Niềm vui bất ngờ

Nhà có năm anh em nhưng chỉ mình chị là gái và cũng là út, thiệt thòi đủ đường vì cha mất sớm nên dù thi đỗ đại học mà chị không được lên thành phố học như chúng bạn.

Con đường công danh dang dở, chị buồn rầu cất hết sách vở khóa lại trong một chiếc hòm tôn, xin vào công ty làm công nhân. Thể trạng gầy yếu, trong người lại có bệnh nọ bệnh kia nên chị mặc cảm, ngại giao tiếp, thành ra quá lứa lỡ thì đành ở vậy cùng mẹ già. Các anh trai của chị lần lượt lập gia đình và ra ở riêng nên việc chăm sóc mẹ gần như do mình chị đảm nhiệm.

Quay đi ngoảnh lại mà chị đã chuẩn bị bước sang tuổi tứ tuần nên nghĩ đến xuân về là chị cảm thấy sợ chứ không có cảm giác háo hức như ngày nhỏ, khi cha chị vẫn còn sống. Chị sợ mỗi khi cả nhà quây quần, các chị dâu lại hỏi dồn hỏi dập: “Bao giờ cô út cho ăn cỗ?”... Chị lặng lẽ cười trừ cho qua. Chị biết, trong suy nghĩ của các anh trai và các chị dâu, chị không lấy được chồng thì tương lai sẽ là gánh nặng cho họ.

Hồi giữa năm, chị bị đau lưng, đến nỗi phải xin nghỉ việc ở công ty. Đi khám, bác sĩ bảo chị bị bệnh loãng xương, phải điều trị lâu dài, khá tốn kém. Không hiểu các anh các chị bàn nhau thế nào mà đúng lúc chị ốm đau lại quyết định cắt cho chị một khoảnh đất nhỏ và bảo chị đưa hết tiền dành dụm được để họ xây cho chị một ngôi nhà nhỏ, làm chỗ chui ra chui vào, còn căn nhà của bố mẹ để lại thì sang tên cho đứa cháu đích tôn để nó chuẩn bị cưới vợ.

Mẹ quyết định sang ở cùng chị nên vợ chồng anh cả rất mừng. Hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Nhưng chị lo lắng không biết sẽ làm gì để có thu nhập bởi sức khỏe của chị không bảo đảm tiếp tục làm công nhân. Chẳng lẽ ngửa tay xin các anh các chị từng đồng? Lòng tự trọng không cho phép chị làm điều đó.

Nhìn căn nhà ngỏ lợp phibrô xi măng tuềnh toàng, đồ đạc chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ, chiếc giường cũ, bộ nồi niêu bát đũa cũng cũ rích và cái hòm sách mà chị nâng niu cất giữ bao năm. Mỗi lần mở hòm sách ra, chị lại bùi ngùi nghĩ đến ước mơ ngày xưa. Chợt trong đầu chị lóe lên một ý nghĩ: “Hay là mình mở một cửa hàng tạp hóa, văn phòng phẩm, bán sách cũ”.

Chị nói dự định ấy với mẹ. Mẹ chị bảo: “Cũng được con ạ! Còn sức thì tự lao động kiếm ăn, đừng lệ thuộc người khác. Nhưng phải có vốn”. Chị hỏi người nọ người kia, ai cũng bảo muốn mở cửa hàng thì phải có vài chục triệu. Có bao nhiêu tiền tiết kiệm chị đã dốc hết ra làm nhà, giờ lấy đâu ra mà buôn bán? Hỏi vay các anh các chị nhưng không ai cho vay mà mỗi người chỉ cho chị một ít, coi như quà mừng nhà mới.

Mấy bà chị dâu còn bàn lùi: “Cô tưởng buôn bán mà dễ à, phải có duyên cơ, chứ chậm mồm chậm miệng thì có mà ế chỏng”, “Hay là cô và mẹ chịu khó trồng rau, nuôi gà, tiền thuốc men của mẹ anh chị lo hết”. Anh cả còn đưa ra sáng kiến: “Cô chăm mẹ thay các anh các chị, mỗi tháng cô sẽ được lĩnh lương, không phải bán buôn làm gì cho mệt”. Chị lắc đầu vì chăm mẹ ai lại tính công. Chị đâu có tính toán thiệt hơn. Chị chỉ muốn làm công việc mình thích và không phải dựa dẫm vào người khác.

Đang lúc bí bách thì chuyện của chị đến tai các bạn học cùng hồi phổ thông. Nhân dịp họp lớp sau 20 năm ra trường, các bạn góp quỹ, đến thăm, động viên và trao tận tay chị món quà ý nghĩa. Chị quá bất ngờ với sự giúp đỡ chân thành của các bạn. Nhìn ai cũng thành đạt, chị có phần tủi thân nhưng niềm vui đã lấn át tất cả.

Tình cảm ấm áp của các bạn khiến chị không nỡ từ chối. Chị rưng rưng xúc động. Chị thấy có thêm động lực và niềm tin để vượt qua khó khăn. Mơ ước của chị sẽ thành hiện thực nhờ sự giúp đỡ của những người bạn. Chị đã có thêm động lực và quyết tâm để làm ăn, để đủ sức chăm mẹ khi tuổi già. Chị nhất định sẽ cố gắng làm ăn thật tốt để không phụ lòng những người bạn.

TRẦN THỊ LÀNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/niem-vui-bat-ngo-127672