Niềm vui nghỉ lễ 30/4, 1/5: Ứng biến để không kẹt xe, nhích từng mét trên đường
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, mang đến cơ hội nghỉ ngơi cho người dân trên khắp cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui kỳ nghỉ dài ngày, phương tiện cá nhân và nhu cầu đi lại tăng vọt đi kèm nỗi lo ùn tắc giao thông.
Sau những ngày làm việc căng thẳng, kỳ nghỉ dài ngày dịp 30/4 - 1/5 là khoảng thời gian được nhiều người trông đợi. Với nhiều gia đình, đây là cơ hội để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Chị Lê Thị Mai ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, sau những tháng ngày bận rộn với công việc và cuộc sống, kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 năm nay gia đình chị đặt vé máy bay trước cả tháng để vào TPHCM vui chơi, nghỉ ngơi dịp nghỉ lễ.

Dịp 30/4 năm nay, nhiều người chọn TPHCM là điểm vui chơi, nghỉ ngơi. Ảnh: Thạch Thảo.
Sở dĩ, gia đình chị Mai chọn TPHCM vì năm nay tròn 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, gia đình chị muốn được vào tận nơi chứng kiến đại lễ kỷ niệm để được sống lại thời kỳ hào hùng của dân tộc.
"Kỳ nghỉ không chỉ là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, mà còn là dịp quan trọng để thế hệ trẻ, đặc biệt là các con tôi hiểu sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, trân trọng những hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông để giành được nền độc lập, tự do mà chúng ta đang có hôm nay”, chị Mai chia sẻ.
Không chọn kỳ nghỉ để đi du lịch, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay nhiều người lựa chọn nghỉ lễ theo cách giản dị hơn: về quê thăm ông bà, sum họp gia đình, tham gia các hoạt động cộng đồng.
Chị Lê Nhung ở Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ, suốt ba năm nay, mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày, gia đình chị đều thu xếp thời gian về quê thăm bố mẹ và ông bà. Với chị, đó không chỉ là một thói quen mà còn là cách để gìn giữ sợi dây gắn kết gia đình.
Chị tâm sự, ông bà nội bên chồng đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu. Quanh năm bận rộn công việc, vợ chồng chị ít có dịp đưa các con về chơi. Vì vậy, mỗi kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, chị luôn cố gắng thu xếp công việc, dành trọn thời gian cho những chuyến về quê, để các con được quây quần bên ông bà, tận hưởng không khí ấm áp của gia đình.
Tuy nhiên, niềm vui của kỳ nghỉ cũng đi kèm những nỗi lo không nhỏ, đặc biệt là tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Anh Nguyễn Tuấn Duy ở Nam Từ Liên (Hà Nội) chia sẻ, kỳ nghỉ lễ năm nay anh dự định đưa cả gia đình về Hà Tĩnh thăm bố mẹ. Tuy nhiên, anh không khỏi lo lắng về tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường cửa ngõ ra khỏi Hà Nội.
Nỗi ám ảnh ùn tắc vẫn còn nguyên vẹn trong anh từ kỳ nghỉ lễ 2 năm trước, khi chỉ để thoát khỏi Hà Nội đã mất tới gần 2 tiếng đồng hồ.

Nhiều người ám ảnh với tình trạng tắc đường ở các tuyến cửa ngõ Thủ đô. Ảnh: Đình Hiếu.
Anh nhớ lại, năm đó dù đã chủ động xuất phát sớm, nhưng do lượng xe quá đông, phải đến tận 23h anh mới tới được thành phố Thanh Hóa. Quá mệt mỏi và không thể tiếp tục lái xe, anh buộc phải thuê khách sạn nghỉ lại qua đêm, chờ đến sáng hôm sau mới tiếp tục hành trình về quê.
"Chỉ một đoạn chưa đến 200km mất gần gấp ba thời gian bình thường, vừa mệt mỏi vừa lo lắng. Năm nay vợ chồng tôi xin nghỉ phép sớm và cho các con nghỉ học sớm một ngày để về quê sớm để tránh bị kẹt xe như các năm trước", anh Duy cho biết.
Chị Lê Thị Trang ở Thạch Thất (Hà Nội) chia sẻ, quê chị ở Chính Linh, Hải Dương, cách Hà Nội chưa đầy 70 km. Thế nhưng mỗi dịp nghỉ lễ, nghỉ tới đường về quê chị lại ám ảnh với cảnh ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ Thủ đô.
Chị Trang cho biết, vào những ngày cao điểm, các tuyến đường ra khỏi Hà Nội, đặc biệt là khu vực đường vành đai 3 dẫn lên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thường xuyên rơi vào tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng. Gia đình chị nhiều lần phải mất cả tiếng đồng hồ mới nhích được vài cây số để ra tới cao tốc, khiến hành trình về quê vốn ngắn bỗng trở nên nặng nề, mệt mỏi.
"Chỉ nghĩ đến cảnh chen chúc, kẹt xe là cả nhà đã thấy ngại. Do vậy, rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay gia đình tôi chủ động sắp xếp công việc về quê từ ngày 28/4 để có một chuyến đi nhẹ nhàng hơn”, chị Trang nói.
Để kỳ nghỉ thực sự trở thành khoảng thời gian thư giãn, người dân nên lên kế hoạch kỹ càng: chọn những khung giờ di chuyển hợp lý, tránh đổ dồn vào cao điểm để tránh cảnh tắc đường.
Hà Nội lên phương án phân luồng giao thông dịp nghỉ lễ
Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo hướng dẫn phân luồng dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, cụ thể như sau:
Phương tiện từ TP Hà Nội đi các tỉnh phía Nam có thể theo các hướng: Trung tâm Hà Nội đi nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; trung tâm Hà Nội đi quốc lộ 1 cũ theo hướng Giải Phóng - Ngọc Hồi - quốc lộ 1 vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tại nút giao Vạn Điểm hoặc nút giao Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên).
Phương tiện có thể theo quốc lộ 6 (trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung) - ngã ba Ba La đi đường 21B - quốc lộ 38 để ra quốc lộ 1 cũ (nút giao Đồng Văn), hoặc vào nút giao Vực Vòng đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Một hướng khác là phương tiện đi quốc lộ 6 (trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung) - rẽ trái đi đường Phùng Hưng đến đường trục phía Nam rẽ trái đường tỉnh 427B ra ga Thường Tín để vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Phương tiện từ phía Nam đi về TP Hà Nội có thể theo các hướng: Tại nút giao Liêm Tuyền trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi tỉnh lộ 494 - quốc lộ 21B - quốc lộ 6 (ngã ba Ba La, Hà Đông). Tại nút giao Vực Vòng trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, phương tiện đi theo hai hướng: Rẽ trái đi quốc lộ 38 - quốc lộ 21B - quốc lộ 6 (ngã ba Ba La, Hà Đông); hoặc rẽ phải đi quốc lộ 38 - qua cầu Yên Lệnh - quốc lộ 39A - đường tỉnh 379 - nút giao với vành đai 3 (cầu Thanh Trì).
Hướng phương tiện từ TP Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La...) và ngược lại như sau: Đại lộ Thăng Long - đường Tản Lĩnh - Yên Bài - cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; quốc lộ 6 - thị trấn Xuân Mai - Hòa Bình.
Phương tiện từ TP Hà Nội đi các tỉnh phía Đông (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương..) và ngược lại có thể theo các hướng: Đường Cổ Linh - nút giao vành đai 3 đường Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hoặc đường tỉnh 379 đi Hưng Yên, Hải Phòng; hoặc quốc lộ 5 cũ (Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Đức Thuận) đi Hải Dương.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/niem-vui-nghi-le-30-4-1-5-va-noi-lo-tac-duong-2395901.html