Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 31)
Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách 'Những vấn đề Lịch sử thế giới' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành
Kỳ 31
Nghệ thuật điêu khắc mang tính hiện thực. Người May A có quan niệm vũ trụ gồm 10 tầng xếp chồng lên nhau. Đối với người May A có rất nhiều thần tồn tại bên ngoài thế giới con người, vì thế việc thờ cúng là vô cùng phức tạp và phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Giống như những tộc người Anh Điêng khác người May A cũng quan niệm nhị nguyên luận về thế giới vũ trụ.
Khu vực miền Nam Mêhicô còn lại dấu vết của nền văn hóa Zapôtec và Mixtec với biểu trưng chế tạo đồ mỹ nghệ bằng vàng, một thứ hiếm thấy ở nền văn hóa Anh Điêng kể cả văn hóa cao và phong phú của người May A. Ngoài ra biểu trưng văn hóa của họ còn phải kể đến những tượng vũ công đắp nổi, các tấm bia viết chữ tượng hình; các tòa nhà lớn xây theo hình bậc thang hùng vĩ. Nền văn hóa này tồn tại ở châu Mỹ 6 thế kỷ đầu công nguyên. Miền Tây Mêhicô còn có các nền văn hóa Colima, Taraxca nổi tiếng với nghệ thuật luyện kim và tinh tế trong nghệ thuật trang trí gốm.
Nền văn hóa quanh khu vực Ca ri bê có niên đại 2130 năm trước CN và có tới 4 nền văn hóa kế tục nhau tồn tại: Văn hóa Cônle, Vecgua, Chiriqui và Barien. Các hiện vật của các nền văn hóa này còn lại phong phú gồm đồ gốm, đá, vàng, đá quý. Đồ trang trí bằng xương, bằng đá quí có dát vàng nhiều mầu sắc rực rỡ. Nền văn hóa ở quần đảo Ăng ti thì phát triển nhất ở Puectôricô và ở Haiti mà chủ nhân là tộc người Tano. Họ là những nghệ nhân điêu khắc tài giỏi. Họ khắc đồ gỗ và đồ đá dễ dàng như nhau, những chuỗi vòng đá mỗi viên có ba mũi rất độc đáo. Các điệu múa nghi lễ trong cưới xin, trong ma chay rất uyển chuyển, hay những trò chơi bóng đều rất phổ biến ở các làng của người Taino.
Ở bờ biển vùng Caribê khoảng 3000 năm trước CN, người Anh Điêng đã định cư với nền kinh tế trồng trọt và chăn nuôi. Đồ gốm ở đây có niên đại lâu và phong phú. Gốm của nền văn hóa Vênêduêla mang mầu đỏ trên nền trắng có niên đại 1000 năm trước CN. Khu vực núi Ăng đơ thuộc Pêru và Bôlivia là văn hóa của người In Ca. Người In Ca có một hệ thống tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp hoàn hảo. Vào thế kỷ thứ VI, các tộc người ở Pêru đã có được những phương tiện để phát triển một cách hoàn thiện, họ có một nền kiến trúc đồ sộ, các nghề dệt, gốm, luyện kim đã có tay nghề cao về kỹ thuật và các loại hình trang trí đẹp, phong phú. Người In Ca không chỉ biết dệt vải mà còn biết dệt thảm trang trí hình người, chim, cá và hoa lá. Năm 1925 ở nghĩa địa Caracat người ta đã tìm thấy ngôi mộ có 420 xác ướp cùng với rìu đá, xương thú vật, đậu, ngô, bông, lạc. Vải quấn xác ướp dài tới 30m, có cả áo mặc kiểu chăn choàng. Người ta tìm thấy thành phố Tiahuanacô đạt đỉnh cao của nền văn minh Pê ru, là một trung tâm tôn giáo của người Anh Điêng. Cũng tìm thấy cánh cửa mặt trời nổi tiếng. Người In ca xây dựng được một đế chế, một cơ cấu chính quyền chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, một xã hội phân chia ra 3 giai tầng Quý tộc, nhân dân và nô lệ. Chế độ một vợ một chồng được thi hành nghiêm ngặt. Đã có sự trao đổi hàng hóa. Người In ca theo tôn giáo đa thần nhưng trong đó có một thần khai hóa tối cao, thần Huiracôcha cũng là thần mặt trời. Từ đó người In ca có rất nhiều lễ hội quanh năm.
Ở Côlômbia có nền văn hóa cự thạch thuộc thế kỷ VI trước CN, những đền thờ xây bằng những khối đá lớn với những bức tường đá khổng lồ mà chủ nhân là người Chibcha. Họ còn có nghề dệt vải và kim hoàn. Tôn giáo có nhiều nghi lễ trong đó có nghi lễ dùng người làm vật hiến sinh tế thần. Các nền văn hóa lớn ở Trung Mỹ đã lan tỏa và tạo nên nền văn hóa ở Tây-Tây Nam châu Mỹ như văn hóa ở các vùng Achentina, Chi lê. Tiếp đến nền văn hóa Amazôn tràn ngập những đồ gốm đặc sắc được trang trí bằng khắc, rạch, khảm hay tô mầu với hình dạng vô cùng phong phú.
Như vậy thời cổ trung đại châu Mỹ đã tồn tại nhiều nền văn hóa của người Anh Điêng với chữ viết tượng hình, với những phong tục, tập quán được sử dụng như pháp luật của các vương quốc, xã hội phân ra giai cấp, tầng lớp, thiết chế chính trị quân chủ hoặc có thể là cộng hòa quý tộc, tôn giáo theo quan niệm nhị nguyên luận và đa thần giáo, nhiều bộ tộc của người Anh Điêng đã tiến những bước dài trên con đường vào xã hội văn minh. Họ đã để lại một nền văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng, tài năng đáng kinh ngạc. Các nền văn hóa trên mảnh đất này thay thế nhau, kế thừa, ảnh hưởng nhau. Rất nhiều nền văn hóa đã mất đi, ngược lại có một số nền văn hóa đang phát triển cho đến khi người châu Âu tới. Sự sụp đổ của các nền văn hóa này thật là kỳ lạ vì quá nhanh chóng, vì con số những kẻ châu Âu tới chinh phục không đông. Để dập tắt được truyền thống đã có từ hàng nghìn năm chỉ cần vài chục năm và một số ít kẻ xâm lược. Đó là điều kỳ bí nhất của lịch sử các dân tộc Anh Điêng.
Ngày 3 tháng 8 năm 1492 Cơ ri stốp Côlômbô dẫn đầu một đoàn 3 chiếc tầu Ca ra ven cùng 90 thủy thủ rời Tây Ban Nha đi vào Đại Tây Dương. Ngày 12 thảng 10 năm 1492 C. Côlômbô tới được vùng biển Ca ri bê và đến Cu Ba nhưng ông lại nhầm vùng đất này là Tây Ấn Độ, người địa phương ở đây được ông gọi là InĐi An (Ấn Độ). C. Côlômbô còn tiếp tục thám hiểm 3 lần châu lục mới vào các năm 1493, 1498, 1502 phát hiện thêm nhiều lãnh thổ khác. Năm 1506 ông chết trong cảnh nghèo túng, ôm nỗi băn khoăn không rõ về vùng đất mà ông đặt chân tới. Gần như cùng thời gian với C. Côlômbô nhà hàng hải Vet spu xiAmergô đã 4 lần thám hiểm vùng đất này vào các năm 1497, 1499, 1501, 1503 và ông đi đến kết luận đây là châu lục mới. V. Amerigô công bố một cuốn sách và bản đồ vùng đất mới. Từ đó, châu lục mới mang tên châu Mỹ (America). Sau chuyến đi của C. Côlômbô và của V. Amerigô, các nước châu Âu bắt đầu cuộc xâm lược và cướp bóc châu lục mới mà đi tiên phong là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Cu Ba là nơi đầu tiên bị Tây Ban Nha chiếm làm thuộc địa. Từ căn cứ này, Tây Ban Nha tiến hành chiến tranh chiếm hầu hết các khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ. Bồ Đào Nha chiếm nước rộng lớn nhất Nam Mỹ Braxin. Cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc kéo dài 50 năm. Trong chiến tranh Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã gây ra những tội ác khủng khiếp, giết hại hàng chục triệu dân bản xứ người Anh Điêng, tàn phá nền văn hóa, cướp bóc của cải, vàng, bạc.
(Còn nữa)
CVL
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-31-a21909.html