Những yếu tố khiến giá dầu giảm dù nguồn cung từ Nga bị hạn chế
Phản ứng trước các biện pháp của phương Tây nhằm làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của mình, Nga đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu dầu sang bất kỳ quốc gia nào tuân thủ mức giá trần.
Tuần qua đánh dấu một khoảnh khắc quan trọng trong địa chính trị toàn cầu khi lệnh cấm vận của châu Âu và việc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) áp giá trần đối với dầu thô của Nga có hiệu lực.
Phản ứng trước các biện pháp của phương Tây nhằm làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của mình, Nga đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu dầu sang bất kỳ quốc gia nào tuân thủ mức giá trần. Trong vòng vài giờ, sự gián đoạn nguồn cung có thể nhìn thấy rõ khi các tàu chở dầu tắc nghẽn, xếp hàng ở eo biển Bosphorus.
Thông thường, những yếu tố trên sẽ khiến giá dầu tăng mạnh, đặc biệt là chỉ vài tuần sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là (OPEC+) đã gây bất ngờ cho thị trường khi tuyên bố cắt giảm sâu nguồn cung. Tuy nhiên, ngày 8/12, giá dầu Brent đã đứng ở mức 76,15 USD/thùng, đáy mới trong năm 2022. Điều gì đang xảy ra? Theo tờ The Financial Times của Anh, có một số lý do làm cho giá dầu giảm.
* Nguồn cung của Nga vẫn mạnh
Lệnh cấm của châu Âu đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, là một biện pháp trừng phạt thực sự, nhằm buộc Moskva phải định tuyến lại nguồn cung và làm giảm nguồn thu của "xứ bạch dương".
Khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ tàu nào chở dầu thô của Nga, thậm chí là chở đi châu Á, một số nước phương Tây đã lo ngại rằng biện pháp này sẽ gây sụt giảm dầu xuất khẩu của Nga và làm tăng giá "vàng đen".
Tuy nhiên, mức giá trần nhằm giữ cho dầu của Nga tiếp tục đến với người tiêu dùng và chi phí dầu không tăng cao hơn. Các biện pháp khác gắn với việc áp trần giá cũng đã được thu hẹp lại, giúp các nhà giao dịch yên tâm rằng các dòng dầu về cơ bản sẽ không tiếp tục giảm. Mỹ đã thuyết phục EU bỏ một điều khoản trong lệnh trừng phạt của mình, chẳng hạn như việc cấm vĩnh viễn các tàu nhận các dịch vụ hàng hải của châu Âu nếu họ phá vỡ mức giá trần. Hình phạt này đã được giảm xuống là cấm 90 ngày.
Amos Hochstein, cố vấn năng lượng cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết giá trần, được đặt ở mức 60 USD/thùng, được thiết kế “để đảm bảo rằng việc giá tăng mạnh không được sử dụng để chia rẽ EU và làm suy yếu khả năng hỗ trợ Ukraine và để đảm bảo không có khả năng làm tăng thu nhập của Nga.
Điện Kremlin đã từ chối giao thương với bất kỳ người mua nào muốn áp dụng mức giá trần, nhưng các quan chức phương Tây cho biết mức giá 60 USD/thùng vẫn giúp các nhà máy lọc dầu châu Á đàm phán để có giá thấp hơn. Florian Thaler, người đứng đầu công ty OilX chuyên theo dõi chuyển động dầu mỏ toàn cầu, cho biết: “Nguồn cung của Nga cho thị trường vẫn cao như bất kỳ thời điểm nào trong năm”. Ông nói thêm rằng mọi sự sụt giảm sẽ chỉ được nhìn thấy muộn hơn, trong quý đầu tiên của năm 2023.
* OPEC+ cắt giảm sản lượng, nhưng không quá sâu
Tháng Mười, khi Saudi Arabia, Nga và các đồng minh khác của OPEC+ tuyên bố cắt giảm hạn ngạch sản xuất 2 triệu thùng mỗi ngày – trên giấy tờ tương đương với khoảng 2% nguồn cung toàn cầu – phản ứng từ phương Tây đã diễn ra nhanh chóng. Nhà Trắng cho rằng Riyadh đang đứng về phía Nga trong cuộc chiến năng lượng toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cáo buộc tổ chức này gây nguy hiểm cho nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, mặc dù lạm phát do năng lượng vẫn là một vấn đề ở các nền kinh tế phương Tây, nhưng diễn biến trong 5 tuần qua cho thấy động thái của OPEC+ là tương đối khôn ngoan. Giá dầu không tăng mà lại trượt dốc, củng cố thêm cho lập luận của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, rằng trước một nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu, cần phải cắt giảm trước để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh của thị trường. OPEC+ duy trì các mục tiêu sản xuất khi nhóm họp vào ngày 4/12.
Mức cắt giảm thực tế do OPEC+ thực hiện cũng nhỏ hơn con số được công bố tại Vienna, một phần là do một số nhà sản xuất như Angola và Nigeria từ trước đã không thể sản xuất đạt mức hạn ngạch của họ. Các nhà phân tích cho biết thay vì 2 triệu thùng, chỉ khoảng 1 triệu thùng bị loại bỏ khỏi thị trường mỗi ngày - vẫn là một mức cắt giảm lớn, nhưng không đủ để làm những chú gấu dầu mỏ ra khỏi ổ.
* Lo ngại về nhu cầu lấn át lo ngại về nguồn cung
Sau nhiều tháng lo lắng về sự gián đoạn nguồn cung, các nhà giao dịch hiện đang tập trung vào nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu, hậu quả từ xung đột giữa Ukraine-Nga, cuộc chiến năng lượng của EU lan rộng và việc các ngân hàng trung ương đua nhau tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Các ngân hàng ở Phố Wall đã đưa ra dự báo triển vọng kinh tế năm 2023 khó khăn. David Solomon, giám đốc điều hành Goldman Sachs, cho biết: “Khi tôi nói chuyện với khách hàng, họ có vẻ cực kỳ thận trọng. Nhiều CEO đang xem dữ liệu và chờ xem điều gì sẽ xảy ra”.
Những biến động trên thị trường kỳ hạn và giao ngay cho thấy các nhà giao dịch nhận thấy thị trường đang dư cung và động thái này đôi khi được coi là một chỉ báo về kỳ vọng suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Nỗi lo lớn của thị trường dầu mỏ tập trung vào Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới. Theo IEA, chính sách “Không COVID” và nền kinh tế đang suy yếu có nghĩa là tổng mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong năm nay sẽ thấp hơn so với năm 2021, lần đầu tiên giảm trong trong thế kỷ này.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ có thể thoát khỏi suy thoái, nhưng cơn khát xăng dầu của người tiêu dùng nước này dường như cũng đã lên đến đỉnh điểm. Mức tiêu thụ vào thời điểm này trong năm chỉ từng một lần thấp như vậy trong hai thập kỷ qua - trong năm 2020 do đại dịch COVID-19 hoành hành. Tổng nhu cầu dầu của Mỹ vẫn chưa quay về mức trước COVID-19.
* Giá dầu vẫn có thể tăng trở lại
Tăng trưởng chậm chạp ở mảng dầu đá phiến của Mỹ là một rủi ro khác. Một số nhà phân tích lập luận rằng bất kỳ sự suy giảm nào trong nguồn cung của Nga chỉ có thể được nhìn thấy vào năm tới và nhu cầu yếu của Trung Quốc sẽ không kéo dài.
Chuyên gia Dan Klein tại S&P Global Commodity Insights cho biết: “Về cơ bản, chúng ta đang đi từ nhu cầu năng lượng tăng trưởng bằng 0 trong năm 2022 ở Trung Quốc lên tương đương khoảng 3 triệu thùng/ngày đối các loại nhiên liệu vào năm tới. Chúng ta sẽ thấy nhu cầu năng lượng của Trung Quốc lớn hơn nhiều trong tương lai”.
Trong khi đó, chính phủ đang giảm dần việc bán dầu từ kho dự trữ khẩn cấp và có kế hoạch bắt đầu bổ sung kho dự trữ nếu giá dầu thô của Mỹ giảm xuống 70 USD/thùng./.