Doanh nghiệp Việt củng cố nội lực, hướng tới 'Made by Vietnam'

Theo lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, doanh nghiệp Việt Nam không thể mãi phụ thuộc vào gia công mà phải hướng tới cao hơn là 'Làm ra tại Việt Nam-Made by Vietnam'.

Ngày 10-5, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức chương trình Cà phê Doanh nhân lần thứ 82 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2025-2026: Tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ và giải pháp cho doanh nghiệp”.

Cơ hội để doanh nghiệp “thức tỉnh”

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho biết trong bối cảnh chính sách thuế quan mới của Mỹ, Việt Nam đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức.

Về cơ hội, câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang Mỹ khi một số nước khác có thể bị áp thuế quan cao hơn không. Liệu Việt Nam có tiếp tục đón nhận làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng và đầu tư sản xuất không.

Theo TS Lực, cả về thương mại và đầu tư cơ hội đều có thể xảy ra, nhưng sẽ phụ thuộc lớn vào kết quả đàm phán về mức thuế quan với Mỹ trong thời gian tới.

Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp “thức tỉnh”, tự cơ cấu lại, đa dạng hóa thị trường, gia tăng sức mạnh nội lực và đẩy mạnh nội địa hóa sản xuất.

Theo TS. Lực, trước những thách thức và cơ hội, ông kiến nghị Chính phủ cần đàm phán hiệu quả với phía Mỹ, đưa ra các cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể để đạt được kịch bản thuế suất ở mức thấp.

Đồng thời, cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, tăng cường nội lực, tính tự chủ, tự lực, tự cường.

Đối với doanh nghiệp, khi Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như giảm phí, ưu đãi thuế VAT…thì doanh nghiệp cần chủ động tận dụng tối đa các chính sách này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải đảm bảo minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, minh bạch thông tin với đối tác, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó trước mắt, ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết năm 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 16,25 tỉ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 9 tỉ USD tương đương 55% - 56%.

Do đó, thông tin về khả năng Mỹ áp “thuế đối ứng”, HAWA đã gấp rút triển khai các hoạt động như: khảo sát nhanh ý kiến hội viên; gặp gỡ các doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu lớn và các nhà mua hàng lớn để thu thập thông tin, tìm hiểu tình hình thực tế, ghi nhận những phản ánh, trăn trở, cũng như các đề xuất giải pháp trước mắt.

Trên cơ sở đó, HAWA đã tổng hợp và gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng.

“Các doanh nghiệp đã đưa ra những đề xuất rất thiết thực, phù hợp, giải quyết những vấn đề mà lâu nay bản thân họ cũng bức xúc. Bây giờ là lúc rất cần các biện pháp mạnh tay để xử lý các vấn đề như gian lận thương mại, gian lận xuất xứ nguồn gốc”-ông Mẫn kể.

“HAWA cũng đã có những giải pháp riêng nhằm thúc đẩy việc tăng cường nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ chính thị trường Mỹ. Chúng tôi tin tưởng vào sự năng động, nhanh nhạy và phương pháp đàm phán của Chính phủ.

Mong rằng sẽ có kết quả đàm phán tích cực để ngành gỗ có thể tiếp tục tự tin phát triển, dựa trên lực lượng lao động lành nghề, lợi thế logistics và sự hỗ trợ của Nhà nước, nhằm duy trì sự ổn định trong giai đoạn nhiều thách thức hiện nay”- ông Mẫn nói.

 Các chuyên gia doanh nghiệp chia sẻ tại chương trình.

Các chuyên gia doanh nghiệp chia sẻ tại chương trình.

Xây dựng “Made by Vietnam” cho nhiều ngành hàng

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho biết ngành dệt may đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó và xem đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển thương hiệu mạnh hơn tại thị trường Việt Nam.

Đồng thời, ngành đang nỗ lực thay đổi chuỗi cung ứng cho phù hợp, đặc biệt là đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may sẽ đạt 60%.

“Ngoài ra, chúng tôi tập trung phát triển mạnh mẽ thương hiệu “Made in Vietnam”, nhằm giảm thiểu rủi ro và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa xuất xứ nguyên phụ liệu” -ông Việt nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, cho biết Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm 30% thủ tục hành chính. Ông tin rằng nếu được triển khai đồng bộ, điều này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phân tích kỹ lưỡng lợi thế cạnh tranh của các quốc gia khác trong bối cảnh chính sách thuế quan thay đổi.

Do đó, nội lực của doanh nghiệp phải được củng cố thông qua việc cắt giảm chi phí không cần thiết, bao gồm chi phí thủ tục hành chính, chi phí logistics,...

Do đó, HUBA kiến nghị ngành Ngân hàng xem xét có chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp đang vay vốn phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng cần xem xét nới lỏng một số điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, Nhà nước cần giao các Bộ, ngành xây dựng chiến lược, khuyến khích các Tập đoàn, doanh nghiệp đầu ngành có đủ năng lực đầu tư vào phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

“Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ để vượt qua áp lực cạnh tranh hiện tại”-ông Hòa nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho rằng vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp Việt Nam không thể mãi phụ thuộc vào gia công mà phải hướng tới cao hơn là “Làm ra tại Việt Nam-Made by Vietnam”.

Ông An nhắc lại, trước đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chương trình “Made by Vietnam” nhưng chủ yếu dành cho sản phẩm công nghệ thông tin.

Theo ông, điều này là chưa đủ, mà cần mở rộng ra các ngành hàng khác.

Doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới việc làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất từ A-Z, dù đây là một thách thức không nhỏ nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được với quyết tâm và chính sách hỗ trợ phù hợp.

Chẳng hạn, nhà nước cần lựa chọn những ngành hàng, sản phẩm cụ thể để tập trung phát triển, đồng thời có chính sách hỗ trợ đủ mạnh cho một số doanh nghiệp đầu tàu, có tâm huyết và năng lực để tiên phong triển khai. Tránh tình trạng chỉ hô hào chung chung mà không có hành động cụ thể sẽ rất khó thành công.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/doanh-nghiep-viet-cung-co-noi-luc-huong-toi-made-by-vietnam-post849069.html