Những vướng mắc về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội
Ngày 23/3, Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với UBND huyện Phúc Thọ và UBND huyện Quốc Oai về triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.
Vùng chuyên canh sản xuất hoa cho thu nhập 400-900 triệu đồng
Theo UBND huyện Phúc Thọ, hàng năm, UBND huyện tổ chức rà soát, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chủ động đề xuất, liên hệ với Trung tâm Phát triển nông nghiệp TP trong triển khai hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp-trọng tâm là các sản phẩm cho năng suất, chất lượng cao, an toàn theo hướng xuất khẩu; hỗ trợ máy móc thiết bị bảo quản, chế biến nông sản…
Đối với hỗ trợ theo cơ chế Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP, huyện đã hỗ trợ kinh phí mua giống hoa lily (hỗ trợ 20% kinh phí lần đầu), hoa loa kèn hỗ trợ 50% kinh phí tại xã Tam Thuấn; hỗ trợ lắp đặt thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại vùng chuyên canh rau, cây ăn quả và hoa cây cảnh 600ha; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản tại xã Tích Giang, Sen Phương, tổng diện tích hỗ trợ 2.91ha...
Sau hỗ trợ, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất, bước đầu hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao; hình thành được vùng chuyên canh sản xuất hoa đem lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập của người dân trên một đơn vị diện tích, làm phong phú chủng loại cây trồng, dễ tiêu thụ, thu nhập từ trồng hoa đạt 400-900 triệu đồng/ha/năm.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo huyện Phúc Thọ, từ năm 2019 đến năm 2022, số mô hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn được hỗ trợ theo cơ chế, chính sách của HĐND TP còn ít, quy mô nhỏ, kinh phí hỗ trợ cả 3 năm mới đạt trên 2 tỷ đồng. Nếu so với nhu cầu và yêu cầu phát triển nông nghiệp của huyện thì kết quả hỗ trợ là rất thấp.
Vì vậy, huyện Phúc Thọ đề nghị TP nâng mức hỗ trợ đối với giống cây trồng từ 20% lên 50% đối với giống hoa Lily và Lan; hỗ trợ 50% lên 70% đối với các giống cây trồng khác; bổ sung cây dược liệu vào Quyết định 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 về việc ban hành danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn TP. Bổ sung thêm mục hỗ trợ vật tư khi sử dụng chế phẩm sinh học xử lý tàn dư cây trồng, xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, cơ chế hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, đề nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP. Cụ thể hỗ trợ di dời cơ sở nuôi nhốt, kinh doanh, gia súc, gia cầm ra khỏi khu dân cư để vừa giải quyết ô nhiễm môi trường, vừa đảm bảo sinh kế cho Nhân dân.
Đề nghị TP ban hành chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn
Đối với huyện Quốc Oai, thời gian qua huyện đã phát triển các mô hình khuyến nông và mô hình nông nghiệp như: Sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy vụ mùa tại xã Đồng Quang; sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn tại xã Tuyết Nghĩa, Hòa Thạch; triển khai chăn nuôi bò sinh sản năm thứ 2 tại xã Sài Sơn; hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại xã Sài Sơn...
Thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND TP về khuyến khích phát triển vùng sản xuất, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn, huyện Quốc Oai đã phát triển 1.287 ha, chủ lực là nhãn chín muộn, ổi, bưởi diễn. Giá trị thu nhập trung bình của các khu trồng cây ăn quả đạt 280-300 triệu đồng/ha, nhiều mô hình cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập trung bình 350-400 triệu đồng/ha. Đồng thời, UBND huyện tích cực hỗ trợ liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, siêu thị và hỗ trợ cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Mỹ…
Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết ban hành, các sở, ngành TP chưa có hướng dẫn chung quy trình và hồ sơ thanh quyết toán nên cấp huyện khó triển khai như: định mức quy định hỗ trợ tiền đi lại đối với người ở xa từ 15km trở lên theo giá giao thông công cộng, tối đa không quá 200 nghìn đồng/học viên/khóa tập huấn đối với nơi không có phương tiện giao thông công cộng (tài liệu minh chứng nơi không có phương tiện giao thông công cộng); Hỗ trợ từ ngân sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản ứng dụng công nghệ cao không cụ thể nên các ngành chưa thống nhất để xác định theo tiêu chuẩn, đối tượng hỗ trợ; Nội dung chi hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác liên kết ghi thực hiện theo Nghị định Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ, chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách hỗ trợ nên cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hợp tác xã khó triển khai các bước thực hiện.
Từ vướng mắc nêu trên, huyện Quốc Oai đề nghị HĐND TP ban hành Nghị quyết về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn TP Hà Nội thay thế cho Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND TP. Trong đó có một số nội dung đề nghị sửa đổi và bổ sung các chính sách về hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; cho vay vốn dài hạn hơn để khuyến khích người dân đẩy mạnh đầu tư sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản trên địa bàn, hạn chế việc ảnh hưởng của yếu tố thị trường đến quá trình sản xuất.
Đồng thời, đề nghị UBND TP thống nhất quy trình thực hiện các bước để mời gọi đầu tư cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung theo quy hoạch của TP để đẩy nhanh tiến độ, nhằm di dời các cơ sở, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Phát biểu kết luận buổi giám sát tại 2 đơn vị, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hồ Vân Nga ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của 2 huyện và cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, tham mưu xây dựng chính sách của HĐND TP kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đoàn giám sát cũng đề nghị huyện Phúc Thọ và Quốc Oai rà soát, hoàn thiện báo cáo trên cơ sở trao đổi của các sở ngành, đơn vị, làm căn cứ để Đoàn tổng hợp chung đưa vào báo cáo giám sát.