Ninh Bình hoàn thành Tổng điều tra kinh tế năm 2021
Sau khi hoàn thành Tổng điều tra kinh tế giai đoạn I, tỉnh Ninh Bình đã triển khai Tổng điều tra giai đoạn II, thu thập thông tin của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Thời gian bắt đầu điều tra của giai đoạn II từ ngày 1/7 đến 30/7, tuy nhiên đến ngày 25/7, công tác thu thập thông tin đã được hoàn tất. Tỉnh Ninh Bình đã sớm hoàn thành công tác Tổng điều tra kinh tế năm 2021.
Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 nhằm thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, sự nghiệp để có cơ sở đánh giá về số lượng, quy mô và lao động; kết quả sản xuất, kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động địa phương theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý.
Đây là những dữ liệu quan trọng giúp tính toán chính xác các chỉ tiêu kinh tế năm 2020 như tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố (GRDP). Đồng thời, cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh, phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành thống kê, các bộ, ngành và địa phương.
Để thu thập thông tin chính xác, hiệu quả, các điều tra viên đã đến từng cơ sở gặp người cung cấp thông tin (chủ cơ sở) để ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu CAPI được thiết kế trên thiết bị điện tử cầm tay (điện thoại di động hoặc máy tính bảng). Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, đến ngày 25/7, giai đoạn II cuộc Tổng điều tra đã hoàn thành.
Theo đó, đã triển khai thực hiện hoàn thành công tác thu thập thông tin tại 1.585/1.585 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng (đạt 100%); hoàn thành công tác thu thập thông tin tại 87.154/87.154 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể (đạt 100%), trong đó 2.547 cơ sở điều tra mẫu và 84.607 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể điều tra toàn bộ. Trong đợt ra quân lần này đã huy động gần 500 điều tra viên ở các huyện, thành phố là những người có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn tham gia công tác điều tra, thu thập số liệu ở các cơ sở.
Là đơn vị trung tâm của tỉnh, thành phố Ninh Bình có số cơ sở kinh doanh cá thể khá đông, thành phố cũng đã tích cực triển khai công tác điều tra thu thập thông tin để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Bà Đỗ Thị Thu Hường, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê khu vực Ninh Bình - Hoa Lư, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tổng điều tra thành phố cho biết: Sau khi lập danh sách nền, rà soát, 72 điều tra viên đã nhanh chóng tiến hành thu thập thông tin. Các điều tra viên tiến hành thu thập thông tin ở 107 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và 10.776 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. Do cuộc Tổng điều tra diễn ra vào giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc thu thập thông tin gặp khó khăn khi nhiều cơ sở đóng cửa và khó tiếp cận chủ kinh doanh. Vì vậy, điều tra viên phải tranh thủ ngoài giờ hành chính, đến tận nhà chủ cơ sở để lấy thông tin.
Mặt khác, một số hộ kinh doanh nhà trọ không có người thuê nên chủ nhà trọ báo nghỉ hoặc không hợp tác và thời điểm rà soát các hộ đã tạm ngừng kinh doanh. Do đó, công tác rà soát, kiểm tra phải bổ sung, cập nhật liên tục để đảm bảo điều tra đầy đủ, kịp thời, không trùng lặp, bỏ sót. Đến ngày 25/7, công tác điều tra, thu thập thông tin đã được hoàn tất, hoàn thành trước kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Đức Trung, hộ kinh doanh tạp hóa tại phường Nam Bình chia sẻ: Là một trong những đối tượng được điều tra thu thập thông tin phục vụ cuộc Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021, tôi hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và cung cấp thông tin trung thực, khách quan cho điều tra viên phục vụ nhiệm vụ điều tra, thu thập thông tin.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: So với giai đoạn I, giai đoạn II chỉ có 1 tháng để thực hiện, trong khi các điều tra viên sẽ mất nhiều thời gian hơn do phải tới từng đơn vị để thu thập thông tin. Do đó, Cục Thống kê đã chủ động triển khai công tác tập huấn tới tất cả các huyện, thành phố.
Một trong những điểm khác biệt nhất của cuộc Tổng điều tra kinh tế giai đoạn 2 so với những năm trước đây là phải kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cụ thể, điều tra viên phải trực tiếp đến từng cơ sở để thực hiện phỏng vấn, thu thập thông tin kết hợp cùng điều tra trực tuyến bằng thiết bị điện tử thông minh. Từ đó, cập nhật dữ liệu lên hệ thống để Ban chỉ đạo các cấp có thể theo dõi, tra cứu.
Nhờ đó, không chỉ giúp minh bạch thông tin mà còn tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ như: Nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát dễ dàng ở tất cả các cấp; việc xử lý số liệu, dữ liệu đa phần là máy móc thực hiện nên ít sai sót, thời gian xử lý nhanh gấp đôi so với làm thủ công.
Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các điều tra viên đã chủ động chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện điều tra, tiến hành điều tra xử lý thông tin đảm bảo tiến độ, tính chính xác và chất lượng thông tin, đáp ứng tối đa yêu cầu đề ra. Với việc thu thập thông tin sẽ giúp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và ra quân tích cực, trách nhiệm, cuộc Tổng điều tra đã hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ và yêu cầu đề ra. Hiện nay, dữ liệu về đơn vị cần điều tra đã đồng bộ lên hệ thống.