Những ý kiến tâm huyết xây dựng chương trình hành động của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới

Trong khuôn khổ ngày làm việc thứ hai của Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, chiều 17/10, đại biểu tham dự Đại hội đã chia thành 5 tổ thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện các văn kiện của Đại hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 1.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 1.

Theo đó, các đại biểu đã tập trung góp ý kiến vào các nội dung: (1) Tiêu đề của báo cáo, phương châm của Đại hội; (2) Đánh giá, bổ sung tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc; (3) Phân tích, đánh giá để bổ sung, nhấn mạnh hơn những kết quả đạt được của công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ 2024 - 2029; (4) Những thách thức và vấn đề đặt ra đối với việc tập hợp, phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới;

(5) Về phương hướng, mục tiêu, 10 chỉ tiêu, 6 Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam của nhiệm kỳ tới; trong đó đề nghị Đại hội thảo luận sâu hơn về nội dung các chỉ tiêu, Chương trình 4 “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”; (6) Đề xuất những nội dung nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ tới;

(7) Đề xuất, kiến nghị những nội dung nhằm phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; những nội dung, giải pháp nhằm phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới; (8) Đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.

Đại biểu tham dự thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 1.

Đại biểu tham dự thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 1.

Tham gia thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 2, chia sẻ về tinh thần đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển dân tộc mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh tại Đại hội, ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong cho rằng, đất nước ta đã có một quá trình đấu tranh anh dũng, mỗi người chúng ta đều chất chứa một tinh thần dân tộc. Để đưa đất nước bước lên cùng thế giới hơn lúc nào cần nâng tầm Đức, Trí, Dũng. Trong đó: Đức là lòng yêu nước, Trí là trí tuệ trong một thời kỳ mới, Dũng là bản lĩnh, tinh thần dân tộc, trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng vươn lên để sánh vai với các cường quốc 5 châu như Bác Hồ đã nói.

Góp ý về chương trình hành động của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới, ông Vũ Trọng Kim cho rằng hiện đã có Luật, Hiến pháp chế định về nhiệm vụ giám sát phản biện xã hội. Bởi vậy, ông đề nghị trong Nghị quyết Đại hội bổ sung thêm nhiệm vụ tư vấn, giám sát, phản biện xã hội để MTTQ Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng tư vấn cho Nhà nước, Chính phủ.

Ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong đóng góp ý kiến.

Ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong đóng góp ý kiến.

Tham gia thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 1, đề xuất giải pháp phát huy trí tuệ của người Việt Nam trong và ngoài nước, góp phần xây dựng đất nước phát triển hùng cường, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, làm thế nào để Đại hội phát huy được trí tuệ của toàn dân tộc để đóng góp cho Đảng, xây dựng đường lối để Đại hội Đảng sắp tới thực sự là kim chỉ nam để chấn hưng đất nước.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, về quan điểm xây dựng đất nước, nhìn rộng ra kinh nghiệm từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... đều phát triển từ khoa học công nghệ. Chỉ công nghệ cao mới tạo ra giá trị cao, có tính chất tác động toàn cầu. Làm sao để đưa công nghệ cao trở thành đòn bẩy, quan điểm chỉ đạo của Đảng để đất nước phát triển đi lên. Để làm được điều đó cần huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó phát huy thế mạnh của Mặt trận, tập hợp được đội ngũ kiều bào. Đồng thời phải thay đổi chương trình giáo dục đào tạo, nâng cao năng lực của thanh niên Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức tham gia thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 1.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức tham gia thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 1.

Tham gia thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 3, bà Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết, với vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, MTTQ càng thấy rõ sứ mệnh tiên phong của mình trong công cuộc chuyển đổi số.

Theo đó, bà Sinh đề nghị Mặt trận Trung ương sớm ban hành Đề án chuyển đổi số trong công tác Mặt trận trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.

Bà Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An tham gia thảo luận.

Bà Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An tham gia thảo luận.

Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng hệ sinh thái số cho Mặt trận: Cần xây dựng và phát triển các nền tảng, ứng dụng số chuyên biệt, dùng chung cho toàn hệ thống Mặt trận, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ và hiệu quả; nhất là ứng dụng di động MTTQ; nâng cao năng lực số cho cán bộ Mặt trận và Nhân dân, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho mọi người, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường tận dụng sức mạnh của Đề án 06, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, giám sát, phản biện xã hội và tương tác với Nhân dân; phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia vào các hoạt động của Mặt trận, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin, góp phần xây dựng xã hội số, công dân số...

B.Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-y-kien-tam-huyet-xay-dung-chuong-trinh-hanh-dong-cua-mat-tran-trong-nhiem-ky-moi-179294.html