Ninh Bình chuyển đổi số, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp

Thực hiện hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử, đơn giản thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian đi lại, chờ đợi của công dân, tiết kiệm chi phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tăng tính chính xác.

Tại tỉnh Ninh Bình cung cấp dịch trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh, tỷ lệ giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử tăng cao so với năm 2023. Triển khai phục vụ, phát triển công dân số được đẩy mạnh, 100% công dân đủ điều kiện được cấp tài khoản định danh điện tử. Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng, nền tảng số.

Tỉnh Ninh Bình hoàn thành cung cấp 100% các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

Tỉnh Ninh Bình hoàn thành cung cấp 100% các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

Bên cạnh đó, năm 2024, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử; các DVC về hoạt động khuyến mại; đã kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến, thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính liên quan đến TTHC về đất đai trên cổng DVC quốc gia. Triển khai ứng dụng Zalo OA để nhắn tin, quét mã QR thông báo trạng thái hồ sơ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; một số đơn vị đã triển khai nhắn tin nhắn (SMS brands name) thông tin tiến độ giải quyết hồ sơ trên Hệ thống.

Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Hệ thống định danh và xác thực điện tử VNeID (Bộ Công an) vào ngày 3/4/2024;

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã kết hợp với Viễn Thông Ninh Bình xây dựng chức năng cho phép công dân xác thực, đồng bộ thông tin tài khoản giữa CMTND 9 số với CCCD trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ

Hiện nay 100% tài khoản công dân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được làm sạch và đồng bộ giữa CCCD và CMTND 9 số; từ ngày 1/7/2024 đến nay, người dân chỉ sử dụng duy nhất 1 tài khoản VNeID trong thực hiện giải quyết TTHC trên Cổng DVC của tỉnh và Cổng DVC quốc gia.

Người dân đến làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến.

Người dân đến làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến.

Về hạ tầng công nghệ thông tin; mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống đường truyền Internet, tốc độ truy cập mạng băng thông rộng cố định, di động; trung tâm dữ liệu tỉnh, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình cũng cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác sử dụng ổn định, hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung, tạo tiền đề thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin giải quyết TTHC…

Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với chuyển đổi số được chú trọng, đặc biệt trong hoạt động giám sát, cảnh báo sớm, từ đó bảo đảm tốt nhiệm vụ rà soát nguy cơ gây mất an toàn thông tin, tăng cường khả năng hỗ trợ ứng cứu, tham gia giải quyết sự cố. Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố mất an toàn, an ninh mạng. 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp sở, ngành, huyện đã trang bị hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. 100% mạng LAN cơ quan, đơn vị đã trang bị hệ thống tường lửa... Mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ công tác điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính quyền các cấp và hoạt động của các tổ chức, cá nhân được đảm bảo an toàn tuyệt đối; nhu cầu thông tin liên lạc, kết nối, truyền tải dữ liệu, hình ảnh trong các dịp lễ, Tết, sự kiện lớn của tỉnh được đáp ứng tối đa…

Được biết, tỉnh Ninh Bình là một trong các địa phương sớm triển khai thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp và hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia. Đảm bảo an toàn thông tin phục vụ kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chuẩn của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong năm 2025, Ninh Bình xác định khâu đột phá trong chuyển đổi số của tỉnh là thực hiện chuyển đổi căn bản các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; cung cấp dịch vụ công; giám sát, kiểm tra lên môi trường điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền số ở các cấp nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, yêu cầu tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm soát và cải cách thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công thiết yếu đảm bảo thực chất, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các Hệ thống thông tin, hạ tầng, nền tảng số; phát triển các điều kiện công dân số; thiết lập hạ tầng, mạng lưới bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin đủ mạnh; triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn mạng, đảm bảo hoạt động an toàn cho hạ tầng số và các hệ thống thông tin; tạo lập, chuẩn hóa, thu gom, tích hợp dữ liệu số theo hướng quản lý, lưu trữ tập trung, chia sẻ dùng chung phục vụ xây dựng Chính quyền số dựa trên công nghệ số và dữ liệu số; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số thông qua đẩy mạnh các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, trí tuệ nhân tạo (AI).

100% nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được cụ thể hóa thực hiện bằng các văn bản, kế hoạch và theo dõi, giám sát, đánh giá thường xuyên; 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025. 100% địa bàn dân cư trên địa bàn tỉnh được phủ sóng mạng di động 4G, 5G. Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 100% các cơ quan, đơn vị tham gia cung cấp, mở dữ liệu và cập nhật thường xuyên trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh; 100% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia theo lộ trình, yêu cầu của Chính phủ…

Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số là xu thế khách quan trong quản trị địa phương hiện nay. Đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao; đồng bộ triển khai ở các cấp, các ngành, đơn vị, người dân và doanh nghiệp; kiên trì, bền bỉ thực hiện những nhiệm vụ đã đề ra.

Minh Hiền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/ninh-binh-chuyen-doi-so-phuc-vu-tot-nhat-cho-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-i756077/