Niềm tự hào được mang họ Hồ của người Nam Trà My

Để thể hiện lòng tôn kính, sự biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là CHXHCN Việt Nam), đồng bào người Ca Dong, Xê Đăng, Bh'noong… ở vùng Nam Trà My (Quảng Nam) đã tự nguyện lấy tên Bác Hồ làm họ. Mỗi dịp Quốc khánh 2/9, họ còn tổ chức cúng giỗ Bác và tự xây tượng, làm nhà thờ Bác Hồ trong chính ngôi nhà của mình.

Có Bác trong tim

Lần giở từng trang của cuốn sách "Bác Hồ với đất Quảng" do Tỉnh ủy Quảng Nam chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, xuất bản năm 2000, ông Hồ Văn Ny (dân tộc Xê Đăng), nguyên Chủ tịch huyện Nam Trà My, Quảng Nam cho biết, đây là tập sách giới thiệu, trích lược các bài viết, bài thơ, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập về một số vùng đất, sự kiện và nhân vật đất Quảng; hồi ký, hồi tưởng của những người con Quảng Nam - Đà Nẵng đã được gặp Bác, làm việc với Bác hoặc chưa một lần gặp Bác nhưng đã có nhiều tình cảm sâu nặng với Bác, khắc sâu hình ảnh Bác trong tim.

Một góc trung tâm huyện Nam Trà My.

Một góc trung tâm huyện Nam Trà My.

"Sinh sống ở địa bàn núi cao cách trở, cùng với chiến tranh khốc liệt, cuộc sống của người Co, Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông… vùng Nam Trà My chúng tôi trước đây rất túng quẫn. Nhưng từ khi theo Đảng, Bác Hồ, cuộc sống ngày càng ấm no, tự do, đoàn kết, văn minh hơn. Nhiều thế hệ người Nam Trà My không có dịp gặp Bác Hồ nhưng luôn nhớ những lời dạy, di huấn của Bác. Chúng tôi luôn khâm phục, khắc sâu ơn Bác và tâm nguyện phải làm một việc gì đó để đền đáp. Dân tộc Xê Đăng xưa lại không có họ, chỉ có tên thôi nên chúng tôi đã nghĩ ra cách lấy họ theo họ của Bác Hồ. Bản thân tôi cũng chọn mang họ Bác, chọn ngày sinh là ngày 20/5 vì bác Bác sinh ngày 19/5", ông Hồ Văn Ny chia sẻ.

Dẫn chúng tôi lên tầng 2 nhà mình, ông Hồ Văn Ny cho hay, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà cũng là nơi ông để ban thờ Bác Hồ và ban thờ gia tiên. Bức tượng trắng bán thân Bác Hồ được đặt trang trọng ở chính giữa và cao nhất. Phía dưới là ảnh linh vị của tổ tiên và những người trong dòng tộc đã khuất. "Đã thành thông lệ, mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, tôi thường ra vườn chọn trái bưởi lớn, đẹp nhất mang vào nhà thắp hương. Riêng trong ngày Quốc khánh (2/9), gia đình tôi vẫn làm mâm cơm cúng Bác như cúng giỗ người thân. Tất cả con cháu đều tề tựu đông đủ trong ngày này", ông Hồ Văn Ny tâm sự.

Ông Hồ Văn Ny ở Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam có thói quen thắp hương cho Bác Hồ và gia tiên vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng.

Ông Hồ Văn Ny ở Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam có thói quen thắp hương cho Bác Hồ và gia tiên vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng.

Theo ông Lê Minh Thắng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nam Trà My, huyện Nam Trà My gồm có 10 xã với 3 dân tộc chính: Bh'noong, Xê Đăng và Ca Dong chiếm 97% toàn địa bàn. Trước đây, bà con dân tộc không có họ, chỉ có tên. Sau khi có Bác Hồ, bà con lấy toàn bộ họ Hồ. Nam Trà My nói riêng, đồng bào dân tộc ở các huyện khác trong tỉnh nói chung đa số cũng theo họ Hồ. Nam Trà My có 85% người dân mang họ Hồ bởi từ xưa đến nay bà con luôn yêu thương, dành tình cảm thân thiết, gắn bó với Bác Hồ. Vì vậy, ở Nam Trà My, nhà nào cũng có hình Bác, nhà có điều kiện hơn thì đặt tượng Bác. Người già ở đây rất hay kể những câu chuyện về Bác Hồ cho con cháu nghe, học tập và noi theo tấm gương của Bác.

"Lấy tên Bác Hồ làm họ; tổ chức cúng giỗ Bác vào mỗi dịp Quốc khánh 2/9; xây tượng, làm nhà thờ Bác trong nhà mình… là những công việc đáng quý và trân trọng mà người dân xứ Quảng, đặc biệt là các đồng bào ở huyện Nam Trà My vẫn hay làm để thể hiện lòng tôn kính, biết ơn đối với Bác Hồ. Những nghĩa cử này có ý nghĩa giáo dục rất cao, thẩm thấu, lan tỏa sâu rộng trên địa bàn miền núi Trà My", ông Lê Minh Thắng khẳng định.

Đoàn kết để đổi mới quê hương

Anh Hồ Văn Nái chỉ cho con những bằng khen chứng nhận thành tích của các thành viên trong gia đình.

Anh Hồ Văn Nái chỉ cho con những bằng khen chứng nhận thành tích của các thành viên trong gia đình.

Đưa chúng tôi từ đầu quốc lộ, xuyên qua con đường rợp bóng mát và một cây cầu gỗ vắt vẻo qua sông để về nhà ở làng Tăk Chươm, anh Hồ Văn Huân (SN 1992, dân tộc Ca Dong) cho hay, Tăk Chươm ở thôn 2, xã Trà Mai là một trong những làng văn hóa ở Nam Trà My có đông người dân mang họ Hồ. Bản thân anh Hồ Văn Huân cũng mang họ Hồ theo họ ông nội - người đã tham gia cách mạng và được trao Huân chương kháng chiến hạng Nhì.

"Bác Hồ mất lâu rồi, thế hệ mình không được gặp bác nhưng vẫn thường xuyên được nghe những câu chuyện về Bác qua lời kể của ông nội, qua các thông tin trên sách, báo, đài. Mình luôn tự hào được mang họ Hồ và tâm niệm phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng với họ của mình. Mà cách tốt nhất là cùng mọi người xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp", anh Hồ Văn Huân nói.

Nụ cười hạnh phúc của cha con anh Hồ Văn Huân.

Nụ cười hạnh phúc của cha con anh Hồ Văn Huân.

Là một cán bộ văn hóa bán chuyên trách, ngoài công việc hàng ngày, anh Hồ Văn Huân còn thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật của huyện và gia nhập cả đội cồng chiêng của làng. Anh kể rằng, ngoài những giờ lao động, anh vẫn cùng 16 thành viên khác của đội cồng chiêng luyện tập dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân cao tuổi trong làng những lời ca, điệu múa truyền thống để giữ gìn nét văn hóa đặc sắc riêng dân tộc Ca Dong và phục vụ khách du khách thăm quan, trải nghiệm văn hóa địa phương.

Cùng tham gia các hoạt động văn hóa xã hội của làng Tăk Chươm và huyện Nam Trà My với anh Hồ Văn Huân, anh Hồ Văn Nái (SN 1980, dân tộc Xê Đăng) kể, khi bé, nghe kể về nguồn gốc họ Hồ của gia đình, anh rất tự hào và vui sướng. Giờ đây, anh vẫn thường xuyên kể cho các con nghe về câu chuyện của họ Hồ với mong muốn các con tiếp tục nuôi dưỡng niềm tự hào, có ý chí phấn đấu, chăm chỉ học hành sau trở thành người có ích cho xã hội, sống tích cực đóng góp xây dựng quê hương.

Cây cầu dẫn vào làng Tăk Chươm, thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.

Cây cầu dẫn vào làng Tăk Chươm, thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.

"Khi xưa, giữa các dân tộc vẫn còn xích mích. Nhưng từ khi có Cách mạng, có Đảng, có Bác Hồ, mọi người đã đoàn kết lại. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước với niềm tự hào được mang họ, được làm con của Bác Hồ. Và từ tấm lòng riêng đối với Bác, cùng với việc chính quyền tuyên truyền, tổ chức các buổi vận động người dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, bà con càng thấm thía và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, phát triển kinh tế. Từ đó, đời sống của người dân cũng đổi thay từng ngày. Giờ đây, đồng bào dân tộc Nam Trà My chỉ phấn đấu vượt nghèo, làm giàu và đặc biệt chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương như cồng chiêng, đan lát, ẩm thực... xứng với lời dạy của Bác", anh Hồ Văn Nái phấn khởi cho biết.

Được biết, huyện Nam Trà My nằm ở miền núi cao của tỉnh Quảng Nam với xuất phát điểm kinh tế thấp, nhưng đến nay, huyện đã có một nền tảng kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp - thủy sản; giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng khá, đạt trên 560 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người gần 35 triệu đồng/năm, tăng gần 11 lần so với cách đây 20 năm (2003). Cùng với phát triển kinh tế, giáo dục và đào tạo Nam Trà My đã có sự chuyển biến tích cực; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm còn dưới 45%.

Sông Thương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/niem-tu-hao-duoc-mang-ho-ho-cua-nguoi-nam-tra-my-i705688/