Những xu hướng định hình cục diện kinh tế, chính trị thế giới và ưu tiên của Việt Nam
Sáng 12/2, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu tại Phiên điễn đàn các nền kinh tế mới nổi trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025 (WGS 2025) tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
![Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên điễn đàn các nền kinh tế mới nổi trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025 - Ảnh: VGP/Hải Minh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_146_51459088/f16a25261268fb36a279.jpg)
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên điễn đàn các nền kinh tế mới nổi trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ UAE tổ chức hội nghị quan trọng này trong suốt 12 năm qua, trở thành diễn đàn uy tín chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, những sáng kiến đổi mới, góp phần xây dựng tương lai bền vững, thịnh vượng cho nhân loại.
3 xu hướng định hình cục diện kinh tế, chính trị toàn cầu
Nhận định về bức tranh của thế giới hiện nay, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng, chỉ trong nửa thập kỉ qua, thế giới đã chứng kiến những biến động nhanh chóng, chưa có tiền lệ, trong đó 3 xu hướng lớn đang định hình lại cục diện kinh tế và chính trị toàn cầu:
Thứ nhất, công nghệ số phát triển vượt bậc, quá trình số hóa diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực; công nghệ số tác động cộng hưởng với các công nghệ mới, như công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo… làm thay đổi lực lượng sản xuất, chuỗi sản xuất, tạo ra giá trị vượt trội, đưa thế giới vào một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên số, kỷ nguyên thông minh.
Thứ hai, sự phân cực chính trị và địa chính trị, địa kinh tế, xu hướng phân tách, phân mảnh về thương mại, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gia tăng và ngày càng phức tạp.
Thứ ba, các thách thức toàn cầu, cả truyền thống và phi truyền thống diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết, đặt ra những yêu cầu cấp thiết về đổi mới quản trị toàn cầu, quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cho rằng, bối cảnh quốc tế đầy thách thức, song mở ra cơ hội để các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi thực hiện những "bước nhảy vọt", để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong dòng chảy của thế giới.
Lịch sử đã chứng minh, nếu các quốc gia nắm bắt tốt thời cơ, kết hợp sức mạnh nội tại với xu thế của thời đại, đưa ra những quyết sách quyết đoán, chiến lược, đúng thời điểm sẽ có thể tạo ra sự xoay chuyển tình thế và những kỳ tích về phát triển.
![Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bức tranh kinh tế và chính trị thế giới với nhiều mảng sáng, tối đan xen, các nền kinh tế mới nổi, Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong cách tiếp cận và tư duy phát triển, trở thành những điểm sáng về tăng trưởng của kinh tế thế giới - Ảnh: VGP/Hải Minh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_146_51459088/eb4b38070f49e617bf58.jpg)
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bức tranh kinh tế và chính trị thế giới với nhiều mảng sáng, tối đan xen, các nền kinh tế mới nổi, Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong cách tiếp cận và tư duy phát triển, trở thành những điểm sáng về tăng trưởng của kinh tế thế giới - Ảnh: VGP/Hải Minh
Những mối gắn kết có ý nghĩa quyết định đối với thịnh vượng chung
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng hợp tác và kết nối có ý nghĩa quyết định đối với sự thịnh vượng chung. Về phương diện kết nối, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 nội trọng tâm:
Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ứng dụng các công nghệ để thúc đẩy chuyển đối năng lượng, phát triển bền vững;
Kết nối cơ sở hạ tầng, cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hài hòa các quy định, tiêu chuẩn về sản xuất, thương mại và đầu tư. Các Chính phủ và doanh nghiệp cần chung tay hoàn thiện thể chế số, nâng cao chất lượng hạ tầng số, nhân lực số. Các nước phát triển cần hỗ trợ chia sẻ công nghệ, mô hình quản trị thông minh, minh bạch, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng tự cường và bền vững;
Kết nối nguồn lực thông qua thúc đẩy các mô hình hợp tác tài chính công-tư, hợp tác ba bên, tài chính xanh, tài chính toàn diện, tài chính cho phát triển.
Phó Thủ tướng mong nhận được sự ủng hộ và tham dự tích cực của các nước và đối tác quốc tế khi Việt Nam đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu (P4G) diễn ra tại Hà Nội vào ngày 16-17/4/2025.
Việt Nam đã vươn mình trở thành điểm sáng về tăng trưởng của thế giới
Trong bức tranh kinh tế và chính trị thế giới với nhiều mảng sáng, tối đan xen, các nền kinh tế mới nổi, Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong cách tiếp cận và tư duy phát triển, trở thành những điểm sáng về tăng trưởng của kinh tế thế giới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ một nền kinh tế kém phát triển, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã vươn lên, trở thành nền kinh tế lớn thứ 33 thế giới (quy mô nền kinh tế tăng khoảng 60 lần so với giai đoạn trước đổi mới).
Trong khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phục hồi tích cực. GDP năm 2024 tăng ở mức cao 7,09%, kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 khoảng 8%.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế; năm 2024 thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỷ USD; là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với 17 FTA; xếp thứ 44/132 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, trở thành một mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; bước đầu xác lập được vị thế trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn.
Theo Phó Thủ tướng, những thành tựu đó đã tạo đà, tạo thế, tạo lực, tạo niềm tin để Việt Nam viết tiếp câu chuyện thành công đầy cảm hứng của 40 năm Đổi mới.
Để phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển, giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
![Các đại biểu dự Phiên điễn đàn các nền kinh tế mới nổi - Ảnh: VGP/Hải Minh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_146_51459088/54bc85f0b2be5be002af.jpg)
Các đại biểu dự Phiên điễn đàn các nền kinh tế mới nổi - Ảnh: VGP/Hải Minh
5 ưu tiên chiến lược của Việt Nam
Trong mọi quá trình chuyển đổi, Việt Nam luôn lấy người dân là trung tâm, doanh nghiệp là lực lượng tiên phong, chính phủ giữ vai trò định hướng và kiến tạo. Trên cơ sở đó, Việt Nam đang thúc đẩy những ưu tiên chiến lược sau:
Một là, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; vì mục tiêu hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới; thực hiện chính sách quốc phòng"4 không".
Hai là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng; phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, phát triển các trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Ba là, Việt Nam xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển tăng tốc, bứt phá và bền vững.
Bốn là, phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh đổi mới tư duy phát triển, mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng số hóa, xanh hóa. Thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi, như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới...; khai thác và mở rộng không gian phát triển.
Năm là, không ngừng đổi mới quản trị quốc gia, xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh quá trình tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhiều tầng nấc nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị.
![Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết sẽ là lựa chọn chiến lược, điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư để xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế lâu dài, hiệu quả, bền vững - Ảnh: VGP/Hải Minh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_146_51459088/ae087e44490aa054f91b.jpg)
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết sẽ là lựa chọn chiến lược, điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư để xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế lâu dài, hiệu quả, bền vững - Ảnh: VGP/Hải Minh
Đặt nền móng vững chắc cho hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông
Phó Thủ tướng đánh giá, UAE là hình mẫu của thành công nhờ chiến lược phát triển đúng đắn, ý chí và sự quyết tâm. Kỳ tích phát triển của UAE đã truyền cảm hứng cho những nước đang phát triển như Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam đã hội tụ đầy đủ các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới giàu mạnh. Với truyền thống lịch sử hào hùng, ý chí kiên cường, tinh thần quyết tâm và sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân tộc, chúng tôi có niềm tin vững chắc sẽ hiện thực hóa được các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Trên hành trình đó, Phó Thủ tướng mong muốn các đối tác, doanh nghiệp, các nhà đầu tư UAE, Trung Đông và thế giới tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam. Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, AI, bán dẫn, năng lượng tái tạo, phát triển trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo…
Cùng chia sẻ khát vọng xây dựng một tương lai toàn cầu thịnh vượng và bền vững, trên nền tảng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp lâu đời, Việt Nam và các quốc gia Trung Đông thời gian qua đã không ngừng làm sâu sắc và mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, Phó Thủ tướng đánh giá.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng quan hệ Đối tác Toàn diện và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE sẽ được cụ thể hóa thực chất, tích cực, đặt nền móng vững chắc tiếp tục đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với UAE nói riêng và khu vực Trung Đông lên tầm cao mới.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết sẽ là lựa chọn chiến lược, điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế lâu dài, hiệu quả, bền vững. Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chặng đường sắp tới để cùng nhau hóa giải thách thức, biến nguy thành cơ, cùng nhau phát triển nhanh và bền vững.