Ninh Bình chưa phải xả tràn trên sông Hoàng Long

Sau khi lập đỉnh mức 4,93 m vào tối 12/9, nước sông Hoàng Long đã rút, phương án xả tràn Lạc Khoái không phải thực hiện nhưng người dân vẫn tiếp tục ở khu di tản.

Ninh Bình không phải xả tràn

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, sáng 13/9 lũ trên sông Hoàng Long đang rút chậm. Lúc 8h nước sông tại Bến Đế ở mức 4,81 m, trên báo động ba 0,81 m; tại Gián Khẩu 4,43 m, trên báo động ba 0,73 m. Dự báo trong 12h giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long giảm chậm nhưng vẫn ở mức cao.

Tràn Lạc Khoái hiện chưa phải xả tràn.

Tràn Lạc Khoái hiện chưa phải xả tràn.

Do mực nước sông Hoàng Long giảm, phương án xả tràn Lạc Khoái không thực hiện như dự kiến. Dù vậy, người dân trong diện di tản ở Gia Viễn, Nho Quan vẫn ở những nơi cao ráo như nhà cao tầng, trường học, nhà văn hóa... chờ phương án đảm bảo an toàn từ chính quyền địa phương.

Tràn là vị trí thiết kế thấp hơn mặt đê, đập bình thường. Trong tình huống nước dâng cao quá quy định, gây nguy hiểm, cơ quan vận hành sẽ xả tại vị trí này để tránh vỡ đê.

Trước đó, vào chiều 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát lệnh di dân vùng phân lũ, xả lũ sông Hoàng Long khi nước con sông này liên tục dâng cao và đã vượt mức 4,9 m (mực nước báo động phải thực hiện phương án sơ tán dân). Quá trình di dân các vùng trũng thấp được yêu cầu thực hiện xong trước 18h cùng ngày.

Chính quyền dự báo đến 19h ngày 12/9, mực nước sông Hoàng Long có khả năng lên mức 5,3 m và Ninh Bình phải thực hiện phương án xả tràn tại tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn. Tình huống buộc phải xả tràn sẽ có khoảng 55.000 dân ở hơn 12.600 hộ thuộc các huyện Gia Viễn, Nho Quan bị ngập sâu.

Chính quyền các huyện Gia Viễn, Nho Quan sau đó đã thực hiện lệnh di dân tại chỗ hàng nghìn hộ sinh sống trong vùng phân lũ. "Chủ yếu là di dân tại chỗ, từ tầng thấp lên tầng cao và ưu tiên sơ tán người già, trẻ nhỏ, hộ neo đơn đến nơi an toàn...", ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, cho hay.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão Yagi, những ngày qua khoảng 1.000 hộ dân ở tỉnh Ninh Bình đã bị ngập. Nặng nhất là khu vực thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn khi 600 hộ dân đã bị ngập sâu 1-2m. Các điểm điểm trường mầm non và tiểu học của xã Gia Thịnh đã cho học sinh nghỉ học tránh lũ.

Sông Hoàng Long là hợp lưu của sông Bôi, sông Đập và sông Lạng, bắt nguồn từ vùng đồi núi của tỉnh Hòa Bình. Tại Ninh Bình, dòng sông này dài hơn 30 km, chảy qua địa bàn ba huyện Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư trước khi nhập vào sông Đáy.

Công an Ninh Bình triển khai đồng bộ nhiều biện pháp giúp dân chống lũ

Sáng 13/9, Đoàn công tác của Công an tỉnh do Đại tá Đặng Trọng Cường, Giám đốc Công an tỉnh đã đi kiểm tra phòng, chống lũ tại Đê đập tràn xã Đức Long, huyện Nho Quan.

Tại địa điểm đến kiểm tra, Đại tá Đặng Trọng Cường đã nghe các đơn vị chức năng báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống lũ lụt; kiểm tra thực tế và lắng nghe kiến nghị, đề xuất của các đơn vị đối với Công an tỉnh.

Công an tỉnh Ninh Bình hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn

Công an tỉnh Ninh Bình hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn

Ông Cường cũng đã nêu một số vấn đề, nhắc nhở lãnh đạo, CBCS tham gia phòng, chống lũ tích cực, chủ động trong công tác phối hợp với các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân phòng, chống có hiệu quả với lũ lụt.

Đại tá Đặng Trọng Cường và Đại tá Đinh Trọng Soạn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng đã tặng quà, động viên Công an xã Đức Long; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở và người dân của xã Đức Long.

Giám đốc Công an tỉnh đã đi kiểm tra phòng, chống lũ tại Đê đập tràn xã Đức Long, huyện Nho Quan.

Giám đốc Công an tỉnh đã đi kiểm tra phòng, chống lũ tại Đê đập tràn xã Đức Long, huyện Nho Quan.

Trước đó, ngày 12/9, căn cứ tình hình thực tế công tác phòng, chống bão lũ, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh, nhất là Công an huyện Gia Viễn, Công an huyện Nho Quan, Phòng Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH,… huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai quyết liệt các biện pháp công tác, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc công tác di dân, di chuyển tài sản đến nơi tránh trú an toàn theo đúng chỉ đạo của tỉnh.

Bên cạnh việc tích cực làm tốt công tác phục vụ việc di dân, di chuyển tài sản, với phương châm không để người dân bị đói rét, nguy hiểm trong lũ lụt, lực lượng Công an đã huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng chức năng sử dụng ca nô, thuyền, áo phao… đi sâu vào thôn xóm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân; đồng thời tổ chức phối hợp củng cố, bồi đắp các tuyến đê, các vị trí, công trình thủy lợi xung yếu, ngăn lũ lụt tràn vào khu dân cư để bảo vệ tính mạng, tài sản, hoa màu của nhân dân …

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ninh-binh-chua-phai-xa-tran-tren-song-hoang-long-post1121163.vov