Những tuyên truyền viên 'tay ngang' ở Đền Hùng

'Cây này trông dáng độc đáo quá' - 'Đây chính là cây vạn tuế 3 ngọn đặc biệt nhất Đền Hùng và ở đây được 8 thế kỷ rồi đấy ạ', không phải lời dẫn của hướng dẫn viên, đó chỉ là một trong rất nhiều cuộc hội thoại ngẫu nhiên mà du khách có thể nhận được khi đến với Đền Hùng. Ở đây, không chỉ bó hẹp trong tổ hướng dẫn viên - những người có trình độ hiểu biết và nghiệp vụ du lịch, ngay cả nhân viên bán hàng, thợ chụp ảnh cũng đều trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về lịch sử Đền Hùng để sẵn sàng mở lời đón tiếp và giới thiệu về lịch sử cho du khách thập phương.

Nhân viên các quầy bán hàng luôn sẵn sàng trả lời thắc mắc của du khách.

Nhân viên các quầy bán hàng luôn sẵn sàng trả lời thắc mắc của du khách.

Gắn bó với Khu di tích lịch sử Đền Hùng từ năm 2017, chị Lê Thị Thoa, nhân viên Trung tâm Dịch vụ - Du lịch Đền Hùng chia sẻ: “Những du khách lần đầu đến với Đền Hùng mà không có sự chỉ dẫn có thể đi sai đường. Nếu đi vào dịp lễ đông đúc, du khách dù chưa biết cũng có thể đi theo dòng người để tới từng đền theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, khi vãn khách, thưa người, tôi đã gặp không ít người lên tới chùa Thiên Quang, qua thắp hương ở Đền Hạ xong lại chưa biết lối nên cứ thế đi thẳng xuống Đền Giếng rồi lại quay lên, tốn khá nhiều công sức. Những lúc như vậy, tôi sẽ chủ động chỉ đường kết hợp với giới thiệu một vài thông tin về các tích gắn với từng đền hay người dân thường cầu gì ở mỗi đền để giúp họ có trải nghiệm tốt hơn khi về thăm Đền Hùng”.

Du khách về thăm Đền Hùng tăng cao vào 3 tháng mùa Xuân.

Du khách về thăm Đền Hùng tăng cao vào 3 tháng mùa Xuân.

Theo chị, mặc dù kiến thức có hạn, chưa thể tường tận và bài bản như các hướng dẫn viên chuyên nghiệp nhưng bản thân là người con sinh ra tại Phú Thọ, lại có thời gian làm việc lâu năm tại đây, được đào tạo cơ bản nên chị có thể đưa ra những chỉ dẫn đơn giản để giới thiệu những nét đặc trưng về Đền Hùng khi có du khách muốn tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa.

Dù nhu cầu giảm, nhiều thợ chụp ảnh ở Đền Hùng vẫn nhiệt huyết với nghề.

Dù nhu cầu giảm, nhiều thợ chụp ảnh ở Đền Hùng vẫn nhiệt huyết với nghề.

Cô Triệu Thị Thanh đã làm nghề chụp ảnh ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng được 25 năm chia sẻ: “Tôi đã làm ở đây từ lúc còn trẻ tới giờ, mặc dù ngày càng vất vả, lượng khách có nhu cầu ít dần đi nhưng trong 3 tháng mùa Xuân tôi lại tới đây chụp ảnh cho mọi người. Nhiều lúc gặp đoàn họ thuê mình đi cùng để chụp ảnh, cũng có nhiều lúc họ chỉ nhờ mình đồng hành để thuyết minh, kể chuyện”.

Thợ chụp ảnh nhiệt tình với du khách tham quan.

Thợ chụp ảnh nhiệt tình với du khách tham quan.

Thợ chụp ảnh ở Đền Hùng đều phải được Khu di tích cấp thẻ mới được phép hoạt động kinh doanh. Đa số họ đều là những người đã gắn bó nhiều năm với nơi đây nên luôn sẵn sàng chỉ đường, dẫn lối cho du khách mỗi khi có nhu cầu.

Chia sẻ thêm về những kiến thức của mình ở Đền Hùng, cô Thanh cho biết: “Ngoài những thông tin, câu chuyện gắn với từng đền có được nhờ kinh nghiệm làm việc lâu năm, chúng tôi cũng đọc và học sử đền qua sách vở để có thể nói đúng, nói hay chứ không kể bừa được”.

Nhiều người lần đầu thăm Đền Hùng còn nhiều bỡ ngỡ, nhận nhầm khu vực giếng Cổ, Đền Hạ là Đền Giếng. Thấy vậy, chị Thoa nhiệt tình chỉ dẫn du khách về hệ thống các đền, phân biệt giếng Cổ với giếng Ngọc và chỉ hướng xuống đúng Đền Giếng cho du khách làm lễ.

Các tuyên truyền viên không chuyên luôn niềm nở trả lời khi nhận được câu hỏi của du khách.

Các tuyên truyền viên không chuyên luôn niềm nở trả lời khi nhận được câu hỏi của du khách.

Vào năm 2012, Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng đã phát động phong trào “Mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động phải là một tuyên truyền viên, hướng dẫn viên về Di tích lịch sử Đền Hùng” phổ cập những hiểu biết nhất định cho cán bộ, nhân viên tại Đền Hùng để sẵn sàng trả lời những thắc mắc của du khách. Phong trào này được phát động với mục đích chính là để mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động hiểu được trách nhiệm của mình và từ đó thêm yêu, gắn bó với công việc mình đang đảm nhận.

Cuốn cẩm nang cung cấp những kiến thức cơ bản về Đền Hùng được các thợ chụp ảnh, bán hàng dịch vụ đọc và tự cập nhật kiến thức

Cuốn cẩm nang cung cấp những kiến thức cơ bản về Đền Hùng được các thợ chụp ảnh, bán hàng dịch vụ đọc và tự cập nhật kiến thức

Không chỉ vậy, cũng trong năm này, Chi hội Di sản văn hóa Đền Hùng đã cho lưu hành cuốn sách “Hỏi đáp về Đền Hùng - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt” với các câu hỏi - đáp được trình bày ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ. Vì thế, bất cứ ai, từ người có trình độ phổ thông cho đến người có trình độ học vấn cao hơn cũng dễ dàng hiểu và ghi nhớ. Cuốn sách có vai trò như cẩm nang giúp cho mỗi người kinh doanh ở đây đều có thể là một tuyên truyền viên, lan tỏa những nét đẹp của Đền Hùng.

3 tháng mùa Xuân là thời điểm Đền Hùng đón lượng khách tham quan đông đảo nhất trong năm, đặc biệt là dịp cận lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để quảng bá hình ảnh Đền Hùng cũng như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tới đông đảo người dân trong nước và quốc tế. Cùng với các hướng dẫn viên, cán bộ, nhân viên Đền Hùng, tuyên truyền viên “tay ngang” như chị Thoa, cô Thanh cũng chính là những màu sắc không thể thiếu để góp phần lan tỏa hình ảnh về với cội nguồn dân tộc và ấn tượng về người dân Phú Thọ luôn niềm nở, hiếu khách.

Bình Nhi

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/den-hung/nhung-tuyen-truyen-vien-tay-ngang-o-den-hung/210164.htm