Những vùng nào dễ bị ảnh hưởng bởi các trận động đất mạnh?
Trận động đất mạnh có thể lan truyền xa hàng nghìn km nhưng không phải nơi nào nó đi qua cũng gây thiệt hại. Các khu vực có địa tầng phù sa hoặc đất mềm có xu hướng khuếch đại sóng địa chấn, khiến rung động có thể cảm nhận rõ ràng hơn.
Những nơi nào dễ bị rung lắc, đổ vỡ do ảnh hưởng động đất?
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), vào ngày 28/3, Myanmar đã hứng chịu trận động đất mạnh có cường độ 7,7. Tâm chấn nằm ở độ sâu 10km, khu vực gần thành phố Sagaing.12 phút sau đó, Myanmar tiếp tục rung chuyển bởi một dư chấn mạnh 7.6 độ.
Myanmar là một trong những khu vực có hoạt động địa chấn mạnh nhất trên thế giới. Trên Bản đồ rủi ro địa chấn toàn cầu, Myanmar nằm trong vùng đỏ, tức là có nguy cơ động đất từ trung bình đến cao.
Đứt gãy Sagaing được coi là nguyên nhân chính gây ra nguy cơ động đất ở Myanmar. Đây là một đứt gãy lớn có chiều dài khoảng 1.200km, chạy dọc Myanmar theo hướng bắc - nam. Đứt gãy này có liên quan đến nhiều trận động đất lớn trước đây, bao gồm trận động đất có cường độ 7,7 vào năm 1946 và trận 6,8 độ vào năm 2012.

Động đất gây thiệt hại ở Myanmar.
Giải thích lý do động đất ở rất xa vẫn gây rung lắc cho Hà Nội, PGS.TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng cho biết, khu vực Hà Nội hay TPHCM là vùng có nền đất không tốt nên dễ cảm nhận được rung chấn khi có động đất lớn ở nơi khác. Thực tế thời gian qua cho thấy Hà Nội, TPHCM đã từng xuất hiện các đợt rung lắc do ảnh hưởng bởi dư chấn động đất từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, dù là vùng có địa chất ổn định song nguy cơ xảy ra động đất ở Hà Nội không phải là không có. Nếu động đất xảy ra ở vùng đứt gãy sông Hồng-sông Chảy (đới động đất này đi qua thành phố Hà Nội) với số liệu tối đa ghi nhận được bằng trạm quan trắc ở cấp độ 6, thì khả năng tác động trong tự nhiên cũng có thể lên tới cấp độ 8.
Theo chuyên gia, dù cảm nhận được rung lắc song người dân không quá phải lo lắng, bởi khi xây dựng các tòa nhà cao tầng, người ta đã thiết kế, tính đến yếu tố kháng chấn. Hơn nữa, rung lắc nhẹ do động đất cũng xảy ra hàng ngày, rất phổ biến ở trên thế giới. Tuy vậy, ông cũng lưu ý với những trường hợp động đất gần, khi xảy ra rung lắc mạnh khiến bóng đèn hay quạt trần, đồ vật trong nhà bị chao đảo thì người dân nên chủ động cũng như có phương án di chuyển đến nơi an toàn.
Những trận động đất từng khiến Hà Nội rung lắc
TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, cho biết, khi động đất xảy ra sẽ lan truyền sóng động đất và tác động lên bề mặt, càng ra xa, sóng càng yếu. Trong vụ động đất tại Myanmar, ảnh hưởng nặng nhất là ở nước này và Bangkok (Thái Lan), qua tới Lào và một số thành phố ở Việt Nam thì mức độ nhẹ đi.
Việc người dân cảm nhận được rung chấn hay không phụ thuộc vào ba yếu tố chính. "Đầu tiên phải kể đến khoảng cách, ở càng gần tâm chấn thì càng cảm nhận rõ. Yếu tố thứ hai là nền đất. Nền đất khác nhau sẽ rung lắc khác nhau. Yếu tố thứ ba là công trình. Người ở công trình thấp không cảm nhận được nhưng người ở công trình cao thì cảm nhận rõ hơn.
Địa chất khu vực cũng đóng vai trò quan trọng, khi các khu vực có địa tầng phù sa hoặc đất mềm có xu hướng khuếch đại sóng địa chấn, khiến rung động có thể cảm nhận rõ ràng hơn ngay cả khi cách xa tâm chấn. Thí dụ, vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) và Bangkok (Thái Lan) có địa hình phù sa dày, dễ bị ảnh hưởng bởi sóng động đất.
Ngoài ra, hiện tượng cộng hưởng địa chấn xảy ra khi sóng địa chấn tương tác với các cấu trúc xây dựng cao tầng, làm cho tòa nhà rung lắc mạnh hơn so với mặt đất. Cuối cùng, dư chấn mạnh và kéo dài cũng là nguyên nhân khiến nhiều quốc gia lân cận có thể tiếp tục cảm nhận được rung động trong vài giờ đến vài ngày sau trận động đất chính.
Tại Bangkok, trận động đất gây rung lắc mạnh khiến hàng trăm người hoảng loạn, tháo chạy khỏi các tòa nhà. Một tòa nhà bị sập đã chôn vùi nhiều người, trong khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm những người còn mắc kẹt.
"Chiều qua, ở Hà Nội đa phần người dân ở các công trình cao cảm nhận rõ hơn sự rung lắc so với những người ở nhà thấp tầng. Chính vì vậy ở khu vực này thì thấy rung lắc, đồ đạc dịch chuyển nhưng điểm khác thì không", TS Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, đây không phải là lần đầu tiên người dân Hà Nội cảm nhận được động đất dù các trận động đất xảy ra ở khu vực xa hay các quốc gia lân cận. Người Hà Nội từng cảm nhận được các trận động đất xảy ra tại Thái Lan, Lào, Vân Nam (Trung Quốc). Trận động đất 5.3 độ ở Mộc Châu (Sơn La) trước đây cũng ảnh hưởng tới Hà Nội khiến người dân thấy rung lắc.
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, động đất và các dư chấn của các trận động đất gây ra sự dịch chuyển đột ngột của mặt đất, những tiếng nổ lớn, gây hư hại một số công trình, nhà ở, làm rơi vỡ đồ đạc, nhiều nơi còn chịu thiệt hại lớn về người.
Tại Việt Nam, Kon Tum là địa phương thường xuyên xảy ra các trận động đất nhỏ. Từ trước đến nay, nước ta không có các trận động đất lớn và mật độ không nhiều như các quốc gia nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ.
Chính vì vậy, người dân cần tìm hiểu, trang bị cho mình kỹ năng nhận diện, ứng phó, bảo vệ bản thân khi xảy ra động đất. TS Nguyễn Xuân Anh đưa ra lời khuyên ứng phó khi xảy ra động đất:
Nếu đang ở trong một tòa nhà có kết cấu vững chắc: Bảo vệ cơ thể khỏi các tấm đổ vỡ bằng cách bám chặt vào một khung cửa hoặc chui xuống một cái bàn nào đó.
Nếu đang ở bên ngoài hãy chạy ngay tới vùng đất trống; tránh xa các đường dây điện, các cột điện, đường ống dẫn nhiên liệu, tường và các công trình xây dựng khác hoặc có khả năng bị đổ hoặc sụp xuống; tránh xa các tòa nhà cao tầng.
Nếu ở trên một ngọn núi hoặc ở gần một quả đồi nghiêng dốc: Hãy tránh xa chỗ dốc đứng vì chỗ đó có thể bị lở đất. Nếu đang lái xe hãy cố gắng lái vào bên đường và dừng lại, không được cố chui qua hoặc vượt qua những cầu vì chúng có thể bị sụp.