'Nín thở' giành lại sự sống cho người đàn ông ngừng tim
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mới đây đã tiếp nhận nam bệnh nhân 69 tuổi, nhập viện vì nhồi máu, nhồi máu cơ tim cấp. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân đột ngột xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn.

Bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội đang thực hiện kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Ngay lập tức, các bác sĩ của BV Đại học Y Hà Nội đã kích hoạt báo động đỏ. Bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực nhanh chóng phối hợp tiến hành hồi sinh tim phổi nâng cao, sốc điện, đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch.
Sau khi có mạch trở lại, bệnh nhân được chuyển khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực tiếp tục điều trị. Nhân định đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim rất nguy kịch, ekip hồi sức tích cực và can thiệp tim mạch đã nhanh chóng hội chẩn, xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện và quyết định triển khai đồng bộ các kỹ thuật can thiệp hồi sức huyết động cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được tiến hành theo dõi huyết động xâm lấn, đặt bóng đối xung đông mạch chủ kết hợp với đặt hệ thống oxy hóa ngoài cơ thể (V-A ECMO). Sau khi đảm bảo được huyết động, ekip can thiệp mạch vành đã chụp và can thiệp tái thông hai động mạch vành bị tắc cho người bệnh (động mạch vành trái LAD và động mạch vành phải RCA).
Quá trình điều trị đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa: Cấp cứu, Tim mạch, Hồi sức, Thần kinh và kíp ECMO. Với chiến lược can thiệp toàn diện và kiểm soát tốt huyết động, sau 6 ngày điều trị tại khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, bệnh nhân đã hồi phục, dừng hệ thống ECMO và rút ống nội khí quản.
Hiện bệnh nhân tỉnh táo, không cần phải hỗ trợ của oxy và thuốc vận mạch. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi lâu dài và tập phục hồi chức năng tim mạch tại Trung tâm Tim mạch - BV Đại học Y Hà Nội.
Theo thạc sĩ, bác sĩ nội trú Phan Nguyễn Đại Nghĩa - khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội, nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ đột tử nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Dù bệnh nhân ở trong bệnh viện, nguy cơ diễn biến nặng vẫn có thể xảy ra.
"Hiện bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã xây dựng quy trình báo động nội viện, chủ tổ chức cấp cứu kịp thời những trường hợp diễn biến nặng trong bệnh viện. Đối với bệnh nhân ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim, cơ hội cứu sống gần như là rất thấp. Tuy nhiên, bệnh viện đại học Y Hà Nội luôn tiên phong áp dụng những kỹ thuật tiên tiến trong hồi sức tích cực và can thiệp tim mạch, mở ra nhiều cơ hội sống cho người bệnh trong cơn nguy kịch", bác sĩ Phan Nguyễn Đại Nghĩa cho hay.
Quỳnh Mai / Sức khỏe & Đời sống