phú Mỹ (Kiên Giang).

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam là một trong những thử thách khốc liệt nhất đối với CANDVT. Trong cuộc chiến đấu này, biết bao xương máu của đồng chí, đồng bào đã đổ xuống vì chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trải qua hơn 2 năm chiến đấu ác liệt, với tinh thần chiến đấu dũng cảm quên mình, cán bộ, chiến sĩ CANDVT đã góp phần đập tan âm mưu xâm lược của địch, bảo vệ dân, bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Campuchia.

Để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, CANDVT các tỉnh từ Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ đã anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách, đập tan ý đồ đen tối của quân Pol Pot-Ieng Sary. Tiêu biểu là các đơn vị CANDVT như: Đồn 7 và Đồn 8 (Đắk Lắk); Đồn 649 (Gia Lai-Kon Tum), Đồn Hoa Lư (Sông Bé); Đồn Xa Mát, Phước Tân, Lò Gò (Tây Ninh), Đồn Long Khốt (Long An); Đồn Long Bình; Đồn Tịnh Biên (An Giang); Đồn Cầu Ván (Đồng Tháp) và Đồn Phú Mỹ, Giang Thành, Xà Xía (Kiên Giang), với các anh hùng liệt sĩ Hồ Đăng Khầm, Hoàng Kim Long...

Bài 5: Anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-4-post459758.html