Những xa vắng lần nữa được gọi tên
Đã rất lâu rồi, nay, tôi lại mới tập trung tinh thần, đọc một mạch xong một cuốn sách. Tập tản văn 'Miền an yên' của Nguyễn Thị Thu Thủy cuốn hút tôi. Sức hút không chỉ đến từ cách tác giả nâng niu từng con chữ, mà còn bởi dòng cảm xúc chân thành, miên man, ngọt ngào. Ở đó, tôi không chỉ thấy tình cảm, nghĩ suy của người viết mà còn bắt gặp chính tôi với ký ức tuổi thơ trong trẻo một thời.
Tập sách chia làm hai phần: phần một "Soi mình vào năm tháng", phần hai "Tết quê xưa". Đại để chia phần như thế, với cá nhân tôi, cũng chỉ là một cách gọi tên, gom nhặt cho bạn đọc dễ dàng tiếp nhận. Còn thực ra, tôi thấy chúng trong nhau. Cái này mang dáng dấp của cái kia và ngược lại.
Ký ức trong đời người là điểm tựa, là bệ phóng, là sự nâng đỡ và là hành trang cho cuộc đời mỗi người. Phải chăng, hiểu sâu sắc điều ấy, người phụ nữ đã đi qua bao la trải nghiệm trong cuộc đời như tác giả, càng hiểu rõ đến tận cùng giá trị mà ký ức mang lại đối với đời người. Thế nên, hẳn đây cũng là lý do để Thu Thủy dồn nén và tâm huyết với tập tản văn "Miền an yên" này; ngay từ trang đầu tập sách, chị đã gửi gắm: "Tuổi thơ là dòng sông kỷ niệm để mỗi khi quay về tôi soi mình vào đó, thấy cả một trời thương nhớ... Để rồi tôi thêm yêu cuộc đời này, yêu những bình dị, ngọt lành mà một thời quê hương và tuổi thơ đã chắp cho tôi đôi cánh...". Tôi đã thực sự đồng cảm và càng thổn thức hơn với mỗi dòng ký ức từ trang sách chị, bởi tôi vốn là một người xa xứ, mà hồn của những kẻ xa xứ, vẫn luôn là hồn của "những người muôn năm cũ", vẫn đôi lúc lòng lạc loài tự hỏi "hồn ở đâu bây giờ?"...
Tôi thấy bóng dáng tôi trong tuổi thơ nơi vùng quê yên ả của xứ Quảng thân thương; thấy trước mắt mình cánh đồng lúa mênh mông, rặng tre già nghiêng bóng, chiếc giếng làng vào những đêm trăng, dòng sông quê trong lành con nước... Và thế nên, trang văn của chị lại gây cho tôi bao nỗi hoài niệm, những xa vắng được lần nữa gọi tên... Trong "Sông chảy bên đời", khi đối diện với sự chảy trôi của dòng sông, của thời gian, chị đã thốt lên đầy chiêm nghiệm: "Sông là vậy, vẫn lặng lẽ xuôi về biển lớn như đời người từ ấu thơ đến lúc tóc bạc mới giật mình tỉnh ra mình đã mất nhiều thứ... Một đời sông có bao nhiêu dòng chảy nhưng con người chỉ một lần sống; hãy sống như đời sông, bạn nhé". Lại có khi, trang viết của chị ngập đầy nỗi trở trăn về sự mất mát dần đi của những giá trị thiêng liêng cũ, sự mai một đi của một làng nghề Phú Bông với truyền thống tằm tang nổi tiếng. Dẫu có buồn đấy nhưng trang viết của chị vẫn ánh lên "niềm tin về những giá trị văn hóa truyền thống đang được ươm gieo và ngày càng lan truyền trong thế hệ nối tiếp..." (Điệu hát bài chòi năm xưa).
Cũng từ trang tản văn của chị, tôi nghe phảng phất mùi của tháng năm, thứ mùi mang đậm phong vị quê hương của lúa non, cỏ lá, trái ổi chín, mùi mít thơm, lá dứa, rau mùi... Tôi nghe thấy cả những mùi vị rất riêng của Tết đang về với bánh chưng, mứt gừng, bột nếp, đậu xanh, hương trầm... Tôi nhớ và yêu thiết tha các mùa hoa: hoa cải trải dài miên man vàng khắp đất trời; mùa xoan nở, trắng tím, nhỏ xinh, từng chùm hoa li ti rơi rụng xuống mặt đất; mùa mai vàng báo hiệu xuân sang và tôi thấy ở đó cả một quá trình tận hiến: "Không có sự cống hiến nào không cao cả và không có cái Đẹp nào không trải qua những mất mát đau thương"... Lại có những trang viết khiến tôi xúc động không ngừng: "Chắt chiu một đời", "Ngọn đèn đời cha" là những cảm xúc men theo ký ức về đấng sinh thành, về kỷ niệm mang theo suốt đời trong nỗi nhớ và lòng biết ơn của người con. Rồi có lúc, tôi lại tủm tỉm cười khi trang viết nhắc nhớ về trò chơi năm mười quanh gốc rơm gốc rạ, trò thả diều mỗi chiều trên đồng quê, những ngày cùng bạn bè bắt cá hôi ngày đồng cạn tát đìa...
Ngôn ngữ tản văn của Thu Thủy chân thành, gần gũi như chính con người chị vậy. Văn chương cũng như cuộc sống, vốn là thế - cái đẹp, ma lực của mọi thứ trong cuộc đời này, tôi tin rằng, nó lại bắt đầu và kết thúc bằng chính sự giản dị. Sức hút trong tản văn "Miền an yên" của Nguyễn Thị Thu Thủy còn nằm ở giọng văn sâu lắng; đôi dòng triết luận tưởng như xa xôi, khó hiểu được chị tỏ bày nhẹ nhàng, thư thái và gần gũi đến xúc động. Tuy vậy, nếu bạn đọc để ý kỹ, đôi bài tản văn của chị có chung một mô típ. Sự lặp lại ấy, chớ nên vội vàng cho rằng đó là sự non tay mà đang định hình cho nét riêng không thể lẫn của ngòi bút tản văn Thu Thủy.
Người ta cần ngồi thiền để tĩnh lặng tâm hồn, nhưng bạn có tin, sự tĩnh lặng tâm hồn lúc này với tôi, ấy là lúc cầm trên tay tập sách của chị. Và phải chăng, "Miền an yên" cũng là một cách THIỀN mà Thu Thủy âm thầm thực hành cho chính mình và dành tặng cho những ai đang kiếm tìm sự bình yên trong tấp nập bộn bề của cuộc sống hôm nay!
Nguyễn Thị Nhiên
(Giáo viên THPT Nguyễn Trãi, quận Liên Chiểu,
TP Đà Nẵng).
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhung-xa-vang-lan-nua-duoc-goi-ten-post306609.html