Niềm tin từ mỗi công trình
Tạo sự đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là một những bước tiền đề quan trọng để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Nhiều dự án, công trình trọng điểm "về đích"
14h45 ngày 30/11/2024 đã trở thành một thời khắc lịch sử của ngành giao thông khi 443 trên tổng số 454 đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tán thành thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Quyết định trên đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc cách mạng phát triển hạ tầng của Việt Nam sau gần 2 thập kỷ ròng rã chờ đợi.
Với một dự án chưa từng có trong lịch sử xét cả về quy mô đầu tư, tính chất đồng bộ và những đòi hỏi kỹ thuật hiện đại, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được kỳ vọng sẽ hình thành một phương thức vận tải khối lượng lớn, nhanh, thuận tiện, góp phần tái cấu trúc, phân bố lại đô thị, dân cư, mở ra không gian phát triển cho các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc – Nam.
Và hơn hết, sự đột phá của siêu dự án này sẽ trả lại vị trí đáng có của ngành đường sắt trong mạng lưới giao thông quốc gia vốn đã phát triển mất cân đối trong nhiều thập kỷ.
Cũng trong năm 2024, nhiều dự án, công trình trọng điểm đã "về đích" hoặc có những chuyển biến đáng kể. Đó là "kỳ tích" trên công trình đường dây 500kV mạch 3 khi đã thi công thần tốc một công trình khó, trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục (chỉ hơn 7 tháng), là việc đưa vào khai thác thương mại 2 dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn trên cao) và Bến Thành - Suối Tiên sau nhiều năm chờ đợi.
Tại Dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn I, sau bước khởi đầu nhiều khó khăn, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã lấy lại đà tiến mạnh mẽ tại Gói thầu 5.10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách trị giá hơn 35.000 tỷ đồng.
Trong lần thứ 5 đến trực tiếp kiểm tra công trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu: Tất cả các công việc của dự án phải hoàn thành trước 31/12/2025 và đưa vào khai thác trước 28/2/2026, với quyết tâm lấy lại tiến độ bị chậm, không thể chậm trễ hơn được nữa.
Với một công trình có quy mô "siêu lớn", phức tạp về công nghệ, đặc biệt là Dự án thành phần 3 - nhà ga hành khách để có thể thi công dứt điểm trong vòng 30 tháng (từ 31/8/2023 đến 28/2/2026) chắc chắn sẽ thiết lập một kỷ lục mới trong lĩnh vực hạ tầng hàng không.
Không chỉ riêng năm 2024, trong 4 năm qua, ngành GTVT đã chứng kiến nhiều bước tiến nhảy vọt tại nhiều công trình hạ tầng trọng điểm trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Theo ông Lưu Quang Thìn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT cho biết, trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đã có những phát triển đáng ghi nhận với hơn 24.300km quốc lộ, 2.000km đường bộ cao tốc, 6.800km đường thủy nội địa, 2.640 đường sắt quốc gia, 298 bến cảng, 22 cảng hàng không và nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn được đầu tư.
Trong đó, đối với cao tốc, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km, góp phần tăng cường năng lực vận tải trên các hành lang kinh tế quan trọng.
Giao thông là "mạch máu" của nền kinh tế, đường đi đến đâu là kinh tế phát triển đến đó, đường đi đến đâu là văn minh lan tỏa đến đó.
Tính trung bình trong 3 năm qua, mỗi năm, cả nước đưa vào khai thác gần 300 km đường cao tốc. Đây thực sự là một kết quả đáng ghi nhận nếu như biết rằng Việt Nam từng mất gần 20 năm chật vật chỉ để xây dựng được hơn 1.000 km cao tốc.
Gỡ điểm nghẽn về hạ tầng
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông nhấn mạnh những kết quả nổi bật của ngành giao thông trong những năm gần đây, nhất là gỡ được nút thắt ở nhiều dự án trọng điểm thực sự đã tiếp thêm động lực, niềm tin để cả nước bắt tay xây dựng các đại dự án mới với nhịp độ nhanh và đòi hỏi khắt khe hơn nữa.
"Việc hoàn thành mục tiêu 3.000 km cao tốc và đưa nhiều dự án, công trình trọng điểm về đích vào cuối năm 2025, trước thêm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV không chỉ khẳng định bước phát triển vượt bậc của Việt Nam sau 40 năm đổi mới mà còn tạo bước đà để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới" TS. Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.
Trong những năm qua, mặc dù diện mạo giao thông của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, vấn đề hạ tầng giao thông vẫn là "điểm nghẽn" đối với nhu cầu phát triển nhanh chóng của nền kinh tế như đường bộ cao tốc mới đang trong quá trình hình thành, chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra; hệ thống đường sắt lạc hậu, đường sắt tốc độ cao chưa được đầu tư; cảng biển chưa khai thác hết công suất; một số cảng hàng không đã quá tải…
Quy hoạch giao thông còn manh mún, chưa khai thác được ưu thế của các phương thức vận tải, tình đặc thù của địa phương và sự liên kết với vùng kinh tế cho nên chưa hình thành được hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.
Chính vì vậy, trong nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh hạ tầng là một trong 3 điểm nghẽn cần nhanh chóng tháo gỡ hiện nay.
Do đó, để phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc tạo sự đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chính là một trong những ưu tiên cao nhất.
"Đại lộ sinh đại phú", khát vọng đất nước hùng cường và thịnh vượng trong kỷ nguyên mới đang được hiện thực hóa từ chính những cung đường, dự án giao thông.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/niem-tin-tu-moi-cong-trinh-204241227150215749.htm