Những việc thí sinh cần làm khi có điểm thi tốt nghiệp THPT

Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh (TS) cả nước bước vào giai đoạn tiếp theo, đó là chuẩn bị xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng.

Những mốc thời gian quan trọng

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được công bố vào lúc 8 giờ, ngày 16/7. Sau đó, các trường THPT hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp trước ngày 18/7. Thí sinh nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, học bạ và các giấy tờ liên quan chậm nhất ngày 22/7.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Điểm thi Trường THPT Nguyễn Công Trứ trao đổi sau khi hoàn thành kỳ thi. Ảnh: HIỀN THU

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Điểm thi Trường THPT Nguyễn Công Trứ trao đổi sau khi hoàn thành kỳ thi. Ảnh: HIỀN THU

Đặc biệt, từ năm nay không còn xét tuyển sớm, tất cả TS đều phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1 trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT (từ ngày 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7). Trong thời gian này, TS được điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần.

Từ ngày 29/7 đến 17 giờ, ngày 5/8, TS phải nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký. Chỉ những nguyện vọng đã nộp lệ phí mới được hệ thống ghi nhận để tham gia xét tuyển.

Xác nhận nhập học và xét tuyển bổ sung

Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống trước 17 giờ ngày 30/8. Sau thời hạn này, nếu không xác nhận, quyền trúng tuyển sẽ không còn giá trị. Từ ngày 1/9 đến tháng 12/2025, các cơ sở đào tạo có thể xét tuyển bổ sung nếu còn chỉ tiêu. Tuy nhiên, những TS đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển bổ sung, trừ khi có lý do đặc biệt và được nhà trường chấp thuận.

Các trường đại học tham gia tư vấn, tuyển sinh năm 2025 tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn. Ảnh: TR.PHƯƠNG

Các trường đại học tham gia tư vấn, tuyển sinh năm 2025 tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn. Ảnh: TR.PHƯƠNG

“Xác định đúng nguyện vọng để xét tuyển ĐH là một bước ngoặt lớn trong hành trình trưởng thành của mỗi TS. Dù quy trình đăng ký ngày càng được cải tiến, tự động hóa, tạo nhiều thuận lợi, nhưng TS cũng cần chủ động và cân nhắc kỹ. Việc nắm rõ thông tin, làm đúng, làm đủ các bước và chọn đúng ngành, đúng trường phù hợp với bản thân là chìa khóa để khởi đầu hành trình học tập ĐH một cách vững vàng và hiệu quả”, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, Quan hệ doanh nghiệp và Khởi nghiệp (Trường ĐH Phạm Văn Đồng) Võ Duy Quân lưu ý.

Thí sinh và phụ huynh cần thường xuyên theo dõi thông tin tuyển sinh chính thức trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT cũng như trang web của các trường ĐH để cập nhật kịp thời các thay đổi hoặc hướng dẫn chi tiết.

Tìm hiểu kỹ ngành học và cơ sở đào tạo

Một quy định mới quan trọng, đó là tất cả TS, kể cả diện xét tuyển thẳng, đều phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến thông qua Cổng thông tin: thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường, nhiều ngành. Tuy nhiên, cần sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức độ ưu tiên, vì TS chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất đủ điều kiện trong số các nguyện vọng đã đăng ký.

Trước 17 giờ ngày 30/6, TS đăng ký xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển phải nộp hồ sơ về các cơ sở đào tạo theo quy định. Kết quả được thông báo trước ngày 15/7. Từ ngày 10 - 20/7, TS tự do (đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước) cần đăng ký thông tin để được cấp tài khoản, phục vụ việc đăng ký xét tuyển trực tuyến. Từ ngày 16 - 28/7, tất cả TS tiến hành đăng ký, bổ sung, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Theo Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen (TP.Hồ Chí Minh), để tăng cơ hội trúng tuyển và lựa chọn đúng ngành phù hợp, TS nên dành thời gian tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo, môi trường học tập, đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất, học phí, học bổng, vị trí địa lý, tiện ích dành cho sinh viên; cơ hội nghề nghiệp sau tốt nghiệp và danh tiếng của các trường. Ngoài ra, TS nên tham khảo điểm sàn và điểm chuẩn 3 năm gần nhất, cũng như chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 để ước lượng khả năng trúng tuyển. Thí sinh cần lưu ý rằng, dù phương thức xét tuyển khác nhau (thi tốt nghiệp, học bạ, bài thi đánh giá năng lực...), nhưng giá trị bằng cấp, nội dung đào tạo và quyền lợi sinh viên đều như nhau.

"Điểm số cao không quyết định đến sự thành công sau này. Vì thế, TS nên hiểu rõ bản thân, điểm mạnh, năng lực, tính cách, đam mê để chọn ngành phù hợp. Chẳng hạn, ngành quản trị kinh doanh đòi hỏi sự năng động, quyết đoán, kỹ năng giao tiếp và phân tích. Ngành kế toán yêu cầu sự chính xác, trung thực, yêu thích con số và khả năng tập trung cao. Ngành điều dưỡng cần sự kiên nhẫn, bao dung, kiểm soát cảm xúc tốt và tinh thần bền bỉ...", thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên chia sẻ.

Theo các chuyên gia, việc chọn sai ngành do chạy theo điểm số hoặc kỳ vọng của người khác có thể dẫn đến tâm lý chán nản, bỏ học hoặc khó thích nghi khi ra trường.

TRỊNH PHƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/nhung-viec-thi-sinh-can-lam-khi-co-diem-thi-tot-nghiep-thpt-54467.htm