Niềm vui sau ngày giải nghệ của 'Tiểu tiên cá'

Kết thúc năm 2022, Ánh Viên nói lời chia tay đường đua xanh. 'Tiểu tiên cá' vẫn không có đối thủ ở đấu trường trong nước, nhưng cô muốn làm những công việc khác. Sau tất cả, Ánh Viên lại trở về hình ảnh thường ngày của một cô gái lấy bơi lội làm thú vui.

Vẫn là người nổi tiếng

Giải bơi vô địch quốc gia 2023 chuẩn bị diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bản danh sách đăng ký vận động viên của đoàn Quân Đội nay thiếu một cái tên quen thuộc: Nguyễn Thị Ánh Viên. "Tiểu tiên cá" làm đúng những gì mình đã nói. Cô nghỉ thi đấu các giải trong nước để chuyển sang công việc mới.

Ánh Viên chọn giải nghệ dù vẫn có thể thi đấu tốt các giải trong nước.

Ánh Viên chọn giải nghệ dù vẫn có thể thi đấu tốt các giải trong nước.

Ánh Viên chia tay đường đua xanh ở tuổi 26, và cô vẫn chưa có đối thủ ở các giải vô địch quốc gia. "Tiểu tiên cá" đã giành 9 HCV tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022, bao gồm 7 HCV các nội dung cá nhân. Nếu tiếp tục duy trì tập luyện, Ánh Viên hoàn toàn có thể thi đấu đỉnh cao thêm vài năm nữa.

Từ một vận động viên, nay Ánh Viên bắt đầu làm quen với công việc của một huấn luyện viên, và làm người nổi tiếng trên mạng xã hội. Sau Tết Nguyên đán, cô lập kênh Tiktok mang tên mình. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Tiktoker Ánh Viên đã có 50.000 người hâm mộ dù mới đăng 7 video.

"Dễ lắm, Viên chỉ cho" trở thành câu nói mang thương hiệu của Ánh Viên trên mạng xã hội. Nét hồn nhiên, tươi tắn đã trở lại trên gương mặt của cô gái sinh năm 1996. Cô có thể thoải mái cười đùa, hướng dẫn các em nhỏ tập bơi như ước mơ thuở bé, thay vì phải nghĩ đến thành tích hay chỉ tiêu.

Với bảng thành tích của một VĐV từng giành 25 HCV SEA Games và những giải đấu cấp châu lục, thế giới, Ánh Viên sẽ không mất nhiều thời gian để lại trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội. Nhưng khác với trước đây, "Tiểu tiên cá" không còn những sức ép của công chúng như thời còn thi đấu.

Từ một cô bé tập bơi ở con sông sau nhà, 15 năm gắn bó với sự nghiệp bơi lội đỉnh cao của Ánh Viên vụt qua nhanh như chớp mắt. Bỏ lại sau lưng những tranh cãi về thành tích cá nhân, hay kỳ vọng phải giành huy chương Olympic, Ánh Viên giờ đây có thể sống đúng với con người thật của mình.

Về phía đội tuyển Việt Nam, những kình ngư khác đã chứng minh được họ hoàn toàn đủ khả năng chinh phục những mục tiêu lớn dù không còn Ánh Viên trong đội hình. Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Quang Thuấn... đều có thành tích rất tốt thời gian gần đây. Họ đã mang về 11 HCV tại SEA Games 31, và có thể tiếp tục thi đấu tốt trong thời gian tới.

Sau tất cả, người hâm mộ luôn nhớ về Ánh Viên với những kỷ niệm đẹp. Cô chính là người biến bơi lội trở thành môn thể thao được quan tâm hàng đầu trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Có lẽ gần đây thôi, "Tiểu tiên cá" mới nhận ra có rất nhiều bé gái được đặt tên Ánh Viên vì cha mẹ họ ngưỡng mộ những gì cô đã làm được.

Một điểm tích cực khác của Ánh Viên sau khi giải nghệ là cô đã có thời gian học tập. Quá trình học đại học của “Tiểu tiên cá” từng bị "treo" trong nhiều năm bởi lịch tập huấn, thi đấu dày đặc. Việc trở lại những ngày bình thường đã giúp nhà vô địch SEA Games được đến trường và tốt nghiệp (dù muộn) như một sinh viên.

"Nạn nhân" của thể thao thành tích cao

Ánh Viên có thể đã tìm được bình yên sau những ngày thi đấu, tập luyện gian khổ, nhưng câu chuyện của cô vẫn là bài học quý. Thể thao Việt Nam không thể dồn quá nhiều tiền đào tạo một vài vận động viên, rồi đổ lỗi cho VĐV đó khi thành tích thu về không được như kỳ vọng. Những VĐV như Ánh Viên, thực chất chưa bao giờ đứng trên đỉnh kim tự tháp thể thao.

"Chúng tôi biết Ánh Viên sống rất khổ vì không được giao tiếp, trò chuyện với mọi người", một VĐV nói. Người này cho biết khi tập trung đội tuyển quốc gia, Ánh Viên không được ngồi cùng bàn với các VĐV khác. Nếu cô giao lưu cùng họ, HLV Đặng Anh Tuấn sẽ mắng mỏ thậm tệ. Dần dần, Ánh Viên cũng ngại tiếp xúc với mọi người khi còn thi đấu.

Là VĐV đầu tiên của Việt Nam được đầu tư trọng điểm với số tiền lớn, Ánh Viên được cả Tổng cục TDTT và đoàn Quân Đội chung tay góp sức vì giấc mơ Olympic. Nhưng HLV phụ trách Ánh Viên trong nhiều năm, ông Đặng Anh Tuấn, lại không phải thành viên đoàn Quân Đội. Quãng thời gian thầy trò Ánh Viên tập huấn ở nước ngoài cũng không được giám sát, quản lý chặt chẽ.

Phải đến khi ông Đặng Anh Tuấn bị diễn viên Trang Trần lên mạng xã hội đòi nợ, công chúng mới biết cựu HLV trưởng đội tuyển bơi Việt Nam có đời sống phức tạp ngoài xã hội. Nhiều vận động viên, tuyển thủ quốc gia cũng biết ông Đặng Anh Tuấn thường xuyên vay mượn tiền mọi người nhưng không dám lên tiếng.

Khi số tiền đầu tư trọng điểm chạm ngưỡng 30 tỷ đồng, cái tên đầu tiên được mọi người nhắc đến là Ánh Viên. "Tiểu tiên cá" bị những người làm thể thao quy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau dù công việc hàng ngày của cô chỉ là ăn uống, tập luyện và thi đấu. Đã có lúc, Ánh Viên cảm thấy căng thẳng đến mức muốn buông xuôi, xin rời đội tuyển quốc gia và giải nghệ sớm.

"Cầu thủ bây giờ không phải cứ ném cục tiền ra là họ nhận lời". Câu nói dành cho cầu thủ bóng đá cũng không sai chút nào khi nhắc đến những gì Ánh Viên từng trải qua. Sai lầm thuộc về những người đang đưa "Tiểu tiên cá" ra làm bình phong suốt thời gian qua. Chỉ đến ngày nghỉ thi đấu, Ánh Viên mới có thể tìm được bình yên cho bản thân.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/niem-vui-sau-ngay-giai-nghe-cua-tieu-tien-ca-i686397/