Ninh Bình bứt phá từ hợp nhất, vươn tới tương lai: (Kỳ I): Hợp nhất tỉnh-Khơi thông động lực phát triển mới
Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Ninh Bình mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Việc hợp nhất 3 tỉnh, không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn là tầm nhìn chiến lược và cơ hội định hình lại mô hình phát triển toàn diện, tích hợp và bền vững cho một khu vực giàu truyền thống, dồi dào tiềm năng đang sẵn sàng bứt phá phát triển mạnh mẽ. Nhằm kiến tạo sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên mới, tỉnh Ninh Bình mới sẽ quyết tâm, dồn sức, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chương trình, giải pháp cụ thể gắn với thực tiễn của tỉnh và bám sát tinh thần chỉ đạo từ các nghị quyết lớn của Trung ương để kích hoạt hiệu quả các đột phá chiến lược về thể chế, hội nhập, đầu tư và phát triển kinh tế tư nhân, tái cơ cấu toàn diện động lực tăng trưởng.

Du khách tham quan, trải nghiệm Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, phường Nam Hoa Lư. Ảnh: Thanh Thúy
Những giá trị, thành tựu đáng tự hào
Nằm ở cực Nam Đồng bằng Sông Hồng, tỉnh mới giữ vai trò giao thoa chiến lược giữa ba vùng kinh tế trọng điểm: Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Trung du, miền núi phía Bắc. Đây là vùng đất kết tinh linh khí ngàn đời, nơi hội tụ ba dòng chảy lớn: Văn hóa (Tràng An-Hoa Lư-Tam Chúc); lịch sử (Thiên Trường-Thăng Long-Đông Sơn); di sản nhân văn đậm đặc, trải dài hàng ngàn năm lịch sử. Vùng đất này là nơi khai mở thời kỳ độc lập tự chủ đầu tiên của dân tộc với Kinh đô Hoa Lư, biểu tượng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam; đồng thời cũng là quê hương vương triều Trần lừng lẫy, nơi Phủ Thiên Trường từng được coi là “kinh đô thứ hai” của Đại Việt, để lại dấu son rực rỡ trong lịch sử dân tộc.
Từ dòng chảy đó, nơi đây đã sinh ra những bậc hiền tài kiệt xuất. Về danh tướng, tiêu biểu có: Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản. Về danh nhân, ghi dấu tên tuổi các bậc trí thức lớn như: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Trần Huy Liệu, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Hữu Tiến, Nam Cao. Về hiếu học, khoa bảng, nổi bật với các tên tuổi như: Trương Hán Siêu, Lương Thế Vinh, Nguyễn Khuyến, Vũ Duy Thanh... và 18 vị đại khoa được khắc bia tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Không chỉ nổi bật về lịch sử và văn hiến, vùng đất này còn ghi đậm dấu ấn văn hóa khảo cổ học với các di chỉ văn hóa Hòa Bình, các báu vật quốc gia như trống đồng Ngọc Lũ, biểu tượng rực rỡ của văn minh Đông Sơn, khẳng định vai trò trung tâm trong tiến trình phát triển lịch sử và văn hóa Việt Nam. Hiện nay, Ninh Bình mới sở hữu kho tàng văn hóa đặc sắc với hơn 1.800 di tích lịch sử, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như hát chèo, hát chầu văn, hát xẩm, dân ca Dậm Quyển Sơn, hát Lả Lê, rối nước, rối cạn...; cùng các lễ hội tiêu biểu như Đền Trần, Phủ Dầy, Tịch điền Đọi Sơn, vật Liễu Đôi...
Đặc biệt, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây còn là vùng đất hiếm hoi sở hữu Di sản hỗn hợp duy nhất của Đông Nam Á-Quần thể danh thắng Tràng An, biểu tượng của sự giao thoa giữa văn hóa và thiên nhiên. Sự hợp nhất ba tỉnh đã hình thành một không gian di sản đặc sắc, có chiều sâu, quy mô và tầm vóc lớn, mở ra lợi thế vượt trội để phát triển du lịch văn hóa, giáo dục truyền thống, kinh tế sáng tạo, đồng thời nâng tầm sức mạnh mềm và hình ảnh tỉnh Ninh Bình mới trên bình diện quốc gia và quốc tế.
Trong những năm qua, 3 địa phương Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ quyết tâm đổi mới toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực chung sức, đồng lòng của Nhân dân. Từ nền tảng truyền thống vững chắc, cả 3 tỉnh đã tạo ra đột phá lớn trong tổ chức không gian phát triển, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hình thành các vùng động lực kinh tế mới gắn với các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm.
Giai đoạn 2020-2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của ba tỉnh ước đạt hơn 677 nghìn tỷ đồng (Hà Nam ước đạt 244.060 tỷ đồng, Nam Định ước đạt 270 nghìn tỷ đồng, Ninh Bình ước đạt 163.066 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương chú trọng đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, hệ thống đường giao thông, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), hạ tầng đô thị, nông thôn và logistics. Giai đoạn 2020- 2025, đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CCN. Tại Nam Định đã khởi công đầu tư xây dựng các KCN Hải Long và các CCN: Thanh Đạo, Trực Tuấn, Mỹ Thuận, Mỹ Tân, Nam Thanh, Thắng Cường, Kim Thái, CCN tại xã Hiển Khánh, Xuân Tiến 2, Giao Yến, Yến Châu, Nghĩa Phong…; tại Hà Nam đã khởi công đầu tư xây dựng KCN Đồng Văn V, Đồng Văn VI và các CCN Đồng Văn V, Đồng Văn VI, Kim Bảng I, Châu Giang I; tại Ninh Bình đã khởi công đầu tư xây dựng KCN đô thị, dịch vụ Phú Long, KCN Tam Điệp II và các CCN Khánh Hải 1, Khánh Lợi, Trung Sơn, mở rộng CCN Khánh Thượng… Hiện, một số khu kinh tế, KCN, khu công nghệ cao, công viên văn hóa, công viên giải trí… được xây dựng từ nhiều năm trước bắt đầu được khai thác, phát huy hiệu quả, tạo cú hích để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các địa phương đều tăng tốc phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu toàn ngành: Hà Nam chiếm 93,0%; Nam Định đạt 98,42%; Ninh Bình đạt 93,9%. Đã định hình rõ các ngành chủ lực: cơ khí ô tô, điện tử, dệt may, da giày, công nghiệp hỗ trợ…, góp phần xây dựng nền công nghiệp hiện đại, hội nhập sâu với chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiều mô hình kinh tế mới, sáng tạo được hình thành và phát triển, thể hiện xu hướng khai thác tài nguyên bản địa gắn với hội nhập quốc tế. Tiêu biểu như mô hình liên doanh quốc tế tại Nhà máy Ô tô Hyundai Thành Công dây chuyền 2 tại KCN Gián Khẩu, trong đó phía Việt Nam sở hữu 50% tổng giá trị. Mô hình nhượng quyền thương hiệu bước đầu phát huy hiệu quả tại các khách sạn mang thương hiệu toàn cầu như Pullman tại Hoa Lư, Melia và Legend Valley tại Phủ Lý.
Nổi bật trong làn sóng chuyển dịch mô hình phát triển là kinh tế sáng tạo gắn với khai thác tài nguyên văn hóa-thể thao-truyền thông-di sản. Kinh tế ban đêm khởi sắc với Phố cổ Hoa Lư, Phố Tây Tam Cốc-Bích Động. Kinh tế thể thao ngày càng chuyên nghiệp hóa với hệ sinh thái sân golf (Hoàng Gia, Tràng An), các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp như bóng đá Thép Xanh Nam Định, Phù Đổng Ninh Bình, đội bóng chuyền nữ Ninh Bình.
Hoạt động kinh tế truyền thông, chuyển nhượng cầu thủ… cũng đóng góp đáng kể vào cơ cấu dịch vụ mới. Đặc biệt, các địa phương đã có những đột phá đáng kể trong phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch di sản và giải trí sáng tạo. Hàng loạt công viên văn hóa giải trí được đầu tư đồng bộ như Công viên khủng long, Không gian văn hóa cư dân tiền sử, Phố cổ Hoa Lư, Không gian Đàn Kính Thiên, Công viên giải trí Sun World. Mô hình du lịch cộng đồng tại Tam Cốc-Bích Động, Thung Nham… từng bước định hình các chuỗi giá trị du lịch bền vững.
Song song với đó, việc bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được chú trọng, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế và nâng cao sức mạnh mềm địa phương. Những danh hiệu quốc tế như Quần thể danh thắng Tràng An-Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (UNESCO, 2014), Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (UNESCO, 2016)… tiếp tục được khai thác hiệu quả, trở thành động lực tăng trưởng. Đáng chú ý, Quần thể danh thắng Tràng An đang được lượng giá thương hiệu ở mức 214 tỷ USD (giai đoạn 2023-2025), khẳng định tiềm năng kinh tế to lớn từ tài nguyên di sản.
Các địa phương đang chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái, công nghệ cao, gia tăng giá trị bền vững. Tư duy phát triển nông nghiệp đã chuyển mạnh từ sản lượng sang chất lượng, từ đơn ngành sang tích hợp đa giá trị, hình thành rõ nét hệ sinh thái nông nghiệp gắn với không gian sống và khai thác di sản nông nghiệp-làng nghề-cảnh quan.
Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đóng vai trò là nền tảng của chiến lược xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thúc đẩy hình thành các sản phẩm đặc hữu có thương hiệu, giá trị gia tăng cao. Hiện toàn vùng có hàng trăm sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, phản ánh rõ nỗ lực chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Hà Nam có 167 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó có 17 sản phẩm 4 sao. Ninh Bình có 229 sản phẩm được công nhận, gồm 161 sản phẩm 3 sao, 67 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao. Đặc biệt, Nam Định dẫn đầu cả nước về số lượng với 534 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 65 sản phẩm 4 sao và 465 sản phẩm 3 sao.
Những con số biết nói ấy không chỉ khẳng định năng lực tổ chức sản xuất quy mô hộ và hợp tác xã, mà còn góp phần hình thành các mô hình du lịch canh nông, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm địa phương và gia tăng sức hấp dẫn từ tài nguyên nông nghiệp bản địa. Về tăng trưởng kinh tế, cả ba địa phương đều đạt tốc độ ấn tượng trong giai đoạn 2020-2024.
GRDP bình quân tăng cao vượt mặt bằng chung cả nước: Hà Nam đạt 10,26%, Nam Định đạt 9,55%, Ninh Bình đạt 8,03%. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, thời điểm cận kề sáp nhập, cả 3 địa phương đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số, cho thấy dư địa phát triển rất lớn và sức bật mạnh mẽ của kinh tế vùng hội nhập. Trên nền tảng những thành tựu to lớn đã xác lập, tỉnh Ninh Bình mới đang từng bước xác lập vị thế là một đô thị du lịch quốc tế, trung tâm chuyên ngành quốc gia về logistics, công nghiệp chế tạo, du lịch dịch vụ, nông nghiệp sinh thái của vùng Đồng bằng Sông Hồng, tạo nền tảng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực an sinh xã hội của các địa phương cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cả ba địa phương đều được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng tầm chất lượng sống ở khu vực nông thôn tiệm cận đô thị. Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, gắn kết hài hòa nông thôn-đô thị, phát huy vai trò các đô thị trung tâm chuyên ngành.
Cùng với đó, các địa phương chú trọng phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, trung lưu hóa đời sống dân cư, chuyển dịch cơ cấu xã hội theo hướng tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đến hết năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 cơ bản thấp hơn bình quân chung của cả nước (Hà Nam: tỷ lệ hộ nghèo 1,51%, hộ cận nghèo 1,79%; Nam Định: tỷ lệ hộ nghèo 0,95%, hộ cận nghèo 2,34%; Ninh Bình: tỷ lệ hộ nghèo 1,48%, hộ cận nghèo 1,90%; bình quân chung của cả nước: tỷ lệ hộ nghèo 1,93%, hộ cận nghèo 2,13%). Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng, khẳng định vị thế, uy tín của ba địa phương. Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Khởi đầu mới cho tầm nhìn dài hạn
Việc hợp nhất 3 địa phương Hà NamNam Định-Ninh Bình đã tạo không gian phát triển cho một đơn vị hành chính mới có diện tích khoảng 3.942,61km2, dân số hơn 4,4 triệu người, với 129 đơn vị hành chính cấp xã, hình thành một thực thể lãnh thổ có quy mô lớn, thống nhất và tiềm năng nội sinh mạnh mẽ. Không chỉ là bước sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, mô hình chính quyền địa phương hai cấp còn mở ra dư địa lớn để cải cách thể chế, giảm tầng nấc trung gian, giải phóng nguồn lực và nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Việc xóa bỏ các “ranh giới mềm” trong quy hoạch, đầu tư giúp tỉnh Ninh Bình mới có điều kiện thiết kế không gian phát triển một cách tổng thể, liên kết, đa trung tâm, tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả điều hành và thu hút đầu tư.
Sức mạnh của tỉnh mới không chỉ đến từ quy mô mở rộng, mà còn từ khả năng tích hợp và cộng hưởng các thế mạnh đặc trưng: sự năng động công nghiệp-đô thị, chiều sâu văn hóa-du lịch, nông nghiệp sinh thái bền vững và nguồn nhân lực chất lượng. Việc hợp nhất không xóa nhòa bản sắc, mà kiến tạo một thực thể phát triển mới, toàn diện hơn, hiện đại hơn, bền vững hơn.
Theo định hướng của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình trước ngày sáp nhập, Ninh Bình mới cần tận dụng thời cơ chiến lược này để tái cấu trúc mô hình phát triển, quy hoạch lại các ngành, lĩnh vực trọng điểm, xác lập vị thế trung tâm vùng và hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là thời điểm bản lề, nơi lịch sử, hiện tại và tương lai cùng hội tụ. Một cánh cửa lớn đang rộng mở, và điều quan trọng nhất lúc này là cần có sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân để biến cơ hội thành kết quả thực chất, sẽ tạo đà phát triển vững chắc cho tỉnh Ninh Bình mới, một vùng đất đã sẵn mang tinh thần đổi mới, khát vọng vươn lên.
(Còn nữa)