Ninh Bình: Khoảng 3.000 ha đất chưa có nước cấy do mặn xâm lấn
Đến thời điểm này, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy nước làm đất, gieo cấy vụ lúa Đông Xuân do tình trạng xâm nhập mặn.
Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Kim Sơn triển khai kế hoạch gieo cấy lúa trên diện tích gần 8.000ha. Trước đó, bà con trong huyện thực hiện tốt khâu cày ải, được nắng nên chất lượng đất khá tốt. Tuy nhiên, vào thời điểm này, việc lấy nước đổ ải tại nhiều xã đang gặp rất nhiều khó khăn do mặn xâm lấn. Việc đưa nước vào ruộng chưa đảm bảo kế hoạch, nhiều cống vừa mở đã phải đóng lại do độ mặn vượt mức cho phép.
Cụ thể, Hợp tác xã (HTX) Thượng Kiệm có kế hoạch gieo cấy trên 300ha, với phần lớn diện tích đất lấy nước từ thủy triều dâng. Tuy nhiên, do mặn lấn sâu, việc đưa nước vào ruộng để cày đất đang gặp bế tắc. Vào những năm trước, đợt xả nước lần 1 ở các hồ thủy điện trên thượng nguồn cơ bản cung cấp đủ nước để cày bừa, làm đất, nhưng năm nay mới chỉ cấp đủ nước cho 1/3 diện tích đất gieo cấy toàn xã, không đủ để cày ngả đất.
Bà Nguyễn Thị Lan (trú xóm 1, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn) cho biết: Đến ngày 6/2, gần 1 mẫu ruộng (khoảng 3.600m2 đất) của gia đình bà mới chỉ cày ải, chưa có nước để bừa.
“Như năm ngoái, khoảng 30 Tết là trạm bơm xả nước, ăn Tết xong, người dân thuê máy cày bừa, đợi hơn 1 tuần là có thể cấy luôn được. Tuy nhiên, vào năm nay, không hiểu vì lý do gì mà đến giờ vẫn chưa có nước để làm đất, gieo cấy, điều này làm người dân chúng tôi rất lo lắng” - bà Lan nói.
Ông Vũ Ngọc Thức - Giám đốc HTX Thượng Kiệm cho biết: Hiện nay, toàn xã mới có 35% diện tích đất ruộng vụ Đông Xuân đủ nước để bừa dập. “Để đảm bảo đủ nước cho người dân gieo cấy, tới đây, HTX sẽ tập trung máy bơm để cơ động lấy nước từ nguồn nước thủy triều dâng” - ông Thức nói.
Ông Phạm Văn Điển - Trạm trưởng Trạm bơm rạch ráng (huyện Kim Sơn) cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là mực nước sông Vạc đang ở mức thấp, nếu vận hành máy sẽ dẫn đến dòng điện tăng, nguy cơ gây ra cháy và hỏng máy.
“Nhiều ngày qua, trạm bơm phải vừa đo mặn, vừa lấy nước, cử công nhân ứng trực 24/24 giờ để điều hành, đảm bảo hoạt động an toàn cho các thiết bị. Tới đây, nếu mực nước sông tăng lên thì chúng tôi sẽ bơm được ngay để người dân có nước gieo cấy” - ông Điển cho biết.
Theo ông Phạm Hồng Giang - Chi nhánh trưởng Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi huyện Kim Sơn, trước tình hình thiếu nước sản xuất như hiện nay, chi nhánh đã huy động tối đa về con người tại các vùng không lấy được nước tới hỗ trợ các vùng có cống thủy triều lấy được nước để phục vụ việc đo mặn, kiểm tra, khi nào đảm bảo chất lượng nước tưới thì mở tối đa 100% các cống xả để phục vụ nước tưới tiêu cho bà con.
Ông Trần Anh Khôi - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết: Đối với 8.000ha đất gieo cấy vụ Đông Xuân trên địa bàn toàn huyện, hiện đã cung cấp đủ nước tưới cho khoảng 5.000ha, số còn lại sẽ chờ đợt xả nước lần 2 từ ngày 8 - 14/2.
“Với những diện tích có nước, huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương nhanh chóng làm đất, gieo cấy cho kịp thời vụ, đồng thời tăng cường bảo vệ tốt diện tích đất đã có nước không để mặn xâm lấn. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi thường xuyên đo độ mặn và thông tin tới người dân để chủ động trong việc tưới tiêu, quyết tâm không để mặn xâm nhập vào ruộng” - ông Khôi cho biết thêm.